GIS phục vụ khách hàng tốt hơn...
Theo kỹ sư Quách Trọng Lượng, Giám đốc Xưởng Thiết kế (Công ty Cấp nước TP), hiện nay việc quản lý các số liệu của mạng lưới cấp nước toàn TP vẫn còn thực hiện theo cách... thủ công. Toàn bộ hệ thống mạng lưới cấp nước TP hiện tại đang được chứa trong hơn 730 bản vẽ bằng giấy, khổ từ A0 đến A1, các tỉ lệ bản vẽ là 1/2000, 1/1.000, 1/500. Các bản vẽ này đã được thực hiện từ những năm 1960 - 1970, tức là trước cả khi hệ thống cấp nước sông Ðồng Nai được xây dựng. Do vậy mà hiện nay các bản vẽ này đang trong tình trạng cũ nát, rách rưới, vá víu nhiều chỗ, thậm chí có bản còn bị mất hẳn một phần nội dung. Ông Bùi Sĩ Hoàng, Phó Giám đốc Công ty Cấp nước, bức xúc cho biết do cách quản lý còn quá thủ công nên thông tin mà công ty cập nhật thường không chính xác, nhất là ở những khu vực dân cư mới phát triển. Ðiều này khiến cho công ty thường phải hỏi ngược lại khách hàng những thông tin cơ sở khi khách hàng đến xin gắn đồng hồ nước, trong khi lý ra những thay đổi, biến động về đường ống, đồng hồ nước... công ty phải biết và cập nhật kịp thời. “Ở Hải Phòng hiện nay đã áp dụng GIS. Muốn biết bất kỳ thông tin gì về cấp nước, chẳng hạn như nhà X, cơ quan Y gắn đồng hồ nước khi nào, thời điểm gắn đồng hồ áp lực nước là bao nhiêu... Công ty Cấp nước Hải Phòng đều có thể nhanh chóng trả lời được. Ðà Nẵng nghe nói cũng đang sắp có GIS trong chuyện quản lý hệ thống cấp nước. Thế mà TPHCM thì...” - ông Bùi Sĩ Hoàng than thở!
“Thật ra thì Công ty Cấp nước TP cũng có kế hoạch trang bị GIS từ hơn 5 năm trước đây”. TS Trần Vĩnh Phước, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin địa lý Trường Ðại học Bách khoa TPHCM, cho biết. Trong dự án cải tạo nâng cấp hệ thống cấp thoát nước TP thực hiện bằng vốn vay của Ngân hàng ADB vào năm 1996, theo quỹ vay số 1272-VIE (SF), Công ty Cấp nước TP đã nhận được một chương trình trợ giúp kỹ thuật (TA.1999) về tăng cường tổ chức quản lý. “Nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan, những phương tiện hiện đại này cho đến nay vẫn chưa thể phát huy được tác dụng mà vẫn còn “nằm” ở đó...”. TS Trần Vĩnh Phước nói.
Nói “không” với cách quản lý thủ công!
Theo TS Trần Vĩnh Phước, dự án “xây dựng cơ sở dữ liệu GIS phục vụ quản lý mạng lưới cấp nước TPHCM” chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn “xây dựng cơ sở GIS” (tháng 7. 2002 - 2004) sẽ tận dụng các thiết bị phần cứng và phần mềm cùng các nghiên cứu đã được thực hiện trong chương trình trợ giúp kỹ thuật TA.1999, để xây dựng cơ sở dữ liệu kỹ thuật cho mạng lưới phân phối nước hiện hữu của TP. Giai đoạn này sẽ chuyển toàn bộ các bản vẽ bằng giấy vào lưu trữ trong mạng máy tính, tự động hóa một số công tác quản lý hằng ngày (mạng bản đồ kỹ thuật, bản đồ kinh doanh...). Từ 2004- 2006 sẽ là giai đoạn có thể kết nối được với hệ thống GIS của TP (hệ thống SAGOGIS), hệ thống quan trắc tự động (SCADA). Ðây cũng là giai đoạn có thể kiểm soát đánh giá được khá chính xác tình trạng chất lượng của hệ thống cấp nước TP. Từ các đánh giá tương đối chính xác này sẽ đưa ra được những kế hoạch cải tạo, nâng cấp phù hợp cho hệ thống cấp nước.
Hiện nay, thống kê sơ bộ cho thấy do quá “già nua” nên mạng lưới cấp nước TP gây thất thoát nước khoảng hơn 30%, cá biệt khu cư xá Thanh Ða - quận Bình Thạnh mức độ thất thoát có thể đến 50%. “Chỉ cần giảm được l% thất thoát nước là chúng ta đã tiết kiệm được 10 tỉ đồng. Như vậy, khi GIS thật sự phát huy tác dụng, chúng ta sẽ giảm thiểu được đáng kể lượng nước thất thoát”. Ông Bùi Sĩ Hoàng cho biết thêm: “Ngoài ra, nhờ hệ thống GIS, chúng ta cũng sẽ xác định được chính xác nhu cầu sử dụng nước của các vùng dân cư, từ đó mà có kế hoạch nâng cấp, mở rộng cho phù hợp và hiệu quả”.
Bình luận (0)