Thủ tướng Chính phủ vừa có quyết định phê duyệt “Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017-2021” với mục tiêu khống chế bệnh chó dại trên đàn chó nuôi và trên người vào năm 2021, nhằm tiến tới loại trừ bệnh dại.
Muốn nuôi chó phải đăng ký
Về mục tiêu cụ thể, chương trình hướng tới trên 95% số xã, phường, thị trấn của cả nước lập được danh sách hộ nuôi chó; tỉ lệ chó nuôi được tiêm phòng vắc-xin dại tại các xã, phường, thị trấn đạt trên 85%; trên 70% số tỉnh không có ca bệnh dại trên chó trong 2 năm liên tiếp; giảm 60% số tỉnh có nguy cơ cao về bệnh dại trên người; giảm 60% số người tử vong do bệnh dại vào năm 2021 so với số ca mắc bệnh dại trung bình của giai đoạn 2011-2015.
Cả đàn chó chạy rông trên một đường phố ở TP HCM. Ảnh chụp ngày 18-2 Ảnh: Hoàng Triều
Để đạt được mục tiêu trên, chương trình đề ra nhiều giải pháp, như về quản lý chó nuôi tại địa phương, chủ nuôi thông báo việc nuôi chó với trưởng thôn, ấp, bản hoặc UBND cấp xã, cam kết nuôi nhốt, giữ chó trong khuôn viên của gia đình; UBND cấp tỉnh, huyện phát động tháng cao điểm tiêm phòng vắc-xin dại cho chó vào tháng 3-4 hằng năm; UBND cấp xã tổ chức tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó...
Thực ra, quy định người nuôi chó phải đăng ký với chính quyền địa phương không mới, mà đã có từ lâu. Cụ thể, điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4-8-2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các biện pháp phòng chống bệnh dại ở động vật đã quy định: Tại các đô thị, nơi đông dân cư, kể cả vùng nông thôn (trừ vùng sâu, vùng xa), tổ chức, cá nhân nuôi chó phải đăng ký với trưởng thôn, ấp hoặc tổ trưởng dân phố để lập danh sách, trình UBND xã, phường cấp sổ quản lý chó…; phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người. Ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với chó dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang làm mất vệ sinh nơi công cộng…
Quy định về quản lý chó nuôi đối với tổ chức, cá nhân rõ ràng như vậy nhưng trong thực tế, việc quản lý chó nuôi gần như không thực hiện được.
Chưa có chế tài đủ mạnh
Ghi nhận tại nhiều tỉnh thành trên cả nước cho thấy tình trạng nuôi chó vẫn theo hình thức thả rông là chính. Đặc biệt, ở vùng nông thôn, hầu hết các hộ gia đình đều nuôi thả rông, mặc kệ loài gia súc này thích đi đâu thì đi. Vì thế, trong nhiều năm trở lại đây, tình trạng chó dại cắn người tử vong thường xảy ra ở các vùng nông thôn. Còn ở thành phố, thị xã, thị trấn do mật độ dân cư đông nên việc có nhiều người nuôi chó cũng gây không ít phiền toái. Chó được nuôi nhốt trong nhà khi thả ra đường để đi vệ sinh thường rất hung dữ, dễ gây nguy hiểm cho người dân, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngoài ra, chó khi được thả ra thường đi vệ sinh lung tung, thậm chí chạy cả vào nhà người khác để phóng uế.
Theo ông Đỗ Văn Tám - Chủ tịch UBND xã Cầu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa - việc Chính phủ đưa ra các giải pháp quản lý đàn chó nuôi, tiến tới khống chế bệnh dại trên đàn chó là cần thiết. “Tuy nhiên, với tập tục nuôi chó thả rông có từ ngày xưa đến giờ thì việc lập danh sách, thông báo khi nuôi chó với chính quyền địa phương là khó khả thi. Họ thích thì họ ra chợ mua về nuôi, không thích thì bán hoặc giết thịt. Việc nuôi chó chưa bị đánh thuế và chưa có các chế tài nào đủ mạnh nếu người nuôi để xảy ra hậu họa” - ông Tám nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Văn Sơn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Thanh Hóa - cho biết hiện ở tỉnh này có khoảng 400.000 con chó, tổng số đàn chó được tiêm vắc-xin phòng bệnh dại hằng năm là khoảng 320.000 con (đạt tỉ lệ trên 80%).
“Đó là con số mà chính quyền địa phương thông báo lên trước mỗi đợt tiêm phòng. Con số này thấp hơn thực tế nhiều vì việc khai báo của hộ nuôi chó nhiều khi không đúng, do có hộ chó chuẩn bị đẻ hoặc mới đẻ, chó chuẩn bị để làm thịt… nên họ giấu” - ông Sơn nói. Ông cho rằng chỉ đạo của Thủ tướng là việc làm cần thiết, việc lập danh sách theo dõi đàn chó, yêu cầu người nuôi chó phải khai báo số lượng, con số biến động và nuôi nhốt khó thực hiện được trong ngày một ngày hai bởi tư duy của người nuôi chó vẫn còn chủ quan, không hiểu hết tác hại của bệnh dại có thể gây ra.
“Mỗi năm, tại tỉnh Thanh Hóa có khoảng 2.500-5.000 người tới các cơ sở y tế để tiêm phòng bệnh dại. Trong năm 2016, Thanh Hóa cũng có 4 người tử vong do bị chó dại cắn. Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên để dần dần quản lý chặt đàn chó trên địa bàn. Tuy nhiên, với các huyện miền núi, đây cũng là một bài toán nan giải” - ông Sơn cho biết.
57 ca tử vong ở Việt Nam 2016
Theo thống kê của WHO, mỗi năm có khoảng 50.000 người tử vong do bệnh dại và hơn 10 triệu người phải tiêm vắc-xin phòng dại. Tại Việt Nam, bệnh dại (chủ yếu từ chó) đã lưu hành trong nhiều năm, cướp đi nhiều mạng sống. Riêng giai đoạn từ năm 2011-2015, mỗi năm có khoảng 400.000 người bị chó nghi mắc dại cắn và khoảng 90 người tử vong do bệnh dại; tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Viện Dịch tễ trung ương (Bộ Y tế) cho biết trong năm 2015 cả nước ghi nhận 394.189 người bị chó cắn phải đi điều trị dự phòng và đã có 78 người bị tử vong tại 29 tỉnh, thành phố, chủ yếu tập trung tại các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc.
Riêng trong năm 2016, cả nước ghi nhận 57 ca tử vong trên người, các trường hợp xảy ra tại 21 tỉnh, thành, trong đó có 5 địa phương có số ca tử vong nhiều nhất là Thanh Hóa, Nghệ An, Điện Biên, Bắc Giang, Sơn La.
Từ năm 2013 đến nay, tỉnh Nghệ An có 39 người tử vong do bệnh dại, trên 25.000 người bị chó cắn đã được tiêm vắc-xin phòng dại, điều trị khỏi bệnh. Điển hình như vào tháng 9-2016, tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên đã xuất hiện một ổ bệnh dại, 40 người dân bị một con chó mắc bệnh dại cắn, một người đã tử vong do không đến cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Ý KIẾN
Ông Hoàng Văn Đức - Phó Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An:
Nuôi nhốt là rất cần thiết
Trên địa bàn xã Nghi Tiến có rất nhiều hộ nuôi chó, mèo nhưng nhiều hộ không đem chó, mèo đi tiêm phòng nên khi xảy ra bệnh dại rất khó kiểm soát. Để phòng tránh bệnh dại, việc yêu cầu người dân phải báo chính quyền, phải cam kết nuôi nhốt chó trong khuôn viên là rất cần thiết.
Ông Nguyễn Thế Vinh - Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam:
Thói quen khó bỏ
Do các thôn xa trung tâm xã nên hằng năm, đến đợt tiêm phòng cho chó, mèo là UBND xã thường cử cán bộ thú y đến các thôn để triển khai tiêm phòng dại. Tuy nhiên, có một số trường hợp không tiêm được do chó, mèo chạy ra núi, không bắt được. Việc lập danh sách hộ nuôi chó, số lượng bao nhiêu thì địa phương có thể thực hiện được. Riêng việc yêu cầu chủ phải nuôi nhốt chó thì rất khó khăn bởi theo thói quen lâu nay, người dân thường thả rông chó, mèo.
Ông Hồ Thanh Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An:
Cần quản lý chặt
Cần quản lý chặt việc nuôi chó bởi hiện tại, người dân nuôi chó tự phát, chủ yếu là thả rông, khó quản lý được việc tiêm phòng nên tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dại.
Ông Nguyễn Thọ Pha - Chủ tịch UBND phường An Sơn, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam:
Chỉ tuyên truyền vận động
Việc yêu cầu các hộ dân nuôi nhốt chó là rất khó. Người dân có tập tục nuôi chó để giữ nhà nên họ thường thả rông. Việc nuôi nhốt, UBND phường chỉ tuyên truyền vận động chứ chưa có biện pháp, chế tài xử lý gì.Đ.Ngọc - Tr.Thường ghi
Bình luận (0)