Ngày 16-4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp góp ý Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội Nhân dân (dự luật).
Cấp tướng giảm khoảng 3,1%
Trình bày tờ trình dự luật, Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết dự luật cơ bản giữ như luật hiện hành về chức vụ của sĩ quan, chỉ đổi tên chỉ huy trưởng Vùng Hải quân thành tư lệnh Vùng Hải quân để phù hợp với tổ chức mới và yêu cầu chỉ huy, quản lý, xây dựng lực lượng hải quân hiện đại.
Đáng chú ý, dự luật đề nghị bỏ quy định cấp bậc quân hàm cao nhất là thiếu tướng đối với một số chức vụ, dẫn đến số lượng cấp tướng so với việc thực hiện luật hiện hành giảm khoảng 3,1%. Tuy nhiên, dự luật bổ sung các chức vụ có cấp bậc quân hàm cao nhất là cấp tướng thuộc đơn vị thành lập mới do Thủ tướng quy định để đáp ứng kịp thời yêu cầu, nhiệm vụ mới.
Thẩm tra dự luật, Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QP-AN) của Quốc hội cho rằng nội dung về một số chức vụ có trần quân hàm cấp tướng trong dự thảo luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu quy định chặt chẽ, đúng nhu cầu các vị trí có quân hàm cấp tướng Bộ Chính trị đề ra. Ủy ban QP-AN dẫn chứng trong cùng một nhóm chức vụ cơ bản nhưng có đơn vị chỉ đến đại tá, có đơn vị lại được đến thiếu tướng; cùng chức danh cục trưởng nhưng có cục thì trung tướng, có cục thì thiếu tướng. Việc này gây nên những bất cập giữa cấp cục và tổng cục, có cục trưởng trần quân hàm bằng tổng cục trưởng, tư lệnh, chính ủy quân khu, quân chủng và cao hơn tổng cục phó...
Vì vậy, Thường trực Ủy ban QP-AN yêu cầu phải làm rõ vị trí có nhu cầu cấp tướng. Ngoài ra, cần xem xét một số đơn vị chưa đáp ứng được yêu cầu thì không quy định có nhu cầu cấp tướng như các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công.
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị sẽ có cấp hàm đại tướng
Dự luật quy định đối với Hà Nội, chỉ huy lực lượng vũ trang cấp hàm cao nhất là trung tướng; TP HCM cao nhất là thiếu tướng. Chỉ huy quân sự các tỉnh sẽ mang cấp hàm thượng tá; trừ 6 tỉnh, thành: Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thanh Hóa, Nghệ An và Đồng Nai mang cấp hàm đại tá. Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho biết ban đầu cũng đề xuất giống Bộ Công an là chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự 7 tỉnh, thành có cấp hàm tướng nhưng Thường vụ Quân ủy Trung ương đã không đồng ý vì địa phương nào cũng có lý cả, ai cũng biên giới, biển đảo, trọng yếu về kinh tế...
Cho ý kiến dự luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề quân đội và công an có điểm chung là bộ trưởng là đại tướng, thứ trưởng là thượng tướng; riêng quân đội thì chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và tổng Tham mưu trưởng có cấp bậc quân hàm cao nhất là đại tướng như dự luật đề xuất.
Chủ nhiệm Ủy ban QP-AN Nguyễn Kim Khoa phân tích việc bổ nhiệm chức vụ đối với quân đội phức tạp hơn so với lực lượng công an vì Bộ Công an bản chất là thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, trong khi cơ cấu tổ chức của quân đội vừa là hoạt động chỉ huy tác chiến theo lãnh thổ vừa là quản lý nhà nước trong lĩnh vực. “Cũng thuộc Quân đội Nhân dân Việt Nam nhưng Tổng cục Chính trị không phải cơ quan của Bộ Quốc phòng, do Đảng trực tiếp lãnh đạo. Vậy nên việc phong cấp hàm của quân đội không thể giống như bên công an” - ông Khoa nói.
Hiện cấp hàm đại tướng trong quân đội có Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, còn Tổng Tham mưu trưởng Đỗ Bá Tỵ và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Ngô Xuân Lịch cùng có cấp hàm thượng tướng.
Bình luận (0)