Bài thơ bày tỏ nỗi day dứt, xót xa trước sự đáng sợ của con người đối với thiên nhiên, sẵn sàng tàn phá cái nôi đã sinh ra và nuôi dưỡng loài người. Bài thơ có đoạn: "Nếu đổi kiếp này tôi xin hóa đại dương/Thử dầu loang hắc nồng, mùi cá trôi hôi thối/Đau vì kiệt tài nguyên, khổ vì không biết nói/Thử biết gồng mình, thử quằn quại đứng lên...". Cảm xúc và nỗi lo sợ của cô bé cũng chính là của bao người đang đối diện với trùng trùng nguy cơ môi trường nói chung và môi trường biển đang ngày bị xâm hại. Tiếng nói này như ngọn gió góp vào tiếng nói chung của bao con người đang đấu tranh cho một môi trường biển trong lành trên mọi miền đất nước, cho mọi vùng biển của đại dương.
Trước đó không lâu, vào ngày 13-2-2017, phiên điều trần thường niên giữa Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) và Liên Hiệp Quốc đã diễn ra tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc ở New York - Mỹ. Chủ đề của phiên điều trần là "Một thế giới xanh lam: Bảo tồn các đại dương, bảo vệ hành tinh, bảo đảm lợi ích cho con người". Đại diện cho Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, đã phát biểu rằng kinh tế xanh lam là một xu hướng nổi trội của kinh tế thế giới, mở ra nhiều cơ hội và không gian phát triển rộng lớn cho các nước. Tuy nhiên, sự thiếu cân bằng giữa khai thác và bảo vệ môi trường biển, đặc biệt là tác động của con người phá vỡ nguyên trạng, hủy hoại môi trường biển đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững.
Còn tại Việt Nam, hưởng ứng ngày Môi trường thế giới (5-6), Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các tổ chức, địa phương tổ chức "Tháng hành động vì môi trường" và một số hoạt động cấp quốc gia hưởng ứng ngày Môi trường thế giới tại địa phương biển, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thế nhưng, sau sự kiện trên chưa lâu, cũng chính bộ này lại cho phép Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 đổ gần 1 triệu m3 bùn và chất thải xuống gần Khu Bảo tồn biển Hòn Cau (tỉnh Bình Thuận). Quyết định trên đã phủ nhận tất cả những nỗ lực của các nhà khoa học và người dân nỗ lực kêu gọi bảo vệ và nuôi dưỡng hệ sinh thái biển tại Hòn Cau. Và quyết định trên cũng đi ngược lại một trong những tôn chỉ quan trọng của ngành này là bảo vệ và phát triển tài nguyên, môi trường. Đằng sau quyết định trên là sự thất vọng khôn cùng của những người biết ơn và yêu mến thiên nhiên. Cùng với đó là sự hồ hởi của những kẻ sẵn sàng xâm hại môi trường. Từ đó, chúng ta cũng không còn gì thất vọng hơn nữa khi 2 triệu m3 bùn và chất thải khác của Công ty Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đang được tiếp tục xin để được đổ xuống biển.
Chúng ta đồng cảm với cô bé muốn hóa thân cam chịu những đớn đau của thiên nhiên, trân trọng những gì mà thiên nhiên ban tặng. Chúng ta cảm ơn sự sống mà đại dương gìn giữ, thì chúng ta cũng cho phép mình giận dữ và khinh bỉ những gì lạc lõng, mang đến hiểm họa đối với thiên nhiên và sự uy hiếp đối với con người.
Bình luận (0)