Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ "đột kích" khu vực khai thác cát trái phép gây sạt lở sông Hồng ở huyện Thường Tín, TP Hà Nội - Ảnh: Xuân Tuyến
Ngày 12-10, lộ trình cuộc thị sát nạn "cát tặc" của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, TP Hà Nội được giữ kín, bí mật ngay cả với lãnh đạo địa phương và chỉ được thông báo khi đoàn công tác đã đến hiện trường.
Tại hiện trường, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tận mắt chứng kiến một số tàu hút cát công suất lớn đang ngang nhiên hoạt động trên sông. Do các tàu hút cát này hoạt động suốt ngày đêm đã tàn phá hai bên bờ sông và hai bên bờ là từng “núi” cát được tập kết chờ vận chuyển, cảnh tượng không khác một công trường khai thác cát với quy mô công nghiệp. Thực tế cho thấy do việc khai thác cát trên sông đã ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy, môi trường trên sông và hai bên bờ. Đáng lo ngại hơn là việc hút cát dưới sông với quy mô lớn, liên tục còn uy hiếp an toàn của hệ thống đê.
Ngay tại thực địa, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chất vấn lãnh đạo địa phương và lực lượng chức năng về việc tại sao không có giấy phép mà các đối tượng khai thác cát vẫn hoạt động với quy mô lớn.
Và không đợi câu trả lời, Phó Thủ tướng cho rằng nguyên nhân chính là do lực lượng chức năng hoạt động chưa đủ mạnh, sự phối hợp giữa các lực lượng địa phương chưa tốt. Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân do là địa bàn nằm giáp ranh giữa hai địa phương (TP Hà Nội - tỉnh Hưng Yên) nên công tác quản lý, giám sát cũng gặp nhiều khó khăn.
Phó Thủ tướng khẳng định trách nhiệm chính vẫn là sự thiếu sâu sát của địa phương và nếu địa phương nào còn để xảy ra hiện tượng khai thác cát trái phép trên sông, thì lãnh đạo địa phương đó phải chịu trách nhiệm.
Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo chính quyền địa phương phải phối hợp tốt với các cơ quan chức năng để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát lậu trên sông Hồng. Trước mắt, Hà Nội và Hưng Yên cần khẩn trương phối hợp triển khai lực lượng, cùng với các đơn vị của Bộ Công an chủ động lên phương án xử lý triệt để bằng các biện pháp hành chính, kể cả xử lý hình sự.
“Phải nhanh chóng lập lại trật tự, chấm dứt tình trạng "cát tặc" trên sông, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của địa phương, các ngành chức năng”- Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.
Khu vực sông Hồng bị sạt lở tại huyện Thường Tín, TP Hà Nội - Ảnh: Xuân Tuyến
Tiếp thu chỉ đạo, lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát cam kết với Phó Thủ tướng sẽ lên phương án cụ thể để xử lý dứt điểm tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn xã Hồng Vân, huyện Thường Tín và một số điểm nóng dọc tuyến sông Hồng trong thời gian từ nay đến hết tháng 11-2015.
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) cho biết tại khu vực ven đê sông Hồng thuộc xã Hồng Vân, huyện Thường Tín, giáp ranh với Khoái Châu, Hưng Yên, thường xuyên có 16 tàu cuốc, tàu hút các loại hoạt động trong khoảng thời gian từ 5-7 giờ sáng và từ 21 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau.
Trong số 16 tàu này, có 6 tàu tải trọng khoảng 300 m3 được lắp 4-6 máy hút có công suất lớn liên tục hút cát trực tiếp, khoảng thời gian hút từ 30-45 phút/tàu. Số còn lại là các tàu công suất nhỏ hơn, từ 80-150 m3 lắp máy hút công suất nhỏ, nhưng thời gian hút dài hơn. Những tàu lớn là do các đối tượng tự đóng để khai thác cát, số tàu công suất nhỏ là tàu cũ, một số là do các đối tượng thuê lại của các hộ dân.
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cũng đã xác định cụ thể những đối tượng là chủ các tàu, bãi khai thác cát trái phép. Việc khai thác cát trên sông hoàn toàn không có giấy phép.
Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết qua khảo sát nắm tình hình, hiện trên sông Hồng thuộc địa phận các tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên còn một số điểm “nóng” về khai thác cát lậu như Trung Hà (huyện Ba Vì, Hà Nội, giáp huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ), xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc)... Mỗi ngày có khoảng 100 tàu, bao gồm tàu cuốc, tàu hút tham gia khai thác cát trái phép trên sông.
Bình luận (0)