Kể từ năm 1976, toàn bộ tử tù trên địa bàn TPHCM đều được đưa về trường bắn Long Bình, quận 9 để thi hành án. Cũng từ đó, hình thành nhóm “phu” trường bắn chuyên làm nghề chôn xác tử tù, bốc mộ thuê.
Kiếm sống trên... tử thi
Trong số đó, ông Ba Son là một “phu” thâm niên nhất. Ông kể: Một ngày nọ, ông cùng người dân đến trường bắn Long Bình xem thi hành án, thấy xác tử tội đổ gục xuống, xung quanh không một người thân lo táng tế, thế là ông đứng ra khâm liệm, mai táng chu đáo cho người ấy trước sự ngạc nhiên của dân địa phương. Từ đó, mỗi khi có vụ thi hành án tử tù, ông Ba Son lại được gọi tới để lo hậu sự.
Người ta biết đến ông ngày càng nhiều và chẳng biết từ bao giờ, ông “bén duyên” với công việc không giống ai này. Nhiều người cũng theo chân ông Ba Son vào “nghề”. Ông tự nhận mình là “kiếm sống” trên... tử thi, bởi thông thường, để chôn một tử tù, nhóm “phu” trường bắn được trả công từ 250.000 đồng - 300.000 đồng. Có tuần thi hành án 2 - 3 vụ, mỗi vụ 3 - 5 tội nhân.
Trường bắn Long Bình - nơi hoang dại, chỉ có những “phu” như ông Ba Son mới ra vào mỗi ngày |
Ông Lê Văn Hòa, ngụ phường Long Bình, quận 9, cho biết ông cũng đã một thời là “phu” trường bắn nhưng theo nghề chưa được 2 năm thì phải bỏ vì thấy kinh hãi quá, dù rất cố gắng vì miếng cơm manh áo nhưng ông vẫn bị ám ảnh bởi sự sợ hãi.
Sau mỗi lần chôn xác tử tội là ông mất một tuần ngán cơm, mỗi lần đưa thức ăn lên miệng là... chực ói, đêm về khi ngủ phải cách ly với vợ con. Đội “phu” trường bắn Long Bình có tổng cộng khoảng 30 người, vì nghề này quá lạnh lùng nên đa số đều ngán, sau một thời gian là bỏ, chuyển việc khác.
Làm việc nghĩa
Không chỉ lo chôn cất tử tội, “phu” trường bắn còn phải làm những việc ngược lại: Quật mộ lên để thân nhân tử tù nhận diện rồi làm theo yêu cầu của họ, như: gội rửa tử thi, thay áo, nhét bông gòn vào vết đạn, làm lễ cúng bái sau đó đưa vào quan tài mới rồi chôn lại. “Nghề “phu” trường bắn chủ yếu sống dựa vào thù lao do người nhà tử tội chi trả. Tuy vậy, với những gia đình nghèo túng thì chúng tôi làm không công” - một “phu” trường bắn cho biết.
Nhiều tử tù khi ra pháp trường không có người thân bên cạnh do xa nhà hoặc bị ruồng bỏ. Đối với các trường hợp như vậy, đội “phu” trường bắn đứng ra lo chu đáo như những tử tù khác, sau đó theo địa chỉ được công an cung cấp, họ cất công đi tìm người nhà của tử tù để báo tin.
Những ngôi mộ sơ sài của tử tội tại trường bắn Long Bình |
Có lần, ông Ba Son về Long Khánh - Đồng Nai tìm người nhà của một tử tội tên N. Đến nơi, thấy gia đình này nghèo mạt hạng, sống lay lắt ở vỉa hè, ông Ba Son báo tin xong, còn 20.000 đồng trong túi, ông đưa hẳn cho vợ con của N. rồi về. Mấy năm nay, ông một tay coi sóc phần mộ và lo hương khói cho N.
Ngày Đ. ra pháp trường, ông Ba Son đón xe đi Đồng Tháp để báo tin cho người thân của tử tù này. Quần cả ngày ở Đồng Tháp, ông vẫn tìm không được. Lúc trời đã gần tối, ông dừng chân, hỏi một phụ nữ đi đường và thật may người này chính là bà cô của Đ. “Đó là một trong những việc mà “phu” trường bắn không được từ chối làm” - ông Ba Son cho biết.
Nghĩa tử là nghĩa tận
Mã Kiếm Đao, tên tuổi khét tiếng trong giới giang hồ một thời, bị xử tử ở trường bắn Long Bình vì tội giết người cướp tài sản. Sau nhiều năm không thấy người nhà Mã Kiếm Đao đến viếng mộ, ông Ba Son khăn gói đi tìm người thân của tay giang hồ này để báo tin. Ngày nọ, một bà lão lưng còng vào trường bắn, tự nhận là mẹ của Mã Kiếm Đao.
Bà ở bên mộ con suốt mấy ngày liền. Gặp ông Ba Son, bà tỏ ý muốn con được mồ yên mả đẹp nhưng điều kiện gia đình không cho phép. Thấy vậy, các “phu” trường bắn góp mỗi người chút ít mua vật liệu xây lại mộ cho Mã Kiếm Đao.
Ông Ba Son và các “phu” trường bắn không thể nhớ nổi đã đi bao nhiêu tỉnh, thành để tìm người thân của các tử tội. Ông nói: “Làm “phu” trường bắn chủ yếu tích phúc đức, chứ tiền công chẳng là bao, tính ra thu nhập thấp hơn... thợ hồ”.
Vợ ông đã nhiều lần khuyên ông bỏ nghề. Trong lúc ông đang lưỡng lự thì ngày nọ, một bà mẹ nghèo từ miền Trung vào trường bắn tìm xác con. Bà khóc rất nhiều, muốn đưa con về quê để sau này bà chết được nằm bên con.
Ông Ba Son động lòng, đồng ý giúp bà. Thường thì việc quật mộ chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút nhưng lần đó, khi tử thi được đưa lên, bà mẹ ôm con khóc suốt mấy giờ liền. Ông bộc bạch: “Gặp những hoàn cảnh thương tâm, dù không có thù lao nhưng mình cũng không nỡ từ chối. Cứ nghĩ đến câu “nghĩa tử là nghĩa tận” thì không bỏ nghề được”.
Nơi hoang dại
Cùng chúng tôi ra trường bắn Long Bình, chỉ tay về những hố sâu, ông Ba Son cho biết: “Hồi trước đó là mộ của Năm Cam, cạnh là Phước “tám ngón” (tên thật là Nguyễn Hữu Thành), toàn những “tên tuổi” lớn”!
Mưa bất chợt ập đến, gió thốc liên hồi, những đám lau xào xạc, hoang dại, trường bắn Long Bình như một thung lũng tối sầm.
Theo ông Ba Son, từ lâu khu này đã trở lên hoang vắng, tối đến chỉ nghe tiếng cú mèo, tiếng quạ kêu, ít ai dám ra đây ngoài những “phu” trường bắn. Đêm khuya, thỉnh thoảng có một vụ trộm xác, trường bắn lởn vởn bóng người bên ánh sáng đèn pin lập lòe giữa bóng đêm hoang dại. |
Kỳ tới: Những vụ chạm trán nảy lửa
Bình luận (0)