Sáng 17-4, Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) thuộc ĐHQG TP HCM tổ chức lắp đặt hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ tại Công ty TNHH Apave châu Á - Thái Bình Dương (số 42K, đường 30-4, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau vụ mất các nguồn, thiết bị phóng xạ vừa qua, động thái này nhằm siết chặt hơn công tác quản lý phóng xạ tại Việt Nam.
Giám sát mọi lúc, mọi nơi
Công ty Apave có trụ sở tại TP HCM nhưng có nhiều thiết bị phải di chuyển, sử dụng tại Vũng Tàu. Đây là thiết bị đầu tiên được lắp đặt hệ thống giám sát và quản lý nguồn phóng xạ trong tổng số 124 thiết bị thường xuyên di chuyển trong quá trình sử dụng nằm trong sự quản lý của Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM.
Tại hiện trường sáng 17-4, hệ thống giám sát, quản lý phóng xạ có tên iRS (thiết bị giám sát nguồn phóng xạ thông minh - Intelligent Radiation Supervisor) được gắn vào một thiết bị chứa nguồn phóng xạ của Công ty Apave là máy chụp ảnh phóng xạ model 880. Hệ thống giám sát này sẽ theo dõi vị trí, hành trình của máy chụp hình phóng xạ qua công nghệ định vị GPS và sẽ truyền thông tin về vị trí, hành trình của nó qua đường truyền viễn thông GPS/GPRS về trung tâm quản lý. Cơ chế hoạt động của hệ thống này tương tự như cách hoạt động của thiết bị giám sát hành trình ô tô.
Thiết bị iRS sẽ được quản lý bởi một phần mềm trực tuyến. Khi thiết bị phóng xạ đứng yên, cứ 10 giờ, iRs sẽ gửi thông tin về vị trí, nồng độ phóng xạ 1 lần. Nếu thiết bị phóng xạ di chuyển, cứ 10 phút, iRS sẽ gửi thông báo về trung tâm. Song song đó, khi thiết bị chứa phóng xạ di chuyển, phần mềm trực tuyến cũng vẽ lại hành trình của nó. Cùng một lúc, phần mềm này có thể quản lý được 10.000 hoặc thậm chí 50.000 thiết bị chứa nguồn phóng xạ.
Thiết bị iRS có thiết kế gọn, dễ sử dụng, pin dùng được 1 năm. Nếu hệ thống này bị tháo rời khỏi thiết bị hoặc bị tác động ngoại lực thì ngay lập tức sẽ gửi cảnh báo khẩn về trung tâm.
Triển khai trên diện rộng
Thiết bị iRS có giá khoảng 10 triệu đồng. Đầu tháng 5, ICDREC sẽ đưa ra thị trường thêm 200 hệ thống giám sát, định vị phóng xạ nữa. Nhiều đơn vị như Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai; các nhà máy tại dự án bauxite Tây Nguyên, Vietsovpetro... cũng đã liên hệ với ICDREC để lắp đặt hệ thống tương tự để giám sát nguồn phóng xạ.
Theo ông Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, TP HCM hiện có khoảng 400 thiết bị phóng xạ cần lắp đặt hệ thống giám sát nhưng trước mắt sẽ triển khai lắp cho 124 thiết bị phóng xạ thường xuyên di chuyển.
Thực tế trong những năm gần đây, quản lý các thiết bị phóng xạ trong nước rất lỏng lẻo và đã xảy ra nhiều sự cố như: Báo động nguồn giả, mất nguồn phóng xạ, kẹt nguồn, rơi nguồn... Gần đây nhất là sự cố mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ của Công ty Apave tại TP HCM vào tháng 9-2014, vụ mất thiết bị chứa nguồn phóng xạ tại Nhà máy thép Pomina 3 ở TP Vũng Tàu hồi đầu tháng 4 mà đến nay vẫn chưa tìm thấy.
Với việc thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ đã và đang được sử dụng ngày càng nhiều trong các lĩnh vực như công nghiệp, y tế, hải quan... thì công tác quản lý các thiết bị có ý nghĩa quan trọng. Việc lắp đặt hệ thống giám sát và quản lý nguồn, thiết bị phóng xạ sẽ phần nào giúp các cơ quan chức năng kiểm soát được các thiết bị, nguồn phóng xạ một cách chặt chẽ hơn.
Công lớn của chip vi điều khiển “made in Viet Nam”
Theo ông Ngô Đức Hoàng, toàn bộ hệ thống giám sát, quản lý nguồn phóng xạ do ICDREC tự phát triển trong nước dựa trên nền tảng chip vi điều khiển SG8V1 do ICDREC thiết kế và sản xuất. “Sau vụ mất cắp thiết bị phóng xạ ở TP HCM vào tháng 9-2014, chúng tôi nhận thấy Việt Nam đang rất cần một thiết bị định vị, giám sát các nguồn phóng xạ. Nếu nhập sản phẩm từ nước ngoài sẽ rất tốn kém nên chúng tôi lập tức nghiên cứu, chế tạo ngay một hệ thống để giảm giá thành”. Trong vòng vài tháng, đội ngũ các kỹ sư trẻ của ICDREC đã bắt tay vào nghiên cứu chế tạo và đầu tháng 4 đã đưa vào thử nghiệm thành công.
Được biết, hiện có 3 đơn vị ở trong nước có khả năng cung cấp hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ: Viện Hóa học và Môi trường Quân đội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ICDREC. Như vậy, Việt Nam đã có thể tự sản xuất và cung cấp thiết bị cho hệ thống giám sát an ninh nguồn phóng xạ và là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á triển khai giám sát an ninh các thiết bị chứa nguồn phóng xạ thường xuyên di chuyển.
Bình luận (0)