Chiều ba mươi Tết, đang tất tả dọn nhà thì có một phụ huynh dắt con tới, trên tay là bịch đồ. Cậu bé đi cùng là học trò của chị tôi. Vị phụ huynh ngần ngại, mở lời: “Nhà có chút quà, biếu cô ăn Tết”. Trong bịch đồ ấy là một gói hạt dưa và một gói bột ngọt, mỗi thứ nửa ký. Chị tôi nghĩ bụng nhà cậu học trò ấy rất nghèo, làm gì có tiền mua quà. Chợt nhìn cái bao bì và 2 gói hàng, chị tôi nhận ra ngay đó là món quà của Công đoàn giáo dục tặng cho giáo viên trong huyện. Thì ra người anh của cậu học trò ấy là giáo viên, cũng có quà. Và món quà ấy được gia đình cậu học trò tặng lại cho chị tôi. Chị tôi nói là đã có quà, xin từ chối khéo. Vị phụ huynh buồn buồn: “Cái tình mà, cô nhận cho mẹ con tôi vui”, nói rồi để quà đấy, ra về.
Mùng 2, chị tôi sang thăm nhà cậu học trò. Nhà cậu bé năm ấy không có hạt dưa, không bánh mứt. Chị tôi ngồi uống ngụm nước chè mà nghe lòng đắng chát…
Kể lại chuyện trên vào những ngày này khi khắp nơi đều có nhiều đoàn công tác xã hội - từ thiện tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình khó khăn hay học sinh vùng cao, giáo viên vùng lũ… để vui Xuân đón Tết, mới thấy tinh thần “lá lành đùm lá rách” càng thêm ý nghĩa. Cái đói có thể bị đẩy lùi nhưng cái nghèo biết bao giờ mới hết, bất cứ khi nào và bất kỳ nơi đâu cũng có những hoàn cảnh khó khăn, éo le cần được hỗ trợ. Tương thân tương ái là truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt và suối nguồn nhân ái ấy đến bây giờ vẫn không thôi tuôn chảy. Nó không chỉ là sự sẻ chia đơn thuần về vật chất và tinh thần mà còn làm nên sức mạnh trong đồng bào và cho dân tộc.
Sau 15 năm, bây giờ chị tôi đã là cán bộ quản lý giáo dục. Cứ năm hết Tết đến vẫn phải chạy đôn chạy đáo lo quà Tết cho giáo viên. Mà trị giá phần quà chẳng khác xưa là mấy, chỉ bánh mứt, hạt dưa, ký nếp hoặc cân thịt… Vậy là đã khá lắm rồi, cả nước đang còn không ít nơi bữa cơm học sinh không có thịt, trẻ con mùa đông thiếu áo ấm, giáo viên bị nợ lương và chạy ăn từng bữa, có biết Tết là gì.
Và như thế, các cơ quan, đoàn thể, những nhà hảo tâm lại lên đường. Nghĩa cử của các mạnh thường quân, của những người làm việc thiện dành cho người nghèo đâu chỉ thuần túy là giúp nhau lúc ngặt mà còn mang một thông điệp khác là nhắc nhở những người có trách nhiệm rằng mỗi khi đặt bút ký bất cứ một khoản chi dùng nào từ tiền ngân sách, phải hết sức cân nhắc. Hàng trăm ngàn tỉ đồng đã tan chảy theo hàng chục dự án thua lỗ mà cả xã hội đang nai lưng ra gánh chịu, tìm cách giải quyết. Nhìn vào đấy và nhìn vào hoàn cảnh của hàng vạn hộ nghèo, ai cũng sẽ thở dài, chua xót.
Chúng ta lẽ nào cứ phải thở dài, chua xót mãi sao?
Bình luận (0)