Trước khi những tác phẩm trên ra mắt người xem ông Bertrand Porte (chuyên gia của Trường Viễn Đông Bác cổ) và ông Soda (chuyên gia phục chế của Bảo tàng Quốc gia Phnom Penh - Campuchia) còn cẩn thận xem xét lại các hiện vật lần cuối. Đó là kết quả làm việc và hợp tác trong 5 năm của nhóm chuyên gia phục chế các hiện vật bằng đá tại Việt Nam. Các chuyên gia tỏ ra hài lòng với kết quả công việc phục chế tượng thần SIVA có niên đại thế kỷ VIII. Bức tượng này được tìm thấy năm 1902, có chiều cao gần 2 m. Ông Bertrand Porte và các chuyên gia trẻ của Đà Nẵng đã khắc phục những vết nứt phần dưới chân và các lớp đá bị bong tróc nham nhở trên hiện vật, đã lấy lại được dáng vẻ độc đáo ban đầu.
Tượng thần Skanda bằng sa thạch có niên đại thế kỷ thứ X, được trưng bày tại Paris năm 1931, được phục chế tháng 1-2005, cũng đã được các chuyên gia tháo gỡ phần chốt sắt gỉ trong lòng tượng và dùng máy nén khí thổi hóa chất lên lớp xi măng để vệ sinh cho tượng.
Trong 5 năm, bắt đầu từ năm 2005, với các phương tiện hiện đại và quan trọng nhất là những kinh nghiệm phục chế hiện vật đá tích lũy từ công việc phục chế tại đền Angko ở Campuchia, các chuyên gia đã phục chế được 12 tác phẩm điêu khắc vô giá trong số vài trăm hiện vật từng được ông Henri Parmentier, Trưởng Khoa Khảo cổ của Trường Viễn Đông Bác Cổ (Pháp) đưa vào Bảo tàng Điêu khắc Chămpa ở Đà Nẵng năm 1919 và cả những hiện vật tìm thấy sau đó.
Lãnh đạo Bảo tàng Điêu khắc Chămpa cho biết, dự án phục hồi bảo quản các tác phẩm điêu khắc Chămpa do Chính phủ Pháp tài trợ sẽ còn tiếp tục kéo dài.
Bình luận (0)