icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phú Yên luôn trong tim

NGỌC QUYỀN

“Tôi có tình cảm đặc biệt với Phú Yên. Đó là quê hương thứ hai của tôi. Tôi rất tự hào được làm người con của Phú Yên”. Sinh thời, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã nói như vậy trong chuyến về thăm Phú Yên năm 1993

Những ngày này, Nhà Lưu niệm luật sư Nguyễn Hữu Thọ nằm ở một góc vốn yên tĩnh trên đường Tản Đà, TP Tuy Hòa, nhộn nhịp hẳn lên. Đây là nơi tỉnh Phú Yên đã xây dựng để tưởng nhớ, lưu giữ những kỷ niệm với luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một người con của quê hương (*).

img
Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ (giữa) và đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Phong trào không liên kết ở Algérie (tháng 9-1973) . Ảnh: Tư liệu
 
Kế hoạch “chị Nghĩa”
 
 Sau Hiệp nghị Geneva ngày 20-7-1954, tại Sài Gòn – Gia Định, lực lượng trí thức yêu nước lập ra phong trào Bảo vệ hòa bình do luật sư Nguyễn Hữu Thọ đứng đầu, đã huy động được đông đảo lực lượng quần chúng khu vực Sài Gòn - Chợ Lớn biểu tình đòi thi hành nghiêm chỉnh hiệp nghị. Lo lắng trước phong trào này, ngày 15-11-1954, Mỹ - Diệm đã bắt luật sư Nguyễn Hữu Thọ và các bạn chiến đấu của ông.
 
Sau khi đưa luật sư ra Hải Phòng, rồi về lại Sài Gòn, cuối cùng, địch đã đưa “Đoàn Hòa bình” gồm luật sư Nguyễn Hữu Thọ và 5 đồng đội của ông đi cầm cố, giam lỏng tại Hòa Thịnh, Củng Sơn ở Phú Yên. Địch hy vọng ở những nơi xa xôi, thâm sơn cùng cốc này chúng sẽ cách ly được luật sư với phong trào cách mạng do ông lãnh đạo.
 

Trước khi đi xa mãi mãi, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã hiến tặng Phú Yên toàn bộ kỷ vật của ông, gồm những huy chương, huân chương, quà tặng, tư liệu, hình ảnh, kỷ vật... Đó là những thứ quý giá nhất của cuộc đời ông.

Ông Nguyễn Duy Luân, nguyên bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, nhớ lại: Sau Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị, việc thành lập Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam là vấn đề bức thiết nhưng vị chủ tịch đã được Bác Hồ và đồng chí Lê Duẩn lựa chọn lại đang bị địch quản thúc tại Phú Yên.
 
Trung ương giao trách nhiệm cho ông Trần Nam Trung (Trần Lương) – Ủy viên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy V và Tỉnh ủy Phú Yên - thực hiện kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
 
Hai kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ vào các ngày 11-9-1960 tại nhà thương Tuy Hòa – nơi ông đang điều trị bệnh và ngày 18-6-1961, tại thị trấn Củng Sơn (huyện Sơn Hòa) bất thành vì địch cảnh giác cao độ, theo sát từng cử chỉ của luật sư.
 
Trong sách Giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân Trần Suyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên thời kháng chiến chống Mỹ, cho biết: Qua hai lần giải thoát luật sư không thành, Tỉnh ủy Phú Yên giao nhiệm vụ cho ông và ông Nguyễn Lầu – Tỉnh đội trưởng - lên kế hoạch tổ chức giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ.
 
Đó là một kế hoạch táo bạo, bất ngờ và khá mạo hiểm. Sau khi cử cơ sở bắt liên lạc với luật sư, thống nhất kế hoạch và ám hiệu, hai bên thống nhất điểm hẹn giải thoát đón luật sư Nguyễn Hữu Thọ là mả bà Dũ Ký – một ngôi mộ người Hoa bề thế nằm trong khu nghĩa địa Hoa kiều dưới chân núi Chóp Chài ven Quốc lộ 1, cách thị xã Tuy Hòa 4 km về hướng Bắc.
 
Theo kế hoạch, luật sư mua một chiếc xe đạp, chiều chiều đạp xe vòng quanh thị xã như tập thể dục. Lúc đầu, bọn mật vụ bám sát từng bước đi nhưng thấy “ông hòa bình” đạp vòng vòng rồi về khách sạn Vĩnh Đông Á (nơi địch quản thúc), bọn địch dần dần lơ là theo dõi.
 
Hàng tháng như vậy, bọn địch mệt mỏi và chỉ còn một, hai tên theo dõi lấy lệ. Rồi “giờ G” cũng đến. Đúng ngày, giờ hẹn, 17 giờ ngày 30-10-1961, sau một hồi đạp xe vòng vòng các đường phố trong thị xã, luật sư Nguyễn Hữu Thọ mặc bộ đồ bà ba trắng, đạp xe dọc Quốc lộ 1 như đi dạo mát.
 
Khi luật sư vừa đến Cổ Rùa (cách điểm hẹn 100 m) và hỏi mả bà Dũ Ký thì được lực lượng vũ trang cách mạng ùa ra đón. Cuộc giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ thành công, trở thành một mốc son trong lịch sử của tỉnh Phú Yên.
 
Tỉnh ủy Phú Yên đặt mật danh kế hoạch giải thoát luật sư Nguyễn Hữu Thọ là kế hoạch “chị Nghĩa”, nghĩa là vì nghĩa cả phải giải thoát bằng được luật sư theo yêu cầu của Đảng và Bác Hồ.
 
Và luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã chọn bí danh là Ba Nghĩa để ghi nhớ một kỷ niệm sắt son trong đời hoạt động.
 
Biết ơn vô hạn nhân dân Phú Yên
 
Ngày 10-3-1993, lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất luật sư Nguyễn Hữu Thọ trở về với Phú Yên kể từ sau ngày được giải thoát.
 
Phát biểu tại buổi gặp mặt cán bộ, nhân dân Phú Yên ngày 11-3-1993, luật sư Nguyễn Hữu Thọ xúc động: “Cách đây 32 năm, mảnh đất Phú Yên này đã là nơi kẻ địch quản thúc, giam lỏng tôi và những đồng chí trong phong trào hòa bình Sài Gòn – Gia Định, mà người dân Phú Yên vẫn quen gọi là mấy “ông hòa bình”.
 
Qua 6 năm trời ròng rã, đến khi tôi được tổ chức móc nối và được cán bộ, chiến sĩ, đồng bào Phú Yên giúp đỡ đưa ra vùng căn cứ cách mạng thì những Củng Sơn, Tuy Hòa, Nhạn Tháp, Chóp Chài, Đà Rằng... với những tấm lòng yêu nước, gắn bó với cách mạng của đồng bào, đồng chí ở đây đã thực sự trở thành một phần tâm hồn tôi... Tình cảm đầu tiên của tôi là lòng biết ơn vô hạn đối với nhân dân Phú Yên”.
 
Ông Nguyễn Thành Quang, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, nhớ lại: “Sau hơn 32 năm bận việc nước non, luật sư trở về thăm quê. Đã ngoài 84 tuổi, mọi khi ông yếu lắm nhưng hôm ấy, luật sư có nhã hứng đi bộ trên phố. Thấy “ông hòa bình” đi bộ, không công an dẫn đường, không còi hụ... dân phố kéo nhau “tháp tùng” ông thành một đoàn dài.
 
Cũng theo ông Nguyễn Thành Quang, sau này, khi đảm nhận các trọng trách quyền Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn theo dõi sát sao sự phát triển của Phú Yên, ông đã góp phần giúp tỉnh giải quyết những khó khăn, trở ngại, chia sẻ với quê hương mọi chuyện vui buồn...
 

Trước khi đi xa mãi mãi, luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã hiến tặng Phú Yên toàn bộ kỷ vật của ông, gồm những huy chương, huân chương, quà tặng, tư liệu, hình ảnh, kỷ vật... Đó là những thứ quý giá nhất của cuộc đời ông.

 

(*) Luật sư - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ sinh ngày 10-7-1910, trong một gia đình công chức trung lưu tại làng Long Phú, tổng Long Hưng Hạ, quận Trung Quận, tỉnh Chợ Lớn (nay thuộc thị trấn Bến Lức, tỉnh Long An)
 

Gần gũi với nhân dân

 
Ông Nguyễn Hữu Châu, trưởng nam của luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cho biết: “Để không phụ công lao to lớn của nhân dân Phú Yên và nhân dân cả nước, cha tôi đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn luôn giữ một nếp sống giản dị, gần gũi với nhân dân. Ra đi, cha tôi không hề có một ngôi nhà riêng do mình làm chủ sở hữu và tài sản không có gì đáng giá ngoài mấy chục triệu đồng tiết kiệm được từ tiền lương. Đối với cha tôi, lý tưởng phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân là trên hết, chức vụ chỉ là trách nhiệm của dân giao. Phú Yên - mảnh đất sâu nặng nghĩa tình - sẽ mãi mãi là quê hương thứ hai thân yêu của cha tôi, của gia đình tôi”.

Triển lãm về cuộc đời Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ

 
Ban Tổ chức các ngày lễ lớn TPHCM đã khai mạc triển lãm “Luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ - Một cuộc đời gắn bó với Đảng, với cách mạng, với nhân dân” sáng 9-7 tại Nhà Văn hóa Thanh niên.
 
img

Các đại biểu xem triển lãm sáng 9-7 tại Nhà Văn hóa Thanh niên

 
Triển lãm trưng bày 91 hình ảnh, bảng trích dẫn tư liệu về luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ với 2 phần. Phần 1: “Những năm tháng tuổi trẻ” gồm hình ảnh về những năm tháng tuổi trẻ và quá trình học tập, giác ngộ trở thành nhà trí thức chân chính, lãnh tụ của phong trào cách mạng ở miền Nam của luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Phần 2: “Một trí thức, nhà yêu nước, nhà cách mạng, người chiến sĩ cộng sản kiên định” ghi nhận cống hiến lớn lao cho Đảng, cho cách mạng của luật sư, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ qua nhiều cương vị công tác, hoạt động trên nhiều địa bàn.
 
Triển lãm kéo dài đến ngày 14-7.
 
Tin-ảnh: T.Vân

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo