Liên quan đến việc 447 học viên cai nghiện trốn khỏi Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Báo Người Lao Động ngày 15-4 đã thông tin), ngày 15-4, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết đã liên hệ công an các tỉnh lân cận để được hỗ trợ đưa học viên cai nghiện bỏ trốn trở về.
Ổn định nơi ăn chốn ở
Chiều cùng ngày, ông Trần Thiện Chí, Giám đốc Trung tâm Giáo dục và Dạy nghề tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết đã đưa được 220/447 học viên trở về trung tâm. Ngoài ra, trung tâm nhanh chóng gia cố, sửa chữa lại các phòng bị đập phá để ổn định nơi ăn chốn ở cho học viên.
Về thông tin người dân hoang mang khi các học viên trốn trại có thể gây nguy hiểm cho xã hội, ông Chí nói những trường hợp nghiện ma túy có thể gây nguy hiểm cho xã hội thường sử dụng ma túy đá nên không kiểm soát được hành vi. Tuy nhiên, phần lớn học viên trốn trại lần này đã cắt được cơn nghiện ma túy đá, không phải là đối tượng phạm pháp hình sự nên việc gây nguy hiểm cho xã hội là khó xảy ra. Vì vậy, người dân không nên hoang mang. Trong ngày, nhiều học viên cũng đã được gia đình đưa trở lại trung tâm. Các học viên đã được nhân viên trung tâm thuyết phục nên yên tâm và ổn định tâm lý hơn.
Về nguyên nhân vụ việc, trung tâm có 578 học viên nhưng đa phần đều là lần đầu vào trung tâm nên tư tưởng chưa ổn định và bị một nhóm đối tượng xấu lôi kéo, kích động. Ngoài ra, nguyên nhân còn do rào chắn, tường xuống cấp cũ kỹ, lực lượng bảo vệ trong ca trực quá mỏng.
Ông Chí cũng cho biết toàn bộ trung tâm có hơn 100 cán bộ nhân viên, trong đó có 42 người chuyên trách bảo vệ và chia thành 3 ca thay nhau trực. Thời điểm xảy ra vụ việc là ca trực đêm và có 13 người trực. Tuy nhiên, trung tâm có khu tập thể ngay bên cạnh nên khi nhận được lệnh báo động thì tập trung được gần 30 người.
Theo ông Chí, số lượng nhân sự của trung tâm như vậy đã đúng quy định nhà nước, thậm chí chỉ tiêu chỉ cho 36 người nhưng trung tâm cố gắng xin bổ sung lên 42 người. “Cũng không thể biết được thế nào là đủ, thế nào là chưa đủ, vì nếu như đồng loạt các học viên đều bạo loạn cả trung tâm như thế này thì dù có đến 100 cán bộ bảo vệ cũng không thể làm gì được. Cán bộ bảo vệ ở trung tâm đều được trang bị công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, roi điện và tùy theo từng khu để tiến hành tuần tra, kiểm tra. Thông thường, nếu khu an toàn thì chỉ cần 1 bảo vệ đi kiểm tra, khu vực phức tạp hơn thì sẽ đi thành từng tốp. Nhưng quy định là nếu đi một mình thì không được vào phòng của học viên mà phải từ 2 người trở lên mới được vào” - ông Chí nói rõ.
Bà Lê Thị Trang Đài, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết để bảo đảm không tái diễn tình trạng học viên đồng loạt tấn công trại và bỏ trốn, sở này sẽ tham mưu để xin xây dựng quy chế phối hợp với ngành công an và bộ đội tại các đơn vị để dự phòng khi xảy ra sự việc sẽ biết cách xử lý và ứng phó kịp thời. Đây là những giải pháp lâu dài, còn sau khi ổn định sẽ nghiêm túc kiểm điểm lại trách nhiệm những người liên quan tới vụ việc.
Bà Đài cũng cho biết sẽ xem xét và kiến nghị tăng cường lực lượng cho trung tâm, đồng thời đào tạo hướng dẫn về nghiệp vụ cho lực lượng bảo vệ; sắp xếp lại hiện trường, gia cố lại chỗ ở, kịp thời di dời những vật dụng có khả năng làm dụng cụ cho học viên bỏ trốn như gạch, đá, sào phơi đồ.
Xây dựng môi trường thân thiện
Ông Nguyễn Quang Toàn, Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Gia Minh (TP Hải Phòng), nói kinh nghiệm tốt nhất đối với học viên cai nghiện bỏ trốn là nơi cai nghiện không có hàng rào. Theo ông Toàn, vì thực tế cho thấy có đến 70% học viên cai nghiện là đối tượng có tiền án tiền sự, mà bản chất của lưu manh giang hồ là lắm mưu mô, quỷ quyệt nên chuyện đào tường khoét gạch có đáng là gì. Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội Gia Minh đã xây dựng một môi trường không hàng rào, không bạo lực.
Trung tâm Giáo dục - Lao động - Xã hội thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa tuy có tường rào nhưng rất thấp, không có hào sâu hay tường dây thép gai chằng chịt. Ông Lê Chí Cường, giám đốc trung tâm, cho biết trung tâm này đã tiếp nhận hơn 9.000 lượt người vào điều trị nhưng chưa từng xảy ra tình trạng hàng trăm học viên bỏ trốn như đã xảy ra ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
“Đặc điểm của những người nghiện là rất dễ bị tổn thương, mặc cảm, xa lánh, nên để xóa bỏ những điều này, từ năm 2013 đến nay, chúng tôi đã cho phá bỏ tường rào cao 3,5 m xuống còn hơn 1 m tạo không gian thoáng đãng, thoải mái cho những người lầm lỗi cảm thấy như đang sống ở nhà. Vì thế, có những năm trung tâm có tới 1.000 học viên nhưng không xảy ra tình trạng lộn xộn hay bỏ trốn” - ông Cường khẳng định.
Chia tổ để xử lý đối tượng quá khích
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Đà Nẵng, cho biết sau vụ 164 học viên nam nữ là những người nghiện ma túy, gái mại dâm đang học tập và cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục dạy nghề 05-06 của sở đập phá cửa để thoát ra ngoài vào tháng 2-2011, Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở mới khang trang, từng khu riêng biệt thay thế cơ sở cũ đã xuống cấp. Đặc biệt, trung tâm phân công quản lý chia tổ để xử lý số đối tượng quá khích trà trộn vào xúi giục và không cho các học viên tập trung chung tại các khu liền kề.
H.Dũng
Bình luận (0)