Cụm cây di sản này gồm 20 cây xoài ngự hơn 220 tuổi nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử Quốc gia chùa Từ Quang (còn gọi là chùa Đá Trắng).
Hoà thượng Thích Đồng Tiến (trụ trì chùa Đá Trắng) cho biết khi chùa được xây dựng đã có quần thể xoài này. Những cây xoài ở đây có điểm khác lạ là hoa trắng muốt, trái chín có vàng tươi, vỏ mỏng, vị ngọt thanh, đặc biệt hương thơm dịu nhẹ. Trước đây, xoài Đá Trắng chỉ dùng để tiến vua.
Hàng ngàn người đến chùa Từ Quang xem xoài Đá Trắng.
Mỗi năm, chùa phải tiến vua từ 1.000 đến 2.000 quả. Những năm mất mùa, quan huyện lệnh cắt cử người trông coi từ khi quả còn non. Tương truyền cũng vì sự nổi tiếng của xoài Đá Trắng và việc đào tạo nên nhiều danh tăng nên vào thời vua Thành Thái, ngôi chùa ở đây được ban sắc tứ. Ở tỉnh Phú Yên hiện vẫn còn truyền nhau nhiều câu ca nói đến đặc sản xoài Đá Trắng như: “Cam Xuân Đài, xoài Đá Trắng, sắn phường lụa, cua Ô Loan”, “Rủ lên Đá Trắng ăn xoài, mua ăn tương ngọt thiên thai thiếu gì”...
Hoà thượng Thích Đồng Tiến, trụ trì chùa Từ Quang bên bia và cây xoài Đá Trắng lớn tuổi nhất
Lãnh đạo tỉnh và Ban trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Phú Yên dựng bia công nhận quần thể cây di sản xoài Đá Trắng
Ông Nguyễn Điểu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) trao bằng chứng nhận quần thể cây di sản cho tỉnh Phú Yên
Tại buổi lễ trao bằng công nhận Cụm cây di sản, ông Nguyễn Điểu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng sự kiện quan trọng này không chỉ nhằm bảo vệ một giống cây quí mà còn mang đến thông điệp nhân văn và đạo lý, bày tỏ sự biết ơn đối với các bậc tiền nhân. Dưới những gốc cây di sản ấy còn chứa đựng nhiều di sản khác, trong đó có những câu chuyện bi hùng của những người mở đất, giữ đất.
Bình luận (0)