xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quảng cáo: Dao 2 lưỡi

Thùy Trang

Quảng cáo nếu độc đáo thì hiệu quả kinh doanh sản phẩm sẽ tăng vọt; còn ngược lại sẽ khiến người dùng nghi ngại, thậm chí tẩy chay

Hình ảnh người đàn ông lướt trên mặt nước với phong thái đĩnh đạc xuất hiện trên YouTube cách đây không lâu đã gây một cơn sốt thực sự. Theo Discovery, gần 10.000 người đã cố thử xem con người có thể đi trên mặt nước hay không. Chính kênh truyền hình này cũng thực hiện cả một phóng sự dài để lý giải việc “có không, con người có thể đi trên mặt nước?” rồi phát sóng khắp thế giới. Song, tất cả đều thất bại, trừ người đầu tiên khuấy động cơn sốt “đi trên mặt nước” ở YouTube!

Ý tưởng độc đáo

Thế là công chúng và giới chuyên môn lao vào mổ xẻ đoạn clip “đi trên mặt nước”. Người ta bỗng hiểu ra vấn đề khi phát hiện máy quay tập trung ghi hình đôi giày trong chưa đầy 1/4 giây. Ở góc ngoài đôi giày, chữ N. nhỏ như đầu tăm lý giải mọi thắc mắc. Thực tế, thương hiệu N. muốn giới thiệu dòng sản phẩm siêu nhẹ của mình và họ đã nghĩ ra một ý tưởng quảng cáo độc đáo.

 

Ảnh quảng cáo một trung tâm hẹn hò này được bình chọn là một trong 10 mẩu hay nhất thời đại Ảnh: INTERNET
Ảnh quảng cáo một trung tâm hẹn hò này được bình chọn là một trong 10 mẩu hay nhất thời đại Ảnh: INTERNET

 

Trên mặt hồ khi quay quảng cáo, N. thuê một lúc 10 diễn viên để thực hiện. Người ta dựng sẵn những khung đỡ nằm bên dưới mặt nước. Với sự hỗ trợ của ánh sáng, diễn viên chạy trên khung đỡ được dựng sẵn. Chỉ một người nổi bật nhất trong số các diễn viên này được chọn “đi trên mặt nước”.

Khi có những đoạn phim như ý, ê-kíp thực hiện quảng cáo cho N. liền sử dụng bàn tay phù thủy để cắt ghép. Rồi khi đoạn phim hoàn hảo được tung ra, người xem thấy nó hợp lý đến mức tin rằng con người có thể đi trên mặt nước. Nhiều người đã bắt chước các hình ảnh trong phim vì tin vào những gì họ được chứng kiến.

Khi sự thật được phơi bày, N. ngồi rung đùi hưởng lợi bởi lợi nhuận khổng lồ mà sản phẩm giày siêu nhẹ không thấm nước của họ đem về. Đoạn phim quảng cáo này đã được tôn vinh tại Giải thưởng Cannes Lions - liên hoan giải thưởng quảng cáo lớn nhất thế giới tổ chức hằng năm ở TP Cannes - Pháp.

Thương hiệu R. mới đây cũng ghi thêm tên tuổi vào danh sách vàng của lĩnh vực quảng cáo bởi những tấm áp phích do các nghệ sĩ đồ họa chuyên thiết kế hàng đầu thế giới thực hiện. Những tấm áp phích giới hạn số lượng được các họa sĩ ký tên và đánh số từng tờ càng khiến chiến dịch quảng cáo của R. thêm đẳng cấp. Thế nhưng, đó vẫn chưa là gì so với những đoạn video được phát trên YouTube trước khi người xem phát hiện ra chúng quảng cáo cho mắt kính R.

Diễn viên trong mẩu quảng cáo là các ảo thuật gia với trò biến mất của một chiếc mắt kính đen. Sự biến hóa tài tình theo kiểu ảo thuật thu hút công chúng đến mức người ta lao vào mổ xẻ clip này từ mọi góc độ để tìm bí quyết biến hóa chiếc kính. Kèm theo clip gốc của các ảo thuật gia nổi tiếng là hàng ngàn clip do người xem thực hiện. Một lần nữa, Discovery lại vào cuộc rồi kết luận: Đây là một mẩu quảng cáo thông minh và tinh vi của R.

Cách đây không lâu, đoạn phim về một cô bé dễ thương điều khiển chiếc ô tô S. đã thu hút 1 triệu lượt xem trên YouTube với hàng loạt bình luận khen ngợi chỉ sau 2 tuần ra mắt. Với đoạn quảng cáo ngắn ngủi chỉ đúng 30 giây, hãng H. đã đem tới cho người xem cảm giác mạnh về sự an toàn của tài xế siêu nhí và cả người còn lại ngồi trong xe là cha cô bé. Đây chỉ là một thủ thuật quay phim và là ý đồ thông minh của đạo diễn. Dù chưa đạt tới độ quảng cáo như thật nhưng đoạn phim của hãng H. cũng đã tạo nên cơn sốt nhẹ trong cộng đồng mạng.

Còn hằng hà những mẩu quảng cáo như thế. Đầu tư cho quảng cáo là điều tất yếu trong quá trình phát triển thương hiệu. Song, quảng cáo đến mức khiến người khác tin đó là thật thì quả là độc đáo.

Nghèo nàn, phản cảm

Trái với những tuyệt tác quảng cáo nêu trên, khán giả Việt Nam ngày càng chán ngán với quảng cáo trong nước. Trên truyền hình nhan nhản những mẩu quảng cáo nghèo nàn về ý tưởng, khoa trương về ý đồ và lộ liễu về giá trị sản phẩm.

Gần đây, cư dân mạng bàn tán rôm rả về mẩu quảng cáo sữa tắm do N.T thể hiện. Ưu thế hình thể đã được cô người mẫu khai thác triệt để trong mẩu quảng cáo này. Song, sự phô bày cơ thể quá mức cần thiết khiến mẩu quảng cáo trở nên thô thiển, phản cảm. Những động tác uốn éo, lột đồ chẳng thể hiện chút ý tưởng hay trí tuệ gì ngoài mục tiêu duy nhất là khoe thân.

Cách đây không lâu, N.T cũng gây xôn xao khi nhận lời làm đại diện cho một thương hiệu mì ăn liền. Ngoài chuyện cát-sê bạc tỉ, cô phải “hứng đá” vì diện đồ thiếu vải, mỏng manh khi thực hiện quảng cáo. N.T chưa bao giờ ngại cởi và mẩu quảng cáo mới đây nhất của cô là mặc bikini quảng cáo cho một hãng hàng không. Đây là một mẩu quảng cáo đẹp nhưng có điều, ý tưởng này bị phát hiện ăn cắp nguyên bản từ một hãng hàng không ở Ý cách đây nhiều năm.

N.T từng vấp phải phản ứng mạnh từ dư luận khi tham gia chiến dịch quảng cáo cho một loại đồ uống năm 2012. Theo ý tưởng của nhà sản xuất, cô cùng các người mẫu H.Y, Y.T diện đồ kiệm vải và không ngại tạo dáng gợi cảm khi đổ nước uống lên người. Khi những hình ảnh hậu trường của clip quảng cáo này xuất hiện trên internet, 3 người đẹp càng bị chỉ trích nhiều hơn. Đa phần ý kiến đều cho rằng những cử chỉ của 3 người mẫu thiếu tính nghệ thuật nhưng có thừa sự phản cảm và gợi dục.

Tham gia chiến dịch PR cho một thương hiệu bánh, T.N.H xuất hiện cùng C.T.S và D.N. Cảnh C.T.S mát-xa cho T.N.H cùng những biểu hiện cảm xúc khá “nặng đô” của 2 người sau đó khiến khán giả thấy nhức mắt. Đỉnh điểm của sự phản cảm là khi C.T.S bỏ rơi T.N.H để tới liếm môi D.N chỉ vì một miếng bánh. Nội dung quảng cáo nghèo nàn và ý đồ câu khách lộ liễu của clip này khiến bộ 3 nhân vật chính vướng nhiều tai tiếng.

Bên cạnh đó là vô số mẩu quảng cáo với ý tưởng nghèo nàn hay lệch lạc. Nhiều slogan, câu nói quảng cáo vô nghĩa, thậm chí sai nghĩa, đã vấp phải sự phản ứng kịch liệt của người xem.

Không chỉ ở Việt Nam, những mẩu quảng cáo vô duyên còn xuất hiện ở nhiều nước. Mới đây tại Trung Quốc, những tín đồ mua sắm và hay lướt web gần như phát sốt vì tò mò khi “lạc” vào một cửa hàng giày online - nơi đăng tải 48 bức ảnh thiếu nữ nude cùng những đôi giày thể thao. Mỗi ngày có không dưới 100.000 lượt người xem trang web mua bán này.

Trả lời phỏng vấn tờ Tin tức Giang Tô, ông chủ cửa hàng cho biết nhờ mẩu quảng cáo này mà công việc kinh doanh của ông thuận lợi hơn nhiều. Ngược lại, dư luận đã không ngừng công kích cách quảng cáo của cửa hàng này. “Thời buổi khó khăn, người ta chỉ cần tiền mà không quan tâm đến trí tuệ nữa. Quảng cáo nếu độc đáo thì hiệu quả kinh doanh sản phẩm sẽ tăng vọt; còn ngược lại sẽ khiến người dùng nghi ngại, thậm chí tẩy chay” - một người thẳng thắn. 

 

Cố tình tạo hiệu ứng ngược

Theo đạo diễn Phạm Hoàng Nam, Giám đốc Công ty AV, mẩu quảng cáo trước hết phải nằm trong chiến dịch lớn về phát triển thương hiệu mới, có tính phát triển và độc đáo nếu là thương hiệu quen thuộc nhưng cần hâm nóng.

“Những mẩu quảng cáo bị chê thường là do chủ quan trong quá trình đi điều nghiên trước và sau khi phát sóng hoặc in ấn hay cố tình gây sốc, gây tò mò khác biệt nhưng không lường trước được hậu quả phản ứng của khán giả, của đối tượng tiêu dùng mà nó nhắm tới. Cũng có khi nhà sản xuất cố tình tạo hiệu ứng ngược từ những phản ứng của khán giả và dư luận để tạo sự chú ý. Ngành quảng cáo có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển thương hiệu và hiệu quả kinh doanh sản phẩm. Vì quan trọng như thế nên mỗi thương hiệu đều đầu tư rất nhiều kinh phí cho quảng cáo. Tuy nhiên, hiệu quả thế nào còn phụ thuộc vào những đầu óc sáng tạo và nhạy bén của những người thực hiện” - đạo diễn Phạm Hoàng Nam nhìn nhận.

Theo đạo diễn này, vì sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và sự cạn kiệt của ý tưởng, ngành quảng cáo cũng có khi rơi vào những thời điểm khủng hoảng như những ngành khác. “Điều quan trọng nhất là quảng cáo dù mang màu sắc thương mại đến đâu cũng cần có văn hóa, có nghệ thuật. Nếu không, nó chỉ là một đống rác nhiều màu trên các phương tiện truyền thông mà hằng ngày người dân phải chịu đựng một cách bắt buộc” - đạo diễn Phạm Hoàng Nam nói.

 

Phải nhân văn, gây dấu ấn

Ông Nguyễn Ngọc Thụy, một người quản lý truyền thông nhãn hiệu, cho rằng quảng cáo là nhằm tạo ấn tượng và xây dựng hình ảnh sản phẩm trong tâm trí người tiêu dùng. “Tính hiệu quả của các tác phẩm quảng cáo là ngoài việc truyền thông tin, mang tính nghệ thuật, nó còn cần phải mang tính nhân văn, tạo dấu ấn đối với  người tiêu dùng. Nhiều khi các quảng cáo quá chú trọng tính nghệ thuật nhưng quên mất tính truyền thông điệp hoặc tính nhân văn. Đã có một số sản phẩm dùng các quảng cáo phản cảm, gây ấn tượng không tốt đối với người tiêu dùng khi quên chú ý một số điểm như: Câu chuyện mang tính không thật, vi phạm một số cấm kỵ về tôn giáo, vi phạm một số thông điệp mang tính xã hội như bảo vệ môi trường, động vật quý hiếm” - ông dẫn chứng.

 

Mẩu quảng cáo cho Ngày Thực phẩm toàn cầu 16-10 được dư luận đánh giá cao
Mẩu quảng cáo cho Ngày Thực phẩm toàn cầu 16-10 được dư luận đánh giá cao

 

Theo ông Thụy, quảng cáo như con dao 2 lưỡi. Những mẩu quảng cáo tạo dấu ấn xấu hay tốt rất dễ xoay chiều tùy theo môi trường xã hội. Do vậy, một mẩu quảng cáo ấn tượng cần thể hiện kết hợp giữa 3 yếu tố: Thông điệp, nghệ thuật và tính nhân văn.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo