Trẻ mới sinh được chăm sóc tại Khoa Sơ sinh Bệnh viện Từ Dũ. Ảnh: ANH THƯ
Tại buổi gặp gỡ báo chí ngày 17-7, TS Dương Quốc Trọng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) - Bộ Y tế, cho biết: “Năm 2011, số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở TP HCM chỉ có 1,3 con. Năm 2012 được cho là năm đẹp, dù số sinh có tăng nhưng cũng chỉ ở mức 1,33 con. Đây là dấu hiệu đáng báo động”.
“Có một thực tế là rất nhiều người dân ở TP HCM chỉ sinh 1 con. Tuy nhiên, việc duy trì mức sinh quá thấp sẽ dẫn đến hệ lụy thiếu nguồn lao động vì người già ngày càng nhiều, còn người trong độ tuổi lao động lại ít đi. Tôi khuyến cáo mỗi cặp vợ chồng ở TP HCM nên có 2 con” - ông Trọng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Trọng, hiện mức sinh thay thế của Việt Nam là 2,05 con nhưng lại không đồng đều ở các vùng miền. Trong đó, nhiều tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ có mức sinh rất thấp.
Tình trạng “lười” sinh con không chỉ có ở TP HCM mà còn xuất hiện ở các tỉnh Long An, Hậu Giang, Cần Thơ. Những địa phương này số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ vào khoảng 1,5 - 1,6 con.
Lãnh đạo Tổng Cục DS-KHHGĐ cũng cho biết Việt Nam không có chính sách sinh 2 con mà là vận động, tuyên truyền để mỗi cặp vợ chồng chấp nhận việc sinh 1-2 con. Đối với những gia đình sinh con thứ 3, Việt Nam cũng không có văn bản quy phạm pháp luật nào về xử phạt người dân.
Tuy nhiên, đối với cán bộ đảng viên sinh con thứ 3 trở lên sẽ bị xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng và các văn bản liên quan. Đối với các thành viên của cơ quan, tổ chức thì chấp hành kỷ luật theo quy chế, điều lệ hoặc các hình thức khác do cơ quan, tổ chức ban hành. Đối với công dân thì xử lý theo quy định của các hương ước, quy ước của cộng đồng, làng xóm đã được thỏa thuận và xây dựng trước đó.
Bình luận (0)