xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quảng Bình lại chìm trong lũ

LƯƠNG DUY CƯỜNG - MINH TUẤN

Chỉ 15 ngày sau trận lụt lịch sử, đợt mưa lớn trong suốt ngày 30 và 31-10 đã làm nhiều làng quê ven hạ nguồn sông Gianh thuộc các huyện Tuyên Hóa, Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn… chìm sâu trong nước

Trong 2 ngày qua, người dân tỉnh Quảng Bình lại phải hứng chịu đợt mưa lũ lớn. Từ suốt đêm 30-10, hàng chục ngàn hộ dân ở các xã của huyện Tuyên Hóa, huyện Quảng Trạch, thị xã Ba Đồn thức trắng để di chuyển tài sản, trâu bò lên các vị trí trú tránh.

Nhiều xã ngập sâu, bị cô lập

Lúc 23 giờ ngày 30-10, thông tin từ Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Tuyên Hóa cho biết nước sông Gianh đo được tại trạm Đồng Tâm đã 10,27 m; thông tin cơ sở báo về người dân phát hiện có bò chết trôi dọc sông đoạn qua các xã Châu Hóa, Mai Hóa.

7 giờ ngày 31-10, từ thị trấn Đồng Lê, trung tâm huyện lỵ Tuyên Hóa, chúng tôi xuôi sông Gianh theo Quốc lộ 12. Đường rất khó đi vì mưa quá lớn. Nhà dân dọc hai bên đường phải đóng kín cửa. Hầu hết xe gắn máy đều không lưu thông được do mưa tạt và nước chảy rất xiết trên nhiều đoạn đường. Bí thư Đảng ủy xã Đồng Hóa - ông Lương Công Đức - thông tin qua điện thoại rằng nước ngập cầu Còi trên đường liên huyện đoạn qua xã này là 1,2 m.

Người dân tận dụng nhiều chỗ trên các cầu bắc qua sông Gianh để làm chỗ trú tránh cho trâu bò, xe máy, ô tô Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG
Người dân tận dụng nhiều chỗ trên các cầu bắc qua sông Gianh để làm chỗ trú tránh cho trâu bò, xe máy, ô tô Ảnh: LƯƠNG DUY CƯỜNG

9 giờ, nước đo được tại trạm thủy văn Mai Hóa (xã Mai Hóa) là 6,23 m (chỉ dưới mức báo động 3 là 27 cm). Gọi điện vào xã Châu Hóa (cạnh xã Mai Hóa), lãnh đạo xã cho biết đã có khoảng 70 nhà ngập trên 1 m. Hệ thống đường liên thôn gần như vô hiệu.

Chúng tôi theo thuyền của lực lượng cứu hộ vào trung tâm xã Văn Hóa. Nước ngập trụ sở UBND xã ở mức 1,75 m. Cả 3 trường học với 600 học sinh cùng trạm y tế đã ngập đến cửa sổ. Điện lưới cúp vào lúc 5 giờ sáng khiến mọi sinh hoạt của dân và lực lượng cứu hộ gặp khó khăn nên phải huy động số máy điện mà chương trình “Ánh sáng trong lũ” của Báo Người Lao Động vừa tặng để có nguồn điện tối thiểu phục vụ việc cứu hộ.

Mưa lũ còn phức tạp, khó lường

Có mặt để chỉ đạo giúp dân trong lũ tại điểm nóng xã Văn Hóa, Bí thư Huyện ủy huyện Tuyên Hóa Hoàng Minh Đề khẳng định do các xã đã làm tốt công tác phòng ngừa và thông tin cho dân kịp thời nên hầu như chưa có thiệt hại lớn. Tuy nhiên, mưa lớn dự kiến còn kéo dài 5 ngày nữa nên rất khó lường hậu quả.

Báo cáo nhanh của Văn phòng Phòng chống lụt bão huyện Tuyên Hóa, xã Văn Hóa có 300 căn nhà ngập sâu từ 1,2 m; khoảng 30 trường học của các xã Phong Hóa, Mai Hóa, Tiến Hóa, Châu Hóa, Cảnh Hóa phải tạm đóng cửa trong ngày 31-10.

Còn theo báo cáo sơ bộ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến cuối ngày 31-10, toàn huyện Tuyên Hóa có 586 ngôi nhà bị ngập sâu trên dưới 1 m; Tỉnh lộ 559 và nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã ở vùng thấp bị ngập. Ước tổng thiệt hại ban đầu trên 526 triệu đồng.

Tại huyện Quảng Trạch, gần 150 hộ dân của các xã Cảnh Hóa, Phù Hóa bị ngập; hầu hết các tuyến đường liên thôn bị ngập và chia cắt. Cầu phao qua thôn Thuận Hòa, xã Quảng Trường bị đứt dây trôi dạt gây khó khăn cho việc đi lại của nhiều hộ dân. Mưa lớn khiến thôn Vĩnh Sơn (xã Quảng Đông) bị chia cắt do đường ngập sâu và bị sạt lở đất đá. Còn tại thị xã Ba Đồn, nhiều nhà ở xã ven sông Gianh như: xã Quảng Tiên, Quảng Trung, Quảng Lộc, Quảng Hải... ngập sâu 1,5m.

Chưa khắc phục xong hậu quả đợt mưa lũ lớn vào trung tuần tháng 10, người dân Quảng Bình lại đang phải gồng mình gánh thêm đợt mưa lũ mới với trăm bề khó khăn.

Thủy điện Hố Hô tiếp tục xả nước, nhiều xã bị cô lập

Trong các ngày 30 và 31-10, trên địa bàn huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) có mưa to đến rất to, thêm vào đó từ đêm 30-10, thủy điện Hố Hô tiếp tục xả lũ khiến mực nước các sông dâng cao và làm các xã Phương Mỹ, Phương Điền và Hà Linh bị nước lũ cô lập. Ngoài 3 xã trên, ông Hoàng Xuân Tần, Chủ tịch UBND xã Phương Mỹ, cho biết nước lũ đổ về nhanh còn gây ngập sâu nhiều xã khác của huyện Hương Khê như xã Hương Giang, Hương Thủy, Lộc Yên và Hương Trạch. Tình hình ngập lụt cũng xảy ra ở nhiều địa phương khác của huyện Kỳ Anh.

Đ.Ngọc

Nguy cơ xảy ra lũ lớn, lũ quét

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, từ ngày 31-10 đến 5-11, trên các sông từ Nghệ An đến Ninh Thuận xuất hiện lũ và trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Nghệ An đến Ninh Thuận dâng lên; nguy cơ cao xảy ra lũ lớn, lũ quét trên các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ tại vùng trũng, thấp các tỉnh trên.

Trước tình hình trên, ngày 31-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các bộ, ngành, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành ven biển từ Nghệ An đến Ninh Thuận, đề nghị chủ động các biện pháp đối phó. Theo đó, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân nhằm chủ động các biện pháp phòng tránh; tổ chức kiểm soát, rà soát những khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, sẵn sàng triển khai các phương án sơ tán người và tài sản đến nơi an toàn.

D.Quốc

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo