Ngày 17-2, ông Trần Chí Dũng, phụ huynh học sinh Trần Chí Kiên bị tai nạn gãy xương đùi ngay trong sân Trường tiểu học Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội), tiếp tục gửi đến cơ quan chức năng và báo chí đơn “bày tỏ quan điểm” sau khi ông đọc được văn bản “Báo cáo sự việc” của bà Tạ Thị Bích Ngọc, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên.
Cháu Trần Chí Kiên đã dần hồi phục sức khỏe - Ảnh gia đình cung cấp
Trong đơn “bày tỏ quan điểm” của mình, ông Trần Chí Dũng lần lượt phân tích 7 nội dung trong “Báo cáo sự việc” của bà Ngọc đã gửi cơ quan chức năng. Qua đó, ông Dũng cho rằng “Báo cáo sự việc” của bà Ngọc là hoàn toàn không đúng sự thật.
Cụ thể, theo ông Trần Chí Dũng, thứ nhất, trong báo cáo, Hiệu trưởng Trường Nam Trung Yên viết: “Đến ngày 19-12-2016, khi nhận được thông tin từ Phòng giáo dục, chúng tôi được biết cô Hương lái xe chở cô Ngọc đâm vào học sinh. Chúng tôi thiết nghĩ đây là trò vu khống của một kẻ nào đó vì bản thân gia đình cô Hương không có xe ô tô và cũng chưa bao giờ lái xe nên điều này là không thể xảy ra”.
Về nội dung này, ông Dũng khẳng định: "Trong đơn thư khiếu nại cũng như trong các buổi làm việc với các cơ quan quản lý hoặc các cuộc trả lời các đài báo trước đây, tôi đều phản ánh về việc con tôi là cháu Kiên bị gãy chân do va chạm với xe ô tô chở hiệu trưởng và hiệu phó đi lại trong sân trường. Tôi chưa bao giờ phản ánh thông tin hiệu phó lái xe chở hiệu trưởng trong sân trường gây tai nạn cho con tôi… Vậy đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) quận Cầu Giấy cần lên tiếng để làm sáng tỏ thông tin này. Nếu không làm sáng tỏ được sự việc này thì có nghĩa là Phòng GD-ĐT đã phản ánh sai sự thật hoặc các cá nhân này (hiệu trưởng, hiệu phó) đã vu khống cho Phòng GD-ĐT đưa tin thất thiệt”.
Thứ hai, về nội dung mà bà Tạ Bích Ngọc viết: “…10 giờ 30 ngày 12-12-2016, bố cháu Kiên đến trường trao đổi với cô giáo Nhung (cô Trần Thị Thu Nhung, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A4 của học sinh Trần Chí Kiên - PV) mong muốn cô giáo chủ nhiệm và nhà trường khảo sát tìm nguyên nhân cháu Kiên ngã để gia đình có hướng điều trị phù hợp”, ông Dũng cho biết: “Đây là sự bịa đặt vì gia đình chúng tôi không có sáng kiến này để cho nhà trường tiếp thu. Và tôi xin khẳng định: ngày 12-12-2016, tôi đã có một cuộc gặp nói chuyện với 4 cô: cô Ngọc, cô Tần (khối trưởng khối 2), cô Nhung (giáo viên chủ nhiệm cháu Kiên), cô Hòe (giáo viên cháu Kiên năm lớp 1) chứ không chỉ gặp riêng cô Nhung và trong cuộc gặp gỡ, tôi không đề xuất nhà trường khảo sát để tìm nguyên nhân tai nạn mà chỉ yêu cầu nhà trường tìm hiểu và cung cấp cho tôi sự thật về tai nạn của con tôi. Nội dung của gặp gỡ này tôi đã ghi âm lại, tôi sẵn sàng cung cấp nếu cần”.
Thứ ba, bà Tạ Thị Bích Ngọc cho rằng: “Việc làm phiếu khảo sát cô Nhung đã tư vấn cho cấp ủy, ban giám hiệu, chúng tôi đã tiếp thu ý kiến của gia đình, thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương chỉ đạo các giáo viên có liên quan làm rõ sự việc này”. Ông Dũng khẳng định: việc này cũng là sai sự thật và đã được cô Nhung phủ nhận.
Thứ tư, bà Ngọc giải thích: “Vì phải gây mê còn mệt nên hai cô phải đi taxi vào trường”. Ông Dũng phản bác: “Tôi cho rằng đây là lý do không thuyết phục, vì theo tôi hiểu trong trường hợp người được gây mê chưa đảm bảo sức khỏe thì đơn vị y tế sẽ không cho phép người được gây mê rời khỏi cơ sở khám bệnh... Việc cô Ngọc đã được cho phép rời khỏi bệnh viện để bắt taxi về trường thì chứng tỏ cô Ngọc không thể mệt mỏi và hơn nữa vào lúc 10 giờ khi cô Ngọc thông báo về tai nạn của con tôi cho vợ tôi thì cô Ngọc chính là người nói chuyện rất tỉnh táo và lưu loát”.
Ông Dũng đặt câu hỏi: “Nội quy của nhà trường có cho phép ô tô được đi vào trường trong giờ học đặc biệt là giờ ra chơi hay không?” và cho rằng: Nếu ô tô không được phép đi vào trong trường thì cô Ngọc và cô Hương đã vi phạm nội quy của nhà trường do chính cô và phòng Giáo dục quận đề ra, đồng thời coi rẻ tính mạng và sự an toàn của chính các em học sinh của mình.
Thứ năm, trong báo cáo, bà Tạ Thị Bích Ngọc viết: “Tôi đã kịp phân công cho cô Hương trực tiếp giải quyết sự việc” và “… thống nhất mẫu phiếu khảo sát và giao cho cô Hương chỉ đạo các giáo viên có liên quan làm rõ sự việc này”. Điều này ông Dũng không đồng tình và cho rằng: “Như vậy cô Hiệu phó Nguyễn Thị Hương đã được giao xử lý vụ tai nạn này ngay từ khi vụ tai nạn được phát hiện và là người trực tiếp chỉ đạo việc lấy phiếu khảo sát. Trong khi đó, cô Hương là người cùng ngồi với cô Ngọc trên xe taxi đi vào trường, là người biết chắc chắn có xe ô tô đi vào trường ngày hôm đó nhưng vẫn nằm trong số 100% giáo viên nhà trường khẳng định không có ô tô nào đi vào trường sáng ngày 1-12-2016.
Phải chăng trí nhớ, sức khỏe của cô Hương - một giáo viên, một hiệu phó - với tuổi đời còn rất trẻ (32 tuổi) cũng có vấn đề như cô Ngọc (một cán bộ cũng sắp đến tuổi về hưu)?”.
Thứ sáu, về việc bà Ngọc khẳng định: “Trong quá trình ngồi trên xe, tôi khẳng định không có hiện tượng va chạm vào bất kỳ học sinh nào trong trường nên trở về để làm việc bình thường” và “Tôi không ngồi trên xe va vào học sinh Trần Chí Kiên”, ông Dũng nêu thắc mắc: “Các bản tường trình của cô Ngọc gửi các cơ quan chức năng có nhiều điểm bất nhất như việc khẳng định tuyệt đối không có xe ô tô nào đi vào trong trường, sau đó lại chợt nhớ ra ngày 1-12-2016 cô và cô Hương đã cho taxi đi vào trong trường…".
Thứ bảy, bà Ngọc viết trong báo cáo, theo lời khai của tài xế lái taxi “Lúc cháu Kiên bị ngã, đã có cô giáo đỡ cháu và hỏi han xem có sao không, điều đó chứng tỏ là các cô đã rất quan tâm đến HS, không phải vô trách nhiệm như một số báo đã nêu”. Ông Dũng cho rằng, "điều này đã thể hiện sự “tiền hậu bất nhất” của cô Ngọc và cô Hương, trên thì khẳng định không có mặt lúc ô tô va vào con tôi sau thì nói hỏi thăm con tôi lúc con tôi bị tai nạn? Tại sao hỏi thăm con tôi biết con tôi bị tai nạn ô tô nhưng khi tôi hỏi thì lại khẳng định không có ô tô nào đi vào trường và con tôi chạy tự ngã. Lời nói của những nhà giáo có còn đáng tin cậy được nữa không…?".
Cuối đơn, ông Dũng cho rằng: “Cô Ngọc và cô Hương muốn che giấu sự thật bằng những hành động và lời nói thiếu trung thực. Gia đình chúng tôi rất bức xúc và cộng đồng những người chân chính quá bức xúc trước sự việc này. Tôi tin rằng công lý vẫn tồn tại, sự thật vẫn là sự thật. Rất mong các cơ quan chức năng sớm có kết luận khách quan, rất mong các chỉ đạo đúng đắn của ông Chủ tịch UBND TP Hà Nội được thực thi nghiêm túc”.
Sáng cùng ngày 17-2, ông Dũng cũng cho biết thêm: "Cháu Kiên đã ổn định sức khỏe, nhưng vẫn phải ở nhà theo dõi điều trị. Hiện nay, cô giáo của trường vẫn đến nhà dạy cho cháu”.
Ngày 1-12-2016, học sinh Trần Chí Kiên, lớp 2A4 bị ngã gãy chân trong trường Tiểu học Nam Trung Yên. Nhà trường cho rằng, học sinh tự chạy bị ngã, không có xe ô tô vào ra sân trường hôm xảy ra sự việc. Tuy nhiên, gia đình cháu bé cho rằng cháu bị chiếc xe taxi đi vào sân trường va chạm khiến gãy chân.
Ngày 6-2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị xử lý, đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng của trường chờ điều tra. Đến thời điểm này, vụ việc vẫn chưa có kết luận và hình thức xử lý.
Bình luận (0)