Theo nhận định của các ngành chức năng cũng như người dân địa phương, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang hiện được xem là vùng đất “mới” cho bọn tội phạm từ nơi khác đến hoạt động. Vụ một thanh niên dùng súng bắn chết 2 người mới đây tại quán bia trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông như hồi chuông cảnh báo về tình trạng này.
Thuê giang hồ đe dọa người tranh chấp đất
Nhiều người dân địa phương cho biết do tốc độ đô thị hóa quá nhanh khiến việc tranh chấp đất đai ở Phú Quốc ngày càng phức tạp. Vì thế, nhiều băng nhóm giang hồ hình thành để đe đọa, phá hoại tài sản của người khác theo yêu cầu của một bên tranh chấp.
Đầu tháng 6-2015, tại ấp Ông Lang, xã Cửa Cạn có nhóm giang hồ gần 10 tên xông vào 2 khu đất do gia đình anh Huỳnh Hoàng Hùng (SN 1983, ngụ Xóm Mới, xã Bãi Thơm) và anh Trần Văn Quyền (SN 1973, ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương) đang canh tác. Bọn chúng nhổ và vùi lấp hơn 140 trụ rào bằng bê tông cùng dây kẽm gai rồi cho xe ủi san phẳng căn nhà của anh Hùng. Trong lúc tài sản bị phá hoại, anh Hùng và anh Quyền báo Công an huyện Phú Quốc đến can thiệp. Tuy nhiên, lực lượng công an có đến hiện trường nhưng sau đó không xử lý. Qua tìm hiểu, anh Hùng và anh Quyền mới biết nhóm côn đồ này do tên Tèo Mỡ (khu phố 3, thị trấn Dương Đông) cầm đầu.
Theo anh Hùng và anh Quyền, việc tài sản bị phá hoại có thể xuất phát từ vụ ông D.H.D tranh chấp đất với 2 anh.
Lý do tranh chấp mà ông D. đưa ra là 2 mảnh đất này đã được vợ chồng ông mua lại của người khác. Còn theo tìm hiểu của chúng tôi, 2 mảnh đất này đã được gia đình anh Hùng và anh Quyền khai khẩn từ năm 1997 để trồng tràm và cất nhà. Mặc dù đất do nhà nước quản lý nhưng hơn chục năm qua không có ai đến tranh chấp với 2 anh.
Để giải quyết vụ tranh chấp một cách hợp pháp, ngày 28-7, anh Hùng và anh Quyền gửi đơn đến UBND xã Cửa Dương yêu cầu sớm hòa giải. Đồng thời, yêu cầu vợ chồng ông D. phải bồi thường thiệt hại cũng như trả lại phần đất chiếm đoạt trái pháp luật.
“Thay vì yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết tranh chấp quyền sử dụng đất theo đúng pháp luật đối với chúng tôi, ông D. lại sử dụng băng nhóm côn đồ để đe dọa như vậy là không đúng” - anh Quyền bức xúc.
Sau đó, Tèo Mỡ cùng 3 tên khác đeo khẩu trang, mang kính đen đến nhà ông Nguyễn Văn Thương (SN 1967, ngụ khu phố 7, thị trấn Dương Đông) để yêu cầu ông này không can thiệp vào vụ tranh chấp đất đai của bà C.T.T (ngụ TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), nếu không sẽ phải trả giá đắt. Khi thấy ông Thương gọi điện báo cho Công an thị trấn Dương Đông đến giúp đỡ, nhóm này mới chịu bỏ đi.
Để có “vật chứng”, ông Thương kịp chốt cửa giữ lại đối tượng tên Chiến, bàn giao cho lực lượng công an đến xử lý. Tuy nhiên, sau đó, Chiến được cho về nhà và không bị xử lý gì. Ông Thương nghi ngờ nhóm đối tượng này được một người thuê trong vụ tranh chấp đất đai mà ông được ủy quyền tham gia tranh tụng tại tòa.
“Tôi đã làm đơn yêu cầu xử lý các đối tượng liên quan nhưng đến nay vẫn chưa nhận được trả lời từ cơ quan chức năng. Nếu công an địa phương không xử lý rốt ráo và mạnh tay đối với các đối tượng giang hồ thì tình hình an ninh trật tự ở đảo sẽ ngày càng rối rắm” - ông Thương lo lắng.
Những cái chết oan
Cách đây hơn 2 tháng, tại Phú Quốc xảy ra vụ án mạng gây xôn xao dư luận khi 2 nhóm côn đồ chém nhầm nhau và làm 2 người dân thương vong.
Theo kết luận điều tra ban đầu, ngày 3-6, Phạm Hùng Sơn (20 tuổi, ngụ khu phố 4, thị trấn Dương Đông), Nguyễn Minh Bảo (19 tuổi, ngụ ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn) cùng Phạm Minh Hưng, Võ Phú Hải, Nguyễn Tấn Đức và 1 người khác tên Nghĩa tổ chức nhậu tại nhà Phan Đình Trung (ấp Đường Bào). Trong lúc nhậu, giữa Nghĩa và Trung xảy ra cự cãi nên Đức bỏ đi.
Sau đó, Đức rủ Huỳnh Minh Trọng tìm Nghĩa đánh dằn mặt. Khuya cùng ngày, khi Sơn chở Nghĩa và Hải về đến đoạn đường gần quán cà phê Hoàng Hôn thì bị Đức chặn lại. Sau một hồi giằng co, Bảo và Hưng đến, tất cả mới chịu bỏ đi.
Chưa dừng lại, trưa hôm sau, Bảo và Sơn quyết định tìm Đức để trả thù. Bảo rủ thêm Trần Tấn Sơn (20 tuổi, ngụ ấp Bến Tràm, xã Cửa Dương) mang theo mã tấu, ống tuýp, dao chặt nước đá. Cùng tham gia nhóm này còn có Nguyễn Minh Hiếu (21 tuổi, ngụ khu phố 8, thị trấn Dương Đông), Nguyễn Minh Bảo (17 tuổi), Đinh Công Tý (17 tuổi, ngụ khu phố 4), Nguyễn Văn Quốc (30 tuổi, ngụ huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) và Trần Tấn Sơn, Phạm Hùng Sơn.
Đến khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, cả nhóm điều khiển 3 xe máy rảo quanh khu vực ấp Đường Bào tìm Đức. Khoảng 1 giờ sau, nhóm phát hiện đối tượng cần tìm trong quán cà phê Su do ông Nguyễn Phạm Lực làm chủ. Bảo liền cầm mã tấu lao vào chém nhưng nạn nhân không phải Đức mà là ông Trần Văn Tươi (49 tuổi). Trong lúc truy sát, Bảo còn chém nhầm vào tay ông Lực.
Sau khi gây án, cả nhóm lên xe tẩu thoát, để lại nạn nhân nằm trên vũng máu và tử vong sau đó. Ngày 5-6, Bảo, Hiếu và Tý bị Công an huyện Phú Quốc bắt giữ, Trần Tấn Sơn ra đầu thú, trong khi Phạm Hùng Sơn và Nguyễn Văn Quốc bỏ trốn.
Khi vụ án mạng này chưa được đưa ra xét xử, lại xảy ra vụ dùng súng bắn chết 2 người, trong đó có một người không liên quan, tại quán bia Lion Garden trên đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Dương Đông gây hoang mang cho người dân đảo ngọc.
Côn đồ nhởn nhơ trên phố
Ông Nguyễn Văn Thương cho biết do được nhiều người ở Phú Quốc tin tưởng nên ông thường đại diện cho bà con tham gia tranh tụng tại tòa trong các vụ tranh chấp đất đai. Vì thế, ông thường bị các nhóm côn đồ đe dọa. Có khi bọn chúng mang hung khí đến tận nhà để uy hiếp ông.
Cách đây 4 tháng, một đối tượng tên Buông mang dao đứng trước nhà và kêu ông Thương ra để xử do có người thuê đòi nợ. Khi ông ra, Buông liền dùng dao đâm tới tấp. Nhờ biết võ, ông khống chế tên Buông và lấy được con dao. Ngay sau đó, ông bàn giao Buông cho cơ quan công an địa phương. Tuy nhiên, đối tượng này hiện vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Ông Thương kể lại: “Ngày 4-8, một người tên Dũng hành nghề chạy xe ôm dẫn theo 2 tên côn đồ đến khu đất của tôi rồi dùng cây rào lại. Khi ra xem, tôi bị Dũng dùng khúc gỗ đánh gãy tay trái. Không hiểu sao đến nay, Dũng vẫn chưa bị xử lý, chiếc xe máy mà tên này chạy đến đánh tôi cũng được công an trả lại”.
Bức xúc về tình trạng an ninh ở địa phương ngày càng phức tạp, ông Thương gửi đơn đến Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kiên Giang để cầu cứu. Trong đơn, ông cho biết Phú Quốc hiện có nhiều băng nhóm tội phạm chuyên đòi nợ thuê, đe dọa người tranh chấp đất, bảo kê. Chính ông đã bị côn đồ đe dọa 4 lần. Theo ông Thương, cơ quan công an bắt người vi phạm rồi thả ra như bắt cóc bỏ dĩa thì rất khó để cải thiện tình hình an ninh ở địa phương.
Qua rồi thời nhà không phải đóng cửa!
Những ngày này, trên đảo Phú Quốc, đến đâu chúng tôi cũng nghe người dân ta thán về nạn trộm cắp, cướp giật. Nhiều thanh niên trên đảo ngọc trở nên hư hỏng sau khi gia đình có số tiền lớn do được bồi thường giải tỏa hoặc bán đất.
Là người đến sống ở Phú Quốc gần 40 năm, ông Nguyễn Đình Cao (ấp 4, xã Cửa Cạn) cho biết trước đây, dù đời sống của người dân trên đảo còn nhiều khó khăn nhưng chẳng bao giờ lo chuyện bị trộm cắp. Những gia đình không có nhiều người để khai khẩn đất đai trồng tiêu thì đánh bắt cá hoặc làm công nhân cho các nhà thùng sản xuất nước mắm. Lúc đó, nhiều nhà chẳng bao giờ đóng cửa.
“Do nhà cách biển khá xa nên vợ chồng tôi chuyên tâm khai khẩn đất hoang để trồng tiêu kiếm sống. Mỗi năm, thu hoạch hàng tấn tiêu để trong nhà mà không phải đóng cửa nhưng chẳng mất hạt nào. Cuộc sống ngày xưa ở đây là vậy đó. Ban ngày làm lụng vất vả nhưng đêm được yên giấc do không phải lo lắng gì” - ông Cao nuối tiếc.
Tuy nhiên, theo ông Cao, khoảng 5-6 năm trở lại đây, tình hình trộm cắp trên đảo ngày càng phức tạp. Nhiều nhà phải làm thêm cổng rào, cửa nhà sửa chữa cho kiên cố hơn để tránh bọn ác đột nhập. Thế nhưng, kẻ gian vẫn có thể đục tường, cạy cửa để vào nhà trộm xe máy, thậm chí cướp nữ trang đang đeo trên người.
Ông Nguyễn Quang Vinh (khu phố 7, thị trấn Dương Đông) cho biết gia đình ông đã 3 đời sống trên huyện đảo Phú Quốc. Trước đây, do dân số ít, đến mùa đánh bắt, chủ tàu rất khó tìm được nhân công. Từ năm 1993, khi Phú Quốc bắt đầu làm du lịch, dân tứ xứ kéo về ngày càng nhiều. Phần lớn dân ở nơi khác đến đều chí thú làm ăn nên nhanh chóng khá giả. Tuy nhiên, cũng có không ít người chỉ lo ăn chơi, nhậu nhẹt bê tha nên mới nảy sinh nạn trộm cắp trên đảo.
“Khoảng 2 năm trở lại đây, khi Phú Quốc được công nhận là đô thị loại II, giá đất ở nhiều khu vực tăng chóng mặt. Từ đó, nhiều người thuộc diện hộ nghèo phất lên thành tỉ phú nhờ được nhà nước bồi thường giải tỏa. Nhiều gia đình có tiền nhưng không quản được con cái, để chúng ăn chơi ở các quán bar, vũ trường thâu đêm suốt sáng rồi dẫn đến phạm pháp” - ông Vinh đúc kết.
Bình luận (0)