xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quá căng với sốt xuất huyết!

NGUYỄN THẠNH - Trọng Đức - Tử Trực

Chủ tịch UBND các quận, huyện ở TP HCM phải chịu trách nhiệm nếu để bệnh sốt xuất huyết tăng nhanh, lan rộng

Trước nguy cơ sốt xuất huyết (SXH) lan rộng, chiều 16-8, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thị Thu đã chủ trì cuộc họp về công tác phòng chống bệnh này trên địa bàn.

TP HCM: Ngăn từ tuyến dưới

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, từ đầu năm đến nay, TP có 12.291 ca mắc SXH, tăng gần 27% so cùng kỳ năm 2016, trong đó có 4 ca tử vong. Hiện 18/24 quận, huyện có số ca nhập viện do mắc SXH gia tăng. BS Dũng cũng nêu ra nhiều hạn chế trong việc phòng chống SXH tại các địa phương như năng lực tuyến y tế cơ sở còn yếu, người dân vẫn ỷ lại…

Tại cuộc họp, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết địa phương này được TP cho là điểm nóng về bệnh SXH, TP báo tổng số ca mắc tại quận là 781 nhưng khi quận xác minh thì chỉ 416. Theo lãnh đạo quận Bình Tân, với hơn 700.000 dân, 10.800 điểm nguy cơ, quận này là nơi có số ca mắc SXH cao nhất TP nhưng đã làm hết cách mà SXH vẫn không "ghìm cương".

Quá căng với sốt xuất huyết! - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến mới đây đã kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết tại TP HCM Ảnh: Nguyễn Thạnh

TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, cho biết BV này đã tiếp nhận điều trị cho 2.000 trẻ mắc SXH, có 4 trẻ sau đó tử vong. Bệnh nhi điều trị nội trú SXH phần đông từ tỉnh về, bệnh nhi khám ngoại trú chủ yếu ở TP HCM. Trong thời gian qua, BV thường duy trì hỗ trợ chuyên môn điều trị SXH cho tuyến tỉnh, hội chẩn từ xa giúp tuyến dưới điều trị tại chỗ. Nhờ vậy, tuyến TP giảm bớt áp lực.

Bà Nguyễn Thị Thu đề nghị các quận, huyện không được lấy tỉ lệ số ca mắc SXH tính trên số dân rồi so sánh với các địa phương khác và chủ quan. Sở Y tế phối hợp các ban, ngành liên quan quyết liệt hơn trong thời gian tới; cập nhật những điểm chưa bảo đảm an toàn, mất vệ sinh môi trường.

Bà Thu phê bình lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường vắng trong cuôc họp này và nói rõ chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm trước UBND TP nếu để bệnh tăng nhanh, lan rộng; tăng cường xử lý mạnh các tổ chức, cá nhân không chấp hành tốt về phòng chống bệnh SXH.

"Môi trường sống tại TP rất mong manh. Nếu bệnh bùng phát thì người dân sẽ bị đe dọa, chưa kể ảnh hưởng đến du lịch. TP sắp diễn ra Hội nghị APEC, dứt khoát tập trung không để dịch bệnh xảy ra" - bà Thu nhấn mạnh.

Hải Phòng, Quảng Ninh, Quảng Ngãi cũng "nóng"

Tính đến ngày 16-8, Hải Phòng ghi nhận 209 ca SXH, chưa có trường hợp tử vong. Sở Y tế Hải Phòng cho biết đây chỉ là con số thống kê từ các BV và trung tâm y tế, thực tế số người mắc tại cộng đồng có thể cao hơn rất nhiều.

Hải Phòng hiện có 67 ổ bệnh tại 53 xã, phường. Trừ huyện đảo Bạch Long Vỹ thì 14 quận, huyện khác đều xuất hiện ổ bệnh. Chiều cùng ngày, Sở Y tế Hải Phòng triệu tập tất cả đơn vị trực thuộc để triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng chống bệnh và tập huấn công tác điều trị SXH.

BV Hữu nghị Việt - Tiệp (Hải Phòng) cho biết đang trong tình trạng quá tải do số người mắc SXH nhập viện ngày càng tăng. BV Trẻ em Hải Phòng cũng gặp khó khăn là số bệnh nhân đến khám vì SXH rất đông nên Khoa Khám bệnh đa khoa luôn quá tải.

Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ninh, tỉnh này đã ghi nhận 113 ca mắc SXH, chủ yếu tập trung ở Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên; trong đó có 51 ca có tiền sử đến, sống hoặc đi từ Hà Nội về trong vòng 14 ngày, chiếm 45% tổng số ca mắc. Số ca mắc trong tháng 7, đầu tháng 8 tăng cao. Toàn tỉnh có 48/186 xã, phường có ổ bệnh. Dự báo, đỉnh dịch tại tỉnh này sẽ vào tháng 9.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến hết ngày 16-8, tỉnh này ghi nhận gần 700 ca mắc SXH, tăng 10% so cùng kỳ năm 2016. Địa phương có số ca bệnh nhiều nhất là TP Quảng Ngãi (hơn 300 ca). Trung tâm vừa cấp tiếp hơn 500 lít hóa chất diệt muỗi về cho các địa phương để phun chủ động trên diện rộng, đồng thời tăng cường các đội kiểm tra, giám sát mật độ muỗi, lăng quăng, bọ gậy để có biện pháp xử lý kịp thời.

Hà Nội phải huy động cả bộ đội

Sở Y tế Hà Nội ngày 16-8 cho biết đã có hơn 20 tỉnh cho TP này mượn máy phun hóa chất cỡ lớn để diệt muỗi. Những ngày qua, Hà Nội cũng huy động cả quân đội, dân phòng để "càn quét" các ổ bệnh.

Trước thắc mắc của người dân về việc nơi phun hóa chất, nơi không, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, cho biết hiện bệnh bùng phát nên việc khoanh vùng theo quy mô phường, xã, tương đương với việc phun hóa chất khoảng 4.000 hộ dân, chưa kể trường học, cơ quan, xí nghiệp, bệnh viện, bãi đất trống, nghĩa trang... Ông Cảm lưu ý việc phun thuốc diệt muỗi sẽ không thể dập bệnh hoàn toàn nếu vẫn tồn tại các ổ lăng quăng/bọ gậy trong các hộ gia đình. Hà Nội sẽ kiên quyết xử phạt tổ chức, cá nhân cố tình không thực hiện hoặc không hợp tác thực hiện các biện pháp phòng chống SXH. Cùng ngày, UBND TP Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra tình hình phòng chống SXH. Hiện số ca mắc SXH ở Hà Nội đã hơn 16.000 người, trong đó có 7 người tử vong.

N.Dung

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo