Đám cưới của Hà Thị Thìn - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã EaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên - và thầy giáo Ksor Y Túc được xem là sự hợp hôn của 2 dân tộc Nùng và Êđê. Tuy nhiên, tình yêu của đôi trai gái ấy có lúc tưởng chừng như vỡ vụn.
Tìm đến cái chết
“Theo phong tục của dân tộc Nùng, chỉ nhà gái mới được thách cưới. Trong khi đó, người Êđê lại cho phép nhà trai đòi lễ vật. Cả hai gia đình bên nào cũng thách cưới nên không bên nào chịu cưới. Vì yêu nhau, chúng tôi quyết định không nhận của hồi môn mà đến xã làm thủ tục kết hôn rồi dựng chòi ở riêng’” - chị Hà Thị Thìn kể.
Ở xã EaTrol, không phải đôi trai gái nào yêu nhau cũng dám vượt qua hủ tục để bảo vệ tình yêu như vợ chồng chị Thìn. Bà Ksor H’Jrin, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sông Hinh, cho hay nhiều đôi trai gái đã phải tự vẫn chỉ vì không có tiền thách cưới.
Ksor Y Thun (quê Đắk Lắk) không lấy được người yêu vì gia đình thách cưới quá cao nên buồn tình đến thôn Suối Cối 2, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên thăm bà con rồi uống thuốc diệt cỏ tự tử. Người dân ở đây thấy vậy nên khi buồn bực hay thất tình lại bắt chước tìm đến cái chết.
Những người còn sống cũng đau khổ vì tình, đâm ra bất đắc chí, bỏ nương bỏ rẫy. H’Niệm và Y Nhé (cùng ở buôn Thu, xã Ea Trol) yêu nhau nhưng vì gia đình Y Nhé thách cưới cao nên H’Niệm không thể cưới. Cả khi H’Niệm có được đứa con gái với Y Nhé, gia đình Y Nhé vẫn không đồng ý gả con. Bây giờ thì đường ai nấy đi. Còn tại buôn Ly, đã nhiều lần gia đình H’Jang đến nhà Y Rin hỏi cưới nhưng bất thành vì cha và mẹ kế của Y Rin thách cưới quá cao. Giờ đôi trai gái này vẫn cứ loay hoay với chuyện cưới xin.
Gánh nặng đời sau
Thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, Đắk Lắk có 170 hộ với hơn 1.200 nhân khẩu đều là người dân tộc H’mông, trong đó hơn một nửa số hộ thuộc diện nghèo. Với quan niệm gả con gái khi mới 14, 15 tuổi sẽ có quyền đòi tiền thách cưới nhiều hơn nên nhiều đứa trẻ mới 15, 16 tuổi đã trở thành bố mẹ và lên chức ông, bà khi mới ngoài 30 tuổi.
Chị Lý Thị Dợ (ngụ thôn Cư Rang) năm nay 35 tuổi nhưng 2 con gái của chị đã lấy chồng và có con. Lý giải về việc cho con lấy chồng khi mới 15 tuổi, chị Dợ nói: Ở đây, con gái học nhiều nhất cũng chỉ hết cấp 1, sau đó về nhà sống với bố mẹ và đi làm rẫy. Đối với những người 20-21 tuổi nếu may mắn lấy được chồng thì tiền thách cưới rất ít, không đủ để chiêu đãi cả thôn ăn mừng.
Chúng tôi còn nghe nhiều câu chuyện đau lòng về tục cưới xin nơi vùng A Sầu, A Đớt, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bao nhiêu năm làm cán bộ tư pháp xã A Đớt, ông Lê Hồng Bường cho biết ở xã hiện có 5 trường hợp hôn nhân cận huyết mà chủ yếu là con cô, con cậu lấy nhau.
Trước căn nhà gỗ thấp lè tè, Hồ Sỹ Tòng (24 tuổi, thôn A Ting) ngồi ẵm đứa con 2 tuổi ốm tỏng teo. Giọng Tòng buồn bã: “Từ ngày sinh ra đến giờ nó đau miết, vợ chồng cũng chẳng làm lụng được gì nhiều nên cuộc sống cơ cực lắm”. Nhiều người nói rằng đứa con Tòng ốm yếu như vậy chính vì nguyên nhân vợ Tòng là con gái người cậu - em trai ruột của mẹ Tòng.
Bà Pi Riu A Ve (mẹ Tòng) cho đó là điều may vì con trai của bà không bị thách cưới khi lấy cô gái khác. Của cải gia đình không chảy qua gia đình người ngoài mà quẩn quanh trong gia tộc. “Tập tục đồng bào mình xưa nay thế rồi, chẳng có gì lạ hết. Chúng nó vốn là anh em, lấy nhau thì càng thương yêu nhau hơn thôi” - Pi Riu A Ve nói.
Cũng như Tòng, Hồ Xuân Nhái (25 tuổi, thôn A Đớt, xã A Đớt) cũng lấy con cậu ruột là Hồ Thị Nương (23 tuổi, xã A Roàng) làm vợ. Ông Hồ Xuân Cái - cha của Nhái - cười khà khà nói: “Truyền thống chẳng ai cấm kỵ nên hai gia đình cũng chấp thuận luôn, khỏi phải lễ nghi cưới hỏi”.
Do kết hôn cận huyết nên đa số bà con ngại đi đăng ký kết hôn, con cái sinh ra chẳng có giấy khai sinh, thất học và chẳng hưởng được chế độ gì. Bà Phạm Thanh Tâm, Giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa gia đình huyện A Lưới, cho biết trong 5 năm qua, tại một số xã vùng cao huyện A Lưới có 10 trường hợp kết hôn cận huyết.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ka Sô Liễng:
Khó xóa bỏ!
Như tục nối dây của người Êđê, khi được cưới về, người chồng không có quyền gì ở nhà vợ. Cả khi người vợ chết đi thì người chồng cũng không có quyền nuôi con. Còn khi nhà vợ bắt được người chồng có quan hệ bất chính bên ngoài thì nhà vợ sẽ phạt bên nhà chồng rất nặng nên họ cứ viện cớ thách cưới để có tiền, phòng khi con trai mình có bề gì bị phạt. Do đó, hủ tục thách cưới của người vùng cao ở Phú Yên không dễ xóa bỏ.
Bà Ksor H’Jrin - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Sông Hinh:
Thí điểm mô hình “không thách cưới”
Hủ tục thách cưới ngày càng nặng nề, nhiều cô gái không thể cưới được chồng vì không đủ tiền sắm lễ cưới cho nhà trai. Vì vậy, đầu năm 2014, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đã xây dựng mô hình “không thách cưới” thí điểm tại xã EaTrol và sẽ mở rộng ra 11 xã trong năm 2015. Qua đó, vận động những hội viên hội phụ nữ xã có con trai cam kết không thách cưới khi gả con. Đã có 22 phụ nữ tham gia và cam kết không thách cưới. Dù vậy, hiệu quả vẫn còn chưa cao do nhiều phụ nữ có đông con trai họ không chịu tham gia.
Hồng Ánh
Bình luận (0)