Văn phòng Chính phủ ngày 2-4 có văn bản gửi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành hồ chứa thủy điện An Khê-Kanak.
Nhà máy thủy điện An Khê-Kanak
Cụ thể, văn vản nêu rõ trong cuộc họp làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán tại tỉnh Gia Lai vừa qua và trong buổi thảo luận của đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, có một số ý kiến phát biểu liên quan đến việcxây dựng, vận hành Hồ chứa thủy điện An Khê - Kanak còn bất cập, gây thiếu nước ảnh hưởng đến đời sông nhân dân vùng Hạ lưu sông Ba (khu vực tỉnh Gia Lai).
Do đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Công Thương, EVN có báo cáo về tình hình xây dựng, vận hành Hồ chứa thủy điện An Khê-Kanak thời gian vừa qua; đề xuất giải pháp để bảo đảm nguồn nước phục vụ cuộc sống nhân dân vùng hạ lưu Sông Ba (thuộc tinh Gia Lai và Phú Yên), báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-4.
Trước đó, chiều 1-4, tại buổi thảo luận của Quốc hội về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, đại biểu Huỳnh Thành (Gia Lai) gọi công trình thuỷ điện An Khê-Kanak là “công trình sai lầm thế kỷ”.
Theo ông Thành, trên thế giới không có một đất nước nào chặn hẳn một dòng sông lớn mà chuyển qua dòng sông khác. “Nếu có chặn thì người ta chặn suối, không bao giờ chặn sông lớn, nhưng chỉ có Việt Nam mình liều lĩnh chặn một dòng sông lớn như vậy. Hậu quả là không có năm nào từ khi An Khê-Kanak hoàn thành mà không có dân khiếu kiện, không có tình hình hạn hán, không có tình hình lũ lụt dẫn đến thiệt hại đối với dân. Việc này không những ở Gia Lai mà cả Phú Yên nữa, hàng triệu người bị ảnh hưởng"- đại biểu Thành bức xúc.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp trước mắt được nhân dân, cử tri ghi nhận nhưng đại biểu Thành cho rằng cần có giải pháp bảo vệ, phát triển diện tích rừng hiện có, đặc biệt là rừng phòng hộ. “Rừng phòng hộ ở nước ta có nhiều dòng sông phát sinh từ trong nước, không phải từ nước ngoài chảy vào. Chúng ta phải xác định phải bảo vệ cho bằng được sinh thủy của những cánh rừng nơi bắt nguồn dòng sông đó. Đặc biệt khắc phục sai phầm đầu tư công trình thủy điện An Kê-Kanak” - ông Thành nhấn mạnh.
Theo đó, ông Thành yêu cầu phải giám sát, kiểm tra, trả lại nước cho dòng sông bằng ít nhất 20% lưu lượng trung bình trước khi xây dựng đập và cần thiết ngưng một tổ máy phát điện, phải ưu tiên đời sống của dân trước.
Bình luận (0)