Chiều 3-9, ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, cho biết sau khi nhận được đề nghị của Cơ quan CSĐT Bộ Công an về việc thông báo kê biên tài sản trong vụ án hình sự liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng - ông Văn Hữu Chiến - vừa có văn bản gửi các sở, ngành hữu quan yêu cầu không cho phép việc sang tên, chuyển nhượng tài sản (gồm đất đai, công trình, cổ phần…) đã được cơ quan điều tra kê biên có liên quan đến Tập đoàn Thiên Thanh.
Mua cả sân vận động
Việc phong tỏa tài sản của Tập đoàn Thiên Thanh được thực hiện trên địa bàn toàn TP cho đến khi có quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền.
Dự án Tổ hợp Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn của Tập đoàn Thiên Thanh tại Quảng Ngãi luôn vắng vẻ Ảnh: TỬ TRỰC
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, hiện trên địa bàn TP Đà Nẵng, Tập đoàn Thiên Thanh đang sở hữu 3 dự án cực lớn và một số dự án khác với tổng tài sản lên đến trên 1.500 tỉ đồng.
Cụ thể, tháng 8-2010, Tập đoàn Thiên Thanh mua toàn bộ SVĐ Chi Lăng (rộng khoảng 5,5 ha, nằm 4 mặt tiền đường Lê Duẩn, Hùng Vương, Ngô Gia Tự và Chi Lăng) với giá trên 1.000 tỉ đồng và Thiên Thanh cũng đã nộp tiền cho UBND TP Đà Nẵng.
Theo kế hoạch, tập đoàn này sẽ xây dựng dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ trên nền SVĐ Chi Lăng với tổng đầu tư trên 750 triệu USD. Tuy nhiên, khi các lãnh đạo của Tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố thì số phận dự án “khủng” này không biết bao giờ mới triển khai xây dựng.
Người dân Đà Nẵng cũng như chính quyền địa phương này đang lo lắng về nguy cơ SVĐ Chi Lăng sẽ trở thành dự án treo giữa lòng TP.
Dự án lớn thứ hai ở Đà Nẵng mà Tập đoàn Thiên Thanh đang sở hữu là khách sạn Green Plaza (đường Bạch Đằng), được Thiên Thanh mua lại từ Tổng Công ty CP Xây dựng điện Việt Nam vào đầu năm 2009 với giá khoảng 350 tỉ đồng.
Theo quan sát của chúng tôi, hiện dự án khu phức hợp thương mại dịch vụ trên nền SVĐ Chi Lăng gần như án binh bất động. Trong khi đó, khách sạn Green Plaza hoạt động bình thường nhưng vắng hơn thời gian trước.
Ngoài ra, Tập đoàn Thiên Thanh được TP Đà Nẵng cấp phép đầu tư dự án xây dựng khu thương mại tại khu đất số 209 đường Trường Chinh có diện tích 2,2 ha. Khu 209 Trường Chinh là đất quốc phòng, thuộc Trung đoàn 575 của Quân khu V quản lý. Năm 2010, Bộ Quốc phòng có công văn cho phép UBND TP Đà Nẵng chuyển đổi mục đích nhằm phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau đó, UBND TP Đà Nẵng đã giao cho Tập đoàn Thiên Thanh để xây dựng Trung tâm Thương mại vật liệu xây dựng - trang trí nội thất - ô tô. Tập đoàn Thiên Thanh đã bỏ ra gần 100 tỉ đồng để sở hữu khu đất trên.
Rầm rộ đầu tư rồi để đó
Tại tỉnh Quảng Ngãi, theo thống kê của Cơ quan CSĐT Bộ Công an, Tập đoàn Thiên Thanh là chủ sở hữu dự án Tổ hợp Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Thiên Thanh tọa lạc tại thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh và 794.900 cổ phiếu tại Công ty CP Đầu tư xây dựng và du lịch IDICO.
Ở dự án Tổ hợp Thương mại - Dịch vụ - Khách sạn Thiên Thanh hiện nay vẫn im ắng. Tại đây, dù được treo biển hiệu kinh doanh rất nhiều mặt hàng, nhiều lĩnh vực nhưng hằng ngày vẫn không có người ra vào. Trong khuôn viên của khu thương mại luôn trưng bày khoảng 10 chiếc xe tải.
Trong vai khách hàng, chúng tôi đến đây hỏi mua ô tô, vật liệu xây dựng… nhưng các nhân viên bảo vệ cho biết tất cả dịch vụ ở đây đều không hoạt động. “Chúng tôi chỉ được thuê làm bảo vệ ở đây, mọi việc đều do công ty quyết định, chúng tôi không biết tới” - một nhân viên bảo vệ cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án này ban đầu là của Công ty Việt Trung với diện tích khoảng 5,3 ha. Năm 2009, Tập đoàn Thiên Thanh mua lại toàn bộ dự án và mở rộng diện tích lên khoảng 10 ha. Sau khi mở rộng, chủ đầu tư mở siêu thị, khu dịch vụ, khách sạn… Để giữ số diện tích và tài sản trên đất này, hiện nay mỗi tháng chủ đầu tư phải bỏ ra khoảng 200 triệu đồng trả lương, tiền điện - nước cho khoảng 50 nhân viên bảo vệ và nhân viên văn phòng “ngồi chơi xơi nước”.... Tất cả các dịch vụ khác đều để ngắm, không có người đến giao dịch.
“Đóng băng” 15 tài sản ở TP HCM
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi Sở Tư pháp TP HCM yêu cầu không cho phép sang tên, chuyển nhượng tài sản (gồm đất đai, công trình…) của Tập đoàn Thiên Thanh. Theo đó, tài sản ngăn chặn giao dịch gồm 13 bất động sản nằm trên địa bàn TP HCM, 1 ở tỉnh Bình Dương, 1 ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Q.Hiền
Bình luận (0)