Và vì thế, một thời gốm Tuấn làm ra, người bình thường khó chấp nhận. Nhưng bây giờ, Tuấn lại nổi tiếng không chỉ ở làng Bát Tràng, ở Hà Nội mà nhiều người cả ta và Tây đều biết đến "quái nhân" với cái tên “Tuấn đồng nát”.
Đồ "đồng nát" thuộc về thì tương lai
Hai mươi năm trước tôi lang thang quanh làng gốm Bát Tràng chỉ để ngắm công nghệ biến đất sét và ngọn lửa thành sản phẩm gia dụng như bát đĩa, ấm chén, bình lọ… rồi cả sản phầm trang trí như tranh gốm, phù điêu gốm. Và không hiểu sao, tôi chỉ dừng lại ở lò gốm của Nguyễn Ngọc Tuấn.
Thế rồi, gần như tháng nào tôi cũng sang Bát Tràng chơi với Tuấn. Thời ấy, Tuấn lam lũ cơ cực lắm. Cái nhà thuê bên dốc Cơ Điện nằm cuối làng Bát Tràng là nơi ở và cũng là xưởng gốm của Tuấn.
Tóc dài búi tó, hình hài gầy guộc, chân thì hơi tập tễnh một chút, râu ria xồm xoàm, nói tóm lại là trông rất dị hợm. Và sản phẩm gốm trông cũng rất khó chịu, những bình, những lọ, những tranh cũng dị hợm nốt. Cái thì vặn vẹo, cái thì méo mó, cả họa tiết trang trí cũng theo phong cách khác lạ.
Tôi thề rằng hai chục năm trước, ai ngắm sản phẩm của Tuấn thì cũng đều lắc đầu bỏ đi. “Có cho cũng không thèm”, ấy là lời một người chơi gốm sau khi từ nhà Tuấn ra. Và ngày đó, không hiểu sao tôi có linh cảm rằng Tuấn sẽ là một hiện tượng. Tôi có dự cảm rất rõ về cái cách làm, cách chơi gốm của Tuấn, rằng đồ “đồng nát” của Tuấn sẽ có một tương lai, dẫu muộn. Và cái cá tính nghệ thuật của Tuấn thuộc về…thì tương lai thật.
Chuyện kể rằng một lần có người khách đến đặt Tuấn làm một chiếc thạp gốm men hoa nâu thời Lý. Tuân hăm hở làm xong đem nung không ngờ ngủ quên gây hỏa biến, mặt ngoài chiếc thạp rạn chân chim, ngỡ thất bại. Ai ngờ người ấy đến thấy chiếc thạp thì lẳng lặng nhận về sau khi trả Tuấn một triệu đồng. Lại nghe nói sau cái sự “hỏa biến” ấy, chủ nhân món đồ đem chôn dưới đất, sau đó đào lên bán được… 70 triệu đồng.
Lại một lần khác, Tuấn nhận làm chiếc lọ giả cổ cho khách. Tuấn đã hoàn thành tốt đẹp đơn hàng đặc biệt này với chiếc lọ y như cổ với cái miệng bình sứt một miếng phải gắn lại như thật. Và rủi thay sau đó Tuấn bị cơ quan chức năng “hỏi thăm” vì hành vi làm đồ giả cổ để lừa đảo. May Tuấn chìa cái hợp đồng để chứng minh, chứ không thì mệt. Từ những giai thoại như thế, bỗng nhiên Tuấn nổi danh làng Bát Tràng vì dám đem nghệ thuật và sự phá phách vào gốm.
Nghệ sĩ của đất và lửa
Còn nhớ dịp lễ hội phố hoa Hà Nội chào mừng 1.000 năm Thăng Long, Tuấn đem triển lãm độc đáo của mình ra trưng bày gây bất ngờ cho người xem. Tuấn tái hiện phố cổ Hà Nội bằng gốm, hơn 200 mô hình căn nhà cổ nối dài tới 50 mét, tạo nên một hình ảnh phố cổ Hà Nội rêu phong phủ màu thời gian. Dòng tranh gốm nổi đã góp vào chân dung Tuấn một kỷ lục…
Vì tình yêu Hà Nội, Tuấn còn thực hiện dựng các mô hình tiêu biểu của Thủ đô như Ô Quan Chưởng, Cột Cờ, Tháp Hòa Phong, Tháp Rùa và Chùa Một Cột... bằng gốm. Bây giờ trên cổng làng Lụa Vạn Phúc ở Hà Đông, thấy ấn tượng với nhiều mảng phù điêu đẹp về Hà Nội xưa, đấy chính là tác phẩm của Tuấn “đồng nát”.
Gốm Tuấn còn hiện diện ở nhiều công trình công cộng và nhiều biệt thự với giá trị nghệ thuật trang trí độc đáo về gốm đất nung – loại vật liệu trang trí mang ý nghĩa nghệ thuật bền vững qua thời gian. Với sự “phá phách”, Nguyễn Ngọc Tuấn là người đi tiên phong, mở đầu cho ngành tranh gốm hiện đại ở làng Bát Tràng. Tuấn “đồng nát” đã tìm một ngã rẽ mới cho gốm Bát Tràng. Sau hai mươi năm sống chết với đất, Tuấn đã thành công.
Bằng chứng là gần đây, vợ Tuấn thường bảo anh ấy đang đi làm gốm ở xa. Lúc thì nghe Tuấn bảo đang ở Công ty gốm Chu Đậu dưới Hải Dương giúp Nguyễn Lưu phục hồi gốm Chu Đậu. Lúc khác nghe bảo đang ở Phú Quốc trang trí nội thất cho một resort ở đó...
Nhưng hôm gặp lại ở Trung tâm văn hóa phố cổ, xem Tuấn bày gốm với mấy người bạn, chỉ một chủ đề: Sống, mà là toàn cái đồ gốm mang hình giá đỗ, anh ta vẫn lùi xùi thế, tuềnh toàng thế, tóc râu thế. Phải cái, bây giờ trông Tuấn có da có thịt hơn.
Chân dung quái nhân
Cả cuộc đời của Tuấn cũng lạ lùng. Hắn chả phải dân Bát Tràng. Từ chàng trai Hương Canh trên Vĩnh Phúc, gốc gác xứ Nghệ, học Đồ bản ra nhưng lại bỏ nghề, lang thang làm thuê chán ở làng Bát Tràng. Làm thợ gốm sứ nhưng hắn lại mê nghệ thuật. May cho Tuấn khi đến làm việc cho nhà ông Chủ nhiệm HTX gốm sứ Bát Tràng.
Ông chủ có vẻ quý cái tính lam làm và óc sáng tạo của Tuấn nên nhận hắn là con và gả luôn cô con gái rượu cho Tuấn. Và thế là làng Bát đã có công cưu mang Tuấn. Tuấn mang biệt danh “đồng nát”, nhưng tư chất nghệ sĩ có thừa.
Hắn bảo: Nghệ thuật là năng khiếu bẩm sinh chả ai dạy nổi. Nếu không có chất ấy, thì cùng lắm chỉ là một anh thợ gốm. Làng Bát Tràng bên sông Hồng bây giờ đẹp như một khu phố. Bảy trăm năm lịch sử làng này nhiều lắm những thăng trầm, nhưng tại sao Tam quan Văn chỉ làng có mái hai tầng?
Thì ra làng ấy phải có người tài giỏi hay học hành đỗ đạt, có cả tiến sĩ mới được dựng văn chỉ hai tầng mái như thế. Tuấn “đồng nát” cũng vậy. Tuấn đã đem cái đam mê tâm huyết với đất và lửa để làm mới làng Bát, như cách để tạ ơn làng.
Bình luận (0)