Theo ông Phùng, Bộ Văn hóa – Thông tin yêu cầu thời gian của đợt khai quật Thành Hồ lần này chỉ kéo dài từ nay đến ngày 30-11, trên diện tích khoảng 200 m2, nhằm mở rộng các hố đã khai quật lần đầu để xác định rõ quy mô, công năng, niên đại của Thành Hồ cũng như các loại hình kiến trúc, hiện vật lịch sử đã phát hiện tại đây từ trước đến nay.
Được biết, trong lần khai quật thứ nhất (tiến hành hồi cuối năm 2003), đoàn khai quật Thành Hồ (Viện Khảo cổ học Việt Nam và Bảo tàng Phú Yên đã phát hiện được một dãy tường thành bằng gạch và đầu ngói ống có hoa văn trang trí tiêu biểu của nền văn hóa Chăm; ngoài ra, đoàn cũng đã tìm thấy một số hiện vật gốm Chăm tiêu biểu như: ngói mặt hề, ngói ống, cà ràng… với những hoạ tiết trang trí hình người, sư tử, búp sen… Theo tiến sĩ Phụng, đây là những hiện vật có niên đại từ thế kỷ thứ 5 đến thứ 7, thể hiện đời sống văn hoá, xã hội tinh thần của người Chăm xưa, đặc biệt là phản ánh được kỹ thuật chế tác, trình độ kiến trúc thẩm mỹ của người Chăm.
Theo nhận định của tiến sĩ Lê Đình Phụng (Viện Khảo cổ học), di tích Thành Hồ có vị trí chiến lược đối với người Chăm xưa, thành nằm bên bờ sông Ba, là cửa ngõ lên Châu Thượng Nguyên (tức Tây Nguyên ngày nay), không chỉ có ý nghĩa quan trọng với vùng đất Phú Yên, mà là của cả miền Trung. Tỉnh Phú Yên đã đề nghị Bộ Văn hóa – Thông tin công nhận Thành Hồ là Di tích lịch sử quốc gia.
Bình luận (0)