Vụ việc trên xảy ra ở thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang và vị Phó Chủ tịch UBND thị xã Gò Công là ông Nguyễn Văn Quốc. Điều lạ là quyết định của ông Quốc đưa ra khi chưa có đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan thi hành án cũng chưa ra quyết định thi hành bản án.
Cấp giấy chứng nhận trước cả thi hành án
Theo bản án sơ, phúc thẩm (lần 1) của TAND thị xã Gò Công và TAND tỉnh Tiền Giang thì năm 2010, bà Nguyễn Thị Nhàn (phường 1, thị xã Gò Công) kiện bà Trần Thị Hoàng Oanh và ông Phạm Văn Hoàng ra tòa, đề nghị tòa buộc ông Hoàng và bà Oanh phải giao lại căn nhà mà bà Oanh đang ở (do ông Nguyễn Khánh Vân và bà Phạm Thị Quốc đã chết để lại) tọa lạc tại số nhà 201 Ngô Tùng Châu, phường 1, thị xã Gò Công do bà Quốc đứng tên; đồng thời đề nghị tòa tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bà Quốc đứng tên. Tại 2 phiên tòa sơ, phúc thẩm đều thể hiện căn nhà này là do bà Quốc cùng với ông anh của mình mua. Bà Quốc có nhận ông Hoàng và bà Oanh làm con nuôi được chính quyền công nhận. Còn bà Nhàn là con riêng của ông Vân.
Xử sơ, phúc thẩm lần 1, cả 2 phiên tòa đều tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà Nhàn là người được thừa kế và buộc bà Oanh, ông Hoàng giao căn nhà cho bà Nhàn. Đồng thời, tòa yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng do bà Quốc đứng tên.
Sau khi TAND tỉnh Tiền Giang xử phúc thẩm lần 1 ngày 18-5-2010 thì dù bà Nhàn chưa có đơn yêu cầu thi hành án nhưng bất ngờ ngày 28-6-2010, Phó Chủ tịch UBND thị xã Gò Công Nguyễn Văn Quốc ký quyết định số 491/QĐ- UBND thu hồi và hủy luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Quốc.
Chưa hết, đến ngày 13-10-2010, UBND thị xã Gò Công cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và đất của bà Quốc cho bà Nhàn. Điều vô lý ở đây là phải đến ngày 23-5-2011, Chi cục THADS thị xã Gò Công mới ra quyết định thi hành án.
Sai phạm nghiêm trọng
Sau khi UBND thị xã Gò Công cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, đất cho bà Nhàn thì Chánh án TAND Tối cao phát hiện cả 2 bản án sơ, phúc thẩm của tỉnh Tiền Giang là không đúng, không bảo đảm quyền lợi của bà Oanh nên kháng nghị và được TAND Tối cao xử giám đốc thẩm tuyên hủy cả 2 bản án giao cấp sơ thẩm xử lại từ đầu.
Xử sơ, phúc thẩm lần 2, cả 2 cấp tòa đều tuyên cả bà Nhàn, bà Oanh và ông Hoàng đều là đồng thừa kế căn nhà nói trên do bà Oanh đang ở. Chính vì vậy mà tòa tuyên chia bà Nhàn 22,3 m2 đất (tương đương số tiền 34,6 triệu đồng); buộc bà Oanh và ông Hoàng có nghĩa vụ trả lại số tiền trên cho bà Nhàn. Ngoài ra, tòa cũng tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND thị xã Gò Công đã cấp cho bà Nhàn vào ngày 13-10-2010.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Oanh và ông Hoàng đã nộp số tiền trên cho cơ quan thi hành án. Đồng thời, cơ quan thi hành án cũng có quyết định thi hành án theo bản án của tòa phúc thẩm. Ngoài ra, cơ quan thi hành án cũng có văn bản đề nghị UBND thị xã Gò Công hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà UBND thị xã Gò Công cấp cho bà Nhàn nhưng đến nay vẫn bị phớt lờ. Thậm chí, UBND tỉnh có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND thị xã Gò Công giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho UBND tỉnh nhưng UBND thị xã Gò Công vẫn... cứ để đó!
Theo luật sư Cao Minh Triết (Đoàn Luật sư tỉnh Tiền Giang), sau khi bản án phúc thẩm lần 1 ban hành, khi nào cơ quan thi hành án có quyết định thi hành án thì UBND thị xã mới được ra quyết định thu hồi và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà Quốc. “Ở đây, chưa có quyết định thi hành án mà UBND thị xã đã hủy rồi cấp luôn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người khác là hoàn toàn trái trình tự thủ tục” - luật sư Triết nhấn mạnh. Ông đặt câu hỏi: Vậy cơ quan thi hành án thành lập ra để làm gì? Rồi bây giờ xử lần 2, bị đơn thắng kiện mà UBND thị xã không thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp sai thủ tục trước đó để cấp lại cho bị hại là có phải UBND thị xã đã không chấp hành thi hành án theo bản án?
Đương sự lãnh đủ
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Trần Thị Hoàng Oanh cho hay vô cùng bức xúc với việc làm sai trái của chính quyền vì đã tước đi hàng loạt quyền lợi chính đáng của bà.
“Căn nhà mà mẹ nuôi để lại sắp sập không còn chỗ để thờ cúng nhưng cũng không được sửa chữa. Nhà thì mình quản lý còn giấy chủ quyền người khác lại giữ, thật tréo ngoe. Nhìn cảnh nhà xuống cấp, bàn thờ cha mẹ không được tươm tất mà đứt ruột” - bà Oanh chia sẻ.
Bình luận (0)