Những nghĩa cử ấy là rất nhân văn trong truyền thống văn hóa người Việt. Nhưng cứ mỗi Tết gần đến mà Chính phủ lại chỉ đạo các cấp chính quyền và doanh nhân không được nhận quà cáp, phong bì, không thăm viếng là nói đến một loại tệ nạn! Có người nói quà cáp đó chính là tham nhũng trá hình. Nghĩ cũng không sai!
Đọc sử cũ, thấy vua Lê Thánh Tôn nghiêm khắc với tệ tham nhũng của quan lại đã mang lại một thời thịnh trị cho đất nước. Sử cũ cũng kể về sự liêm khiết của vị quan Vũ Tự dưới thời Lê. Vua Lê Thánh Tôn sai người được Vũ Tự xử thắng kiện mang quà đến “cảm ơn” và cho đó là tập quán, đã bị Vũ Tự từ chối và đuổi về. Mạc Đĩnh Chi trước đó cũng là vị quan thanh liêm nổi tiếng dưới thời vua Trần Minh Tông. Ông sống cuộc đời đạm bạc nên khi mẹ chết thì càng khó khăn hơn. Vua tìm cách giúp bằng cách nửa đêm mang tiền đến lén bỏ vào nhà. Hôm sau, Mạc Đĩnh Chi mang gói tiền ấy vào triều trình cho vua để nộp công quỹ. Vua nói gì ông cũng từ khước: “Không phải của mình làm ra thì dù một đồng cũng không sờ đến!”…
Việc trao nhận quà biếu là một hiện tượng xã hội phổ quát mang tính ràng buộc và có cái giá của nó. Cái giá đó nếu đặt trong mối quan hệ công - tư sẽ là một tệ nạn mà từ trong sử sách và văn hóa Việt, các vua Trần Minh Tông, Lê Thánh Tôn đến các vị quan như Mạc Đĩnh Chi, Vũ Tự đã ghi những mốc son. Trong lịch sử phong kiến lẫn hiện đại Việt Nam còn rất nhiều vị công bộc đã chứng minh phẩm chất trung chính, liêm khiết ấy và họ đã được nhân dân, sử sách lưu lại cho hậu thế noi gương là lẽ tất yếu!
Tiếc thay, cuộc sống nặng về kim tiền đã làm mờ mắt nhiều người, chỉ vì muốn nhanh chóng giàu sang phú quý mà quên đi tất cả! Người kinh doanh thì muốn được ưu ái, muốn có những mối làm ăn, dự án mang lãi nhanh chóng; người giàu có thì muốn tìm thêm cơ hội; người đi học thì học dối nhưng ham bằng cấp cao; quan chức cấp dưới, ít tài cán lại thích lên chỗ quyền lực lớn, lợi ích to. Tất cả tạo ra những mắt xích liên hoàn mà tiền bạc, vật chất đã biến thành dung môi, chất “bôi trơn” cho các mối quan hệ.
Quà biếu vốn rất nhân văn trong văn hóa truyền thống đã biến thành một thứ hàng hóa trao đổi, mặc nhiên trở thành thông lệ vào những dịp lễ, Tết. Đó là một biến thái khác của tham nhũng, của hối mại quyền thế vì nó mang tính bó buộc và vụ lợi. Có lẽ đó là vấn nạn đã được định danh, nhận biết như một tai họa nên gần Tết năm nay, Chính phủ lại phải một lần nữa “nghiêm cấm”!
Chúng ta lại sống trong hy vọng vào một chủ trương sẽ mang lại hiệu quả trên thực tế và rất được lòng dân này của Chính phủ!
Bình luận (0)