Quốc hội đã thông qua Luật trẻ em với tỉ lệ 89,88% tổng số đại biểu QH tán thành.
Sáng nay 5-4, với 89,88% đại biểu tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua Luật trẻ em (sửa đổi).
Thay mặt Uỷ ban Thường vụ QH, bà Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình bày báo cáo tiếp thu giải trình dự thảo Luật trẻ em (sửa đổi) trước khi QH bấm nút thông qua vào sáng nay 5-4.
Về tên gọi của luật, đa số các ý kiến đại biểu (ĐB) thống nhất đổi tên Luật thành "Luật trẻ em".
Về độ tuổi trẻ em, nhiều ý kiến đại biểu không tán thành việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi.
Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Tổng thư ký QH gửi phiếu xin ý kiến ĐBQH về 2 phương án. Phương án 1: “Trẻ em là người dưới 18 tuổi”; Phương án 2: “Trẻ em là người dưới 16 tuổi”.
Kết quả lấy phiếu cho thấy: Có 340/397 ý kiến đồng ý phương án 2, chiếm 85,64% tổng số phiếu thu về và 69,25% tổng số ĐBQH; 50/397 ý kiến đồng ý phương án 1, chiếm 12,59% tổng số phiếu thu về và 10,18% tổng số ĐBQH.
“Tiếp thu ý kiến đa số ĐBQH, Ủy ban thường vụ QH đề nghị giữ độ tuổi trẻ em là dưới 16 tuổi như quy định tại Luật hiện hành” - bà Hải cho biết.
Đại biểu bấm nút biểu quyết không đồng ý tăng tuổi trẻ em lên dưới 18 tuổi
Đầu tiên, QH đã nhất trí biểu quyết thông qua với số phiếu cao về điều 5 về nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền và bổn phận của trẻ em; điều 6 về các hành vi bị nghiêm cấm; điều 78 về bảo đảm để trẻ em tham gia vào các vấn đề trẻ em.
Tiếp đó, QH biểu quyết thông qua toàn bộ dự thảo luật. Tổng số đại biểu QH là 496, trong đó có 449 đại biểu tham gia biểu quyết. Kết quả có 444 đại biểu tán thành, chiếm 89,88% tổng số đại biểu QH; 3 đại biểu không tán thành, chiếm 0,61%; không biểu quyết: 2 đại biểu, chiếm 0,40% tổng số đại biểu.
Luật trẻ em (sửa đổi) gồm 7 chương, 107 điều, được QH thông qua ngày 5-4 tại kỳ họp 11, QH khoá XIII. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-6-2017.
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em số 25/2004/QH11 năm 2004 hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Luật này có hiệu lực.
Bình luận (0)