Ngày 12 – 8, trong Hội nghị tổng kết năm học 2015 – 2016 và phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp năm học 2016 – 2017 của ngành giáo dục và đào tạo TP Đà Nẵng, sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Sở GD-ĐT, ông Đặng Việt Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã chỉ trích ngành giáo dục đã thiếu thẳng thắn trong báo cáo tổng kết. “Các anh báo cáo hiện trạng thì dài, nhưng giải pháp quá ngắn. Những tham luận của đại diện các Phòng GD-ĐT quận giống như hội thảo, chỉ nói cái hay, cái đẹp còn những bức xúc, nổi cộm, khó khăn không đưa ra”, ông Dũng nhấn mạnh. Theo ông Đặng Việt Dũng, những thực trạng còn tồn tại trong ngành giáo dục rất nhiều. Ở cấp bậc giáo dục mầm non, đời sống của giáo viên còn rất thấp. Một bộ phận không nhỏ lớp trẻ phải vào những cơ sở nuôi dạy trẻ tự phát, nhóm trẻ gia đình. Cơ sở vật chất và giáo dục không đảm bảo, trình độ giáo viên không phù hợp, không đảm bảo năng lực chuyên môn hay khả năng chăm sóc trẻ em. “Tại các khu công nghiệp, tôi đã đi kiểm tra, rất nhiều công nhân phải đi gửi nhờ con cho người khác giữ vì nhà trẻ không còn chỗ. Còn bao nhiêu nhà trẻ thì diện tích nhỏ hẹp, chật chội, nhà vệ sinh bẩn thỉu. Các anh báo cáo bao nhiêu mô hình đẹp, nhưng chưa ổn đâu” – ông Dũng nói. Ông Dũng cũng chỉ trích tình trạng dạy thêm, học thêm còn tràn lan. “Dạy, học thêm có mục đích bồi dưỡng học sinh giỏi và yếu. Nhưng ngày nay ai cũng phải đi học thêm. Học sinh vào lớp 1 cũng phải đi học thêm. Chương trình học của học sinh hiện nay vẫn còn quá nặng, chúng ta bàn về giảm tải nhưng vẫn chưa hiệu quả. Vì vậy ngành giáo dục phải cân đối việc học, cho học sinh có thời gian tái tạo sức khỏe, cân bằng cuộc sống”, ông Dũng nhấn mạnh. Về Đề án dạy và học ngoại ngữ trong các cấp học của TP Đà Nẵng giai đoạn 2012 – 2020, ông Dũng cho rằng: “Các anh bảo triển khai hiệu quả nhưng nói thật tiếng Anh của học sinh bây giờ quá kém. Các anh cần ngồi lại tìm xem nguyên nhân vì sao giảng dạy tiếng Anh trong trường học không hiệu quả, tìm giải pháp để thay đổi. Mục tiêu của chúng ta là học sinh tốt nghiệp cấp ba phải nói được tiếng Anh lưu loát. Chúng ta xây dựng thành phố du lịch nhưng tiếng Anh kém thì làm sao hội nhập”.
Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng, cho biết công tác giảm tải cho học sinh cần phải tiến hành theo từng bước. Trước ngày 5 – 9, Sở GD-ĐT sẽ công bố quy định, quy chế các kì thi và kế hoạch diễn ra trong năm học cho học sinh chuẩn bị, tạo tâm lý nhẹ nhàng, không quá căng thẳng. Khuyến khích giáo viên cho điểm trên lớp để học sinh về nhà không phải lo lắng nữa. Đồng thời lồng ghép các hoạt động, cuộc thi các cấp, các trường vào một ngày để tiết kiệm thời gian đi lại, nghỉ ngơi của học sinh, giáo viên. Đối với bậc mầm non, thanh tra Sở sẽ tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm nhưng cơ sở mầm non tổ chức dạy thêm, học thêm. Theo ông Vĩnh, ngày khai giảng năm học mới 2016 – 2017, Sở sẽ yêu cầu các trường tổ chức không quá 45 phút. “Chúng ta không đọc diễn văn quá dài. Các trường đồng loạt khai giảng vào 7 giờ 15. Lãnh đạo các cấp tham dự chỉ tặng hoa và nói lời chúc mừng khoảng 3 – 5 phút”, ông Vĩnh nhấn mạnh.
Bình luận (0)