Ngày 9-11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật và hiệu quả sử dụng vốn của các tập đoàn, tổng công ty (TCT) Nhà nước. Nhất trí với báo cáo về thực trạng các tập đoàn, TCT Nhà nước hiện nay nhưng nhiều đại biểu (ĐB) cho rằng báo cáo mới chỉ đánh giá được phần nổi của tảng băng chìm trong thực trạng và nguyên nhân dẫn đến thua lỗ.
“Người khổng lồ” trên đôi chân đất sét
ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng các doanh nghiệp (DN) được hưởng nhiều ưu ái này chiếm tới 60% nguồn vốn của các ngân hàng thương mại, kinh doanh trong những lĩnh vực độc quyền, chiếm giữ nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá nhưng chỉ đóng góp 40% GDP là chưa tương xứng. Sự yếu kém này thể hiện ngay trong kết quả giám sát là chỉ có 35/91 tập đoàn, TCT có tỉ suất lợi nhuận trên vốn đạt trên 15%.
Đồng quan điểm này nhưng ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) cho rằng mức lãi này cũng không thể gọi là cao khi đem so với những lợi thế vô cùng lớn mà Nhà nước ưu ái cho các tập đoàn, TCT. Chưa tính đến các lợi thế về tài nguyên, đất đai, thị trường sẵn có, thương hiệu, chỉ riêng chuyện đi vay vốn thì không có DN nào thuận lợi như các tập đoàn, TCT.
Dệt sợi tại Công ty Dệt Thành Công - thành viên Tổng Công ty Dệt VN. Ảnh: N.HỮU
Trong vòng 5 năm qua, các tập đoàn phát triển quá nhanh, vượt quá tầm với của quản lý Nhà nước, cả về mặt cơ sở pháp luật và khả năng điều hành. “Các tập đoàn kinh tế hiện nay không khác gì những “người khổng lồ” trên đôi chân đất sét hoặc cỗ máy khổng lồ đẻ ra rồi mà không quản lý được” – ĐB Nguyễn Đình Xuân bức xúc.
Chia sẻ sự lo lắng này, ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH, ĐB Mai Xuân Hùng (Hậu Giang), cho rằng báo cáo giám sát mới chỉ toát lên được bức tranh toàn cảnh nhưng cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, bởi vì chưa tính toán được đầy đủ tổng tài sản của các tập đoàn, TCT do vậy cũng chưa thể khẳng định hiệu quả của việc sử dụng vốn.
ĐB Mai Xuân Hùng phân tích: Báo cáo giám sát ước tính tổng tài sản của các tập đoàn, TCT vào khoảng 1.241.000 tỉ đồng là chưa đủ, vì khi đem đấu giá thì giá trị tài sản tăng gấp 2-3 lần. Do vậy, tổng tài sản tính đúng, tính đủ của hơn 90 tập đoàn, TCT phải là hơn 4 triệu tỉ đồng, tương đương 210 tỉ USD. “Nếu tính đúng tài sản thì lợi nhuận của các tập đoàn, TCT không thể là 12% mà chỉ có 0,5% đến 1%. Chưa đánh giá được tổng tài sản thì cũng không đánh giá được đúng hiệu quả” – ĐB Mai Xuân Hùng nói.
Cần tạo sự bình đẳng
Đăng đàn giải trình về các ý kiến lo ngại việc đầu tư tràn lan ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Võ Hồng Phúc cho rằng đa ngành nghề, đa lĩnh vực kinh doanh của các tập đoàn, TCT là để có thị trường cạnh tranh như điện lực, viễn thông... Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nói có đa ngành, đa lĩnh vực thì DN mới có điều kiện để phát triển, bổ sung cho lĩnh vực này, lĩnh vực khác có thể phát triển trong từng giai đoạn và trong từng thời kỳ.
Không đồng tình, ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) dẫn ra các ví dụ về các tập đoàn xuyên quốc gia như Microsoft, Siemens, Samsung lại không đa ngành nghề mặc dù tiềm lực rất mạnh. ĐB Phạm Thị Loan cho rằng nhìn vào các tập đoàn quốc tế cho thấy hầu hết được hình thành từ việc tích lũy hàng chục tới gần trăm năm, sau đó mới vươn ra đa ngành trong khi DN VN còn quá non trẻ.
Nếu không có kinh nghiệm, nguồn vốn lớn mà đa ngành thì tự mình làm yếu mình. ĐB Phạm Thị Loan thẳng thắn góp ý: “Nhà nước cần tạo sự bình đẳng để các DN tư nhân có điều kiện thành những “quả đấm” thép. Không thấy được đóng góp và năng lực của DN ngoài quốc doanh thì sẽ không huy động được toàn lực xã hội”.
Hiệu quả sử dụng vốn thấp
Trước nhiều ý kiến phản đối việc các tập đoàn, TCT thay vì đầu tư phát triển mạnh lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh truyền thống thì lại đổ vốn vào chứng khoán, bất động sản, Bộ trưởng Võ Hồng Phúc cho biết qua kiểm tra, thấy số vốn đầu tư vào chứng khoán, bất động sản của các tập đoàn, TCT dưới 5% tổng đầu tư chung.
Không thỏa mãn, ĐB Đặng Văn Xướng (Long An) khẳng định cần có đánh giá về thực trạng và hiệu quả về việc các tập đoàn, TCT đầu tư vào lĩnh vực bất động sản. Việc này được gì, mất gì đối với từng tập đoàn, TCT và đối với cả nền kinh tế, nhất là trong năm 2009 tập trung ngăn chặn suy giảm kinh tế đồng thời chống lạm phát cao.
Kết quả kinh doanh tính theo tỉ suất lợi nhuận trên vốn của các tập đoàn, TCT năm 2008: có 35/91 đơn vị có tỉ suất lợi nhuận trên 15%, 15/91 đơn vị có tỉ suất lợi nhuận từ 10-15%, 20/91 đơn vị có tỉ suất lợi nhuận từ 5%-10%, 18/91 đơn vị có tỉ suất lợi nhuận dưới 5%, 3/91 đơn vị thua lỗ. (Nguồn: Báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ QH) |
Tỉ lệ nợ vay rất cao, có đơn vị lên đến 21 lần so với vốn chủ sở hữu, nợ quá hạn có trường hợp lên đến 60% tổng dư nợ. Đầu tư của tập đoàn kinh tế chiếm 1/3 tổng đầu tư toàn xã hội nhưng sử dụng lao động chỉ chiếm 9% tổng lao động toàn xã hội. Vốn bổ sung của các tập đoàn trong 2 năm qua rất cao nhưng là nguồn vốn không bền vững vì chủ yếu đầu tư vào chứng khoán, bất động sản.
Quy trách nhiệm người đứng đầu
ĐB Nguyễn Đình Xuân nhìn nhận: “Đồng vốn không tự dưng sinh ra cũng không tự mất đi, nó chỉ chảy từ DN này sang DN khác, từ túi người này sang túi người khác. Cần phải làm rõ để quy trách nhiệm cho người gây thất thoát vốn và tài sản Nhà nước.
Để càng lâu thì tài sản Nhà nước càng thất thoát, thua lỗ càng nhiều thêm, quyền lợi của người lao động, của các công ty đối tác... bị ảnh hưởng, trong khi đó trách nhiệm của những người gây ra thua lỗ này ngày một mờ nhạt đi và nhiều người đã “hạ cánh” an toàn”. Ủng hộ ý kiến này, ĐB Nguyễn Văn Thời (Thái Nguyên) bổ sung, có DN Nhà nước làm thất thoát hàng trăm tỉ đồng nhưng báo cáo thì nguyên nhân khách quan là nhiều, chủ quan thì ít, rồi lãnh đạo DN về hưu là xong.
ĐB Đặng Văn Xướng thắc mắc về báo cáo thu nhập bình quân đầu người ở các tập đoàn, TCT là năm sau cao hơn năm trước, năm 2008 là 3,8 triệu đồng/người/tháng nhưng chưa phân tích và so sánh trong mối quan hệ về thu nhập giữa những người lãnh đạo quản lý ở các tập đoàn và những người trực tiếp lao động? Ông Xướng hỏi thẳng: “Dư luận hết sức bức xúc khi những TCT, tập đoàn làm ăn thua lỗ kéo dài nhưng nhiều người lại giàu lên là sao?”.
Thua lỗ còn vướng trách nhiệm xã hội Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, các tập đoàn, TCT còn phải thực hiện nhiệm vụ chính trị - xã hội, điều này ảnh hưởng tới hiệu quả sử dụng đồng vốn. |
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: Xử lý không triệt để, thua lỗ càng chồng chất Trao đổi với báo chí vào ngày 9-11, ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, nói: Tỉ suất lợi nhuận chia cho vốn chủ sở hữu của các tập đoàn, TCT Nhà nước thấp dưới 10%; vốn đầu tư, doanh thu, sử dụng lao động hiệu quả thấp hơn so với các loại hình DN khác.
Th.Dũng ghi |
Bình luận (0)