Phó Thủ tướng Vũ Khoan đánh giá, khu vực kinh tế có vốn ĐTNN tiếp tục đà tăng trưởng và có những đóng góp lớn lao đối với sự phát triển kinh tế của VN với trên 5000 dự án và số vốn đầu tư đăng ký đạt trên 46 tỉ USD, bảo đảm khoảng 14,8% tổng GDP của cả nước. Bên cạnh đó, Việt Nam hài lòng nhận thấy rằng, trong 3 tháng đầu năm 2005, số vốn ĐTNN đạt 1,73 tỉ USD, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; nếu tính bình quân của 1 dự án thì tăng gấp 4 lần (12 triệu USD so với 3,5 triệu USD)... Tuy nhiên, Chính phủ cũng thẳng thắn thừa nhận, kinh tế VN đang đứng trước không ít thách thức, một số dự kiến chưa thực hiện được, trong đó có tốc độ tăng trưởng GDP và sản lượng công nghiệp... Từ năm 2004 đến nay, đặc biệt là sau hội nghị ĐTNN tổ chức vào tháng 3/2004, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhưng rõ ràng kết quả đạt được vẫn chưa được như mong muốn, cụ thể là một số cơ chế chính sách còn bất cập, các thủ tục hành chính còn rườm ra, gây khó khăn cho các DN.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Bích Đạt cũng thừa nhận, các hạn chế trong ĐTNN ở VN hiện nay thể hiện ở 5 mặt chủ yếu: Kết quả thu hút ĐTNN tuy tăng đáng kể so với các năm trước, nhưng vẫn thấp hơn so với tiềm năng, so với các nước trong khu vực và so với nhu cầu thu hút vốn đầu tư nhằm góp phần nâng cao tốc độ tăng trưởng của đất nước; Tỉ lệ các dự án công nghệ cao do các tập đoàn xuyên quốc gia TNC's còn thấp, gây hạn chế khả năng chuyển giao công nghệ tiên tiến qua hoạt động ĐTNN; Vốn ĐTNN thực hiện tăng chậm hơn vốn đầu tư của khu vực tư nhân trong nước đã làm giảm tỉ trọng vốn ĐTNN trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội; Hoạt động SX - KD của khu vực kinh tế có vốn ĐTNN trong quí I năm 2005 tuy vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với mục tiêu đề ra, ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; Một số dự án ĐTNN gặp vướng mắc kéo dài chưa được xử lý dứt điểm; Tình trạng tranh chấp giữa các đối tác trong liên doanh và tranh chấp lao động trong các DN có vốn ĐTNN chưa được khắc phục triệt để.
Đại diện cho các DN có vốn ĐTNN, ông Mai Thanh Hải - Chủ tịch Hiệp hội các DN có vốn ĐTNN - thống kê, những hạn chế ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của các DN khối này chủ yếu thuộc 3 nhóm vấn đề chính: thuế, thủ tục và chính sách của Chính phủ. Các DN đều cho rằng, các thủ tục hành chính hiện rất phức tạp, nhất là trên lĩnh vực đất đai; việc giải quyết cấp phép của các cơ quan chức năng mất nhiều thời gian; các qui trình về đấu thầu còn nhiều bất cập, cộng với chính sách của Nhà nước hay có sự thay đổi, khiến DN khó ổn định được hoạt động SX - KD của mình... Ông Hải cũng đưa ra một số kiến nghị cụ thể của các DN với Chính phủ như: bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt để áp dụng cùng một loại thuế giá trị gia tăng; Cty Orient Hanel ở KCN Sài Đồng - Hà Nội hàng năm phải nhập khẩu thuỷ tinh để sản xuất đèn hình và muốn áp mã thuế loại này từ 5% xuống 0%; Bệnh viện Việt - Pháp Hà Nội đề nghị có cơ chế miễn giảm thủ tục nhập khẩu để nhập các loại thuốc chữa bệnh, trang thiết bị hiện đại hoá bệnh viện...
Để giải quyết những bất cập trên, Phó Thủ tướng khẳng định, sắp tới, Chính phủ sẽ ban hành quyết định tăng cường sự phân cấp cho UBND các tỉnh, thành phố trong việc cấp phép và quản lý các dự án ĐTNN đi đôi với việc tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, giám sát của các cơ quan TƯ. Ngoài ra, trong khi đẩy nhanh tiến trình đàm phán gia nhập WTO, Chính phủ cũng điều chỉnh, bổ sung hệ thống thể chế phù hợp với luật lệ chung của WTO; trong năm nay sẽ trình Quốc hội một số luật như Luật Đầu tư chung, Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Du lịch, Luật chống tham nhũng... với tinh thần tạo môi trường pháp lý thông thoáng, minh bạch và bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Phó thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ VN sẽ làm hết sức mình để đề ra các giải pháp tích cực, hữu hiệu làm cho môi trường đầu tư của VN có sức hấp dẫn hơn, mang tính cạnh tranh cao hơn, để các nhà đầu tư đã và sẽ đến VN thu được nhiều thành công, đóng góp ngày càng lớn vào công cuộc phát triển KT - XH của VN.
Liên quan đến những vướng mắc kéo dài của các DN có vốn ĐTNN, tại cuộc gặp lần này, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Nguyễn Quốc Huy đã công bố ý kiến của Thủ tướng Chính phủ giải quyết ý kiến khiếu nại của gần 20 dự án. Cụ thể, với trường hợp Cty liên doanh SAS Hà Nội đề nghị được chuyển một phần công năng của khách sạn thành văn phòng cho thuê, Thủ tướng đã chấp nhận cho UBND TP. Hà Nội giải quyết Cty chuyển đổi nhưng không được làm thay đổi cảnh quan chung; giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư qui định tỉ lệ chuyển đổi. Về kiến nghị của các phòng khám y học Trung Quốc chưa được đăng ký hành nghề cho người nước ngoài, Thủ tướng khuyến khích các bác sĩ Trung Quốc sang làm việc tại VN nhưng phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các cơ chức năng VN mới có thể có được giấp phép hành nghề vì đây là lĩnh vực liên quan đến sức khoẻ con người.
Bình luận (0)