xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phú Mỡ rất nghèo!

Bài và ảnh: HỒNG ÁNH

Phú Mỡ - cái tên nghe tưởng như giàu có nhưng lại là xã nghèo nhất tỉnh Phú Yên với hơn 85% hộ dân là hộ nghèo. Bữa ăn của nhiều gia đình thường chỉ có cơm độn với muối ớt và rau rừng, họa hoằn lắm mới có bữa thịt, cá

Con đường từ TP Tuy Hòa lên xã Phú Mỡ (huyện Đồng Xuân) dài hơn 100 km nhưng đi xe máy phải mất hơn một buổi. “May mà mấy hôm rày hửng nắng, nếu không giữa đường, anh phải quay về rồi” - La Mo Ang, cán bộ văn phòng xã Phú Mỡ, nói.

Viêm ruột thừa mùa mưa là chết

Con đường từ thị trấn La Hai (huyện Đồng Xuân) lên Phú Mỡ lởm chởm đá và liên tục bị cắt ngang bởi những con suối, trong đó, trên 2 con suối Bà Đẩu (thôn Kỳ Lộ, xã Xuân Quang 1) và Bà Bụng (thôn Phú Tiến, xã Phú Mỡ), nước vẫn còn ngập bánh xe. Tại những con suối này luôn có nhóm thanh niên chờ sẵn để khiêng xe và đưa khách qua suối, thu một người và một xe là 50.000 đồng mỗi lượt. “Những ngày mưa, các con suối này trở nên hung tợn, không ai dám qua. Xã vùng cao mà trở thành ốc đảo” - La Lan Kia, trưởng thôn Phú Lợi, cho biết.

Phú Mỡ còn bị chia làm đôi bởi con sông Bà Đài (thượng nguồn của sông Kỳ Lộ). Phía Bắc sông gồm 3 thôn là Phú Lợi, Phú Hải, Phú Đồng; phía Nam sông là 2 thôn Phú Tiến và Phú Giang. La O Nhân, người lái đò bên con sông này, cho biết những ngày nắng ráo, bến đò mới hoạt động; còn khi mưa lũ, nước sông lên, chẳng ai dám lái đò qua sông.
img
Bà La O Thị Hạnh (xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân - Phú Yên) bị mù lòa nhưng phải chăm sóc cháu hằng ngày
 
Trong khi đó, 3 thôn phía Bắc sông Bà Dài chẳng có sóng điện thoại nên mỗi khi mưa lũ thì gần như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Ông La Lan Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, trầm giọng: “Người dân xã này đau ruột thừa gặp lúc mưa lũ là xem như chết. Trước đây, đã có nhiều cái chết oan uổng như vậy rồi”.

Cũng theo ông Dũng, mặc dù trạm y tế xã có 1 bác sĩ nhưng chủ yếu là đỡ đẻ và sơ cứu các vụ tai nạn, gặp bệnh hiểm nghèo thì chào thua. Trưởng thôn La Lan Kia đưa tôi đến thăm cụ bà La Lan Thị Thượng đang sống một mình vì đứa con gái duy nhất là La Lan Thị Cam đã mất cách đây nửa tháng. Sau khi chị Cam xuất viện về nhà, bà chưa kịp mừng thì bệnh chị trở nặng ngay lúc mưa lớn, nước sông lên cao. Đám thanh niên trong thôn quyết đưa chị Cam trở lại bệnh viện nhưng không thể qua sông. Trong đêm ấy, chị Cam ra đi. “Đưa con Cam qua được sông, vô nhà thương thì nó đã không sao rồi” - bà Thượng tức tưởi.

Lá rách đùm lá nát

Theo La Mo Ang, xã rất vất vả mỗi khi phát hàng cứu trợ cho dân. Hàng cứu trợ về Phú Mỡ 200-300 suất đã là nhiều, trong khi xã có cả thảy 661 hộ thì đã có đến 562 hộ nghèo, đụng đâu cũng nghèo, biết bỏ hộ nào ra đây. Mà chia không đều thì dân lại trách.

Hộ nào trong xã có được cái tivi đã là khá, đêm đêm tất cả tập trung về xem. La Mo Ang đưa tôi đến thăm nhà La O Thị Hạnh (SN 1968) ở thôn Phú Lợi trong lúc nhà đang bữa cơm trưa. Bà Hạnh bị đau mắt cách đây 10 năm nhưng không có tiền trị bệnh, đành nằm nhà chịu cảnh mù lòa. Chồng bà đã mất vì bệnh.
 
Bà có 6 người con đều đã lập gia đình, tất cả đều là hộ nghèo. Ban ngày, các con lên rẫy để lại 5 đứa cháu cho người mẹ mù chăm sóc. Căn nhà xập xệ, trống huơ trống hoác, không có lấy chiếc chiếu, cái mùng. Bữa ăn của bà cháu chỉ có thau rau luộc và chén muối ớt. “Cũng may trời thương, các cháu không đau ốm gì” - bà Hạnh ngậm ngùi.
 
Theo ông La Lan Dũng, 100% hộ dân ở đây đều là người Ba Na và Chăm H’Roi bản địa, sống rất thuần, không phải lười biếng sinh ra nghèo mà vì chẳng có cách nào để thoát nghèo, dù diện tích tự nhiên của xã lên đến hơn 45.400 ha, chiếm 3/7 diện tích tự nhiên của huyện Đồng Xuân. Chương trình 135 đã hỗ trợ xây dựng được các công trình dân sinh như điện, đường, trường, trạm, nước sạch… nhưng chưa lo được đất sản xuất cho người dân.
 
Hiện toàn xã chỉ có 64 ha đất sản xuất. “Chương trình 134 thì hỗ trợ người dân khai hoang lấy đất sản xuất nhưng ở đây toàn rừng với rừng, lẽ nào phá rừng lấy đất nên chương trình này đưa về đây cũng đành chịu” - ông Dũng nói. Theo ông, xã Phú Mỡ chỉ có thể thoát nghèo khi được hỗ trợ vốn vay để trồng rừng sản xuất thay vì cấp đất ấy cho các công ty trồng rừng.

Trong tình hình tỉ lệ hộ nghèo chiếm hầu hết, không còn cách nào khác, xã Phú Mỡ hằng tháng phải vận động những hộ ít nghèo góp gạo để giúp cho những hộ không có cái ăn. “Thôn chúng tôi có 96 hộ nhưng đã có gần 90 hộ nghèo rồi. Tuy vậy, mỗi tháng chúng tôi cũng vận động được gần 20 kg gạo để cứu đói cho những hộ neo đơn, không có cái ăn” - La Lan Kia cho biết. Ông La Lan Dũng lo lắng rằng vụ đói giáp hạt (từ nay đến Tết Nguyên đán), Phú Mỡ sẽ có rất nhiều người bị thiếu đói.

Ở những nơi cùng cực

Việt Nam được thế giới ghi nhận là hình mẫu về xóa đói giảm nghèo nhờ thành tích vượt bậc. Chương trình 135 và các chương trình xã hội khác đã giúp nhiều nơi thoát nghèo song trên cả nước vẫn còn đó những vùng đói cùng cực, rất cần bàn tay từ cộng đồng

Tìm cách vực dậy

Ông Phạm Trung Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Xuân, cho biết trong năm 2013, huyện sẽ có những giải pháp vực dậy những xã có tỉ lệ hộ nghèo cao trong huyện. Trong khi đó, theo ông Trần Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, tỉnh vẫn phải tuân thủ theo các quy định của Chính phủ trong việc hỗ trợ hộ nghèo. Đối với những xã khó khăn, xã có tỉ lệ hộ nghèo cao, tỉnh còn phân công các đơn vị, ban, ngành trong tỉnh giúp đỡ, song mức độ giúp đỡ còn khiêm tốn.

Kỳ tới: Đói khổ triền miên

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo