xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quảng cáo trên xe buýt: Làm nhanh kẻo phí!

THU HỒNG

Khởi động lại từ năm 2014 nhưng đến nay, đề án thí điểm quảng cáo bên ngoài thân xe buýt ở TP HCM vẫn chưa thể triển khai, trong khi mỗi năm có thể thu về hàng trăm tỉ đồng

Đây là đề án tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, chỉ trong năm 2014, đã diễn ra hàng chục cuộc họp giữa các sở Giao thông Vận tải (GTVT), Tài chính, Văn hóa - Thể thao và UBND TP. Đề án cũng phải chỉnh sửa nhiều lần và cuối cùng gút lại là chỉ thí điểm trên 10 tuyến với 156 xe buýt.

Không nên đặt nặng nhiều tiểu tiết

Về nội dung quảng cáo, ngoài tuân thủ các quy định của Luật Quảng cáo, đề án nói trên cho rằng hình thức, nội dung và màu sắc quảng cáo trên xe buýt được Sở Văn hóa - Thể thao quy định cụ thể.

Ngoài ra, hình thức quảng cáo phải tuân thủ các nguyên tắc: Chỉ quảng cáo hàng Việt, ưu tiên hàng Việt Nam chất lượng cao; nội dung quảng cáo sử dụng hoàn toàn bằng tiếng Việt; hạn chế màu đỏ và các màu sắc trùng lắp với hệ thống biển báo giao thông; hình ảnh quảng cáo không quá 50% diện tích mỗi bề mặt của vỏ thân xe buýt...

 

Quảng cáo trên xe buýt có thể mang về hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU

Quảng cáo trên xe buýt có thể mang về hàng trăm tỉ đồng mỗi năm cho TP HCMẢnh: HOÀNG TRIỀU

 

Nhận xét về các quy định này, ông Nguyễn Quý Cáp, Chủ tịch Hội Quảng cáo TP HCM, cho rằng quy định quá tiểu tiết như vậy sẽ không hấp dẫn được khách hàng. “Đây là nhu cầu của xã hội và cứ áp theo luật mà làm, không nên quá dè dặt” - ông Cáp nêu quan điểm.

Theo ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc Liên hiệp HTX Vận tải TP, không cho quảng cáo các nhãn hàng nước ngoài chẳng khác nào đánh mất khách hàng, nếu chỉ dành cho nhãn hàng trong nước thì e rằng mục tiêu thu về 170 tỉ đồng mỗi năm không đạt được. Ông Hải cho rằng chỉ nên hạn chế quảng cáo những nhãn hàng làm mất mỹ quan đô thị hoặc ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục...

Chưa kể, Sở GTVT đề xuất nên cho phép quảng cáo từ thân lên cả kính xe và sử dụng decal lưới nên bên trong nhìn ra ngoài vẫn rõ, đồng thời giúp tăng diện tích và chi phí quảng cáo nhưng Sở Văn hóa - Thể thao lại không đồng tình bởi lo ngại nguy cơ khủng bố xảy ra bên trong xe thì hình ảnh quảng cáo khiến bên ngoài không nhìn thấy, chưa kể khi mở cửa xe sẽ làm hình ảnh quảng cáo bị biến dạng.

Theo TS Phạm Sanh, chuyên gia giao thông, không nên hạn chế diện tích quảng cáo bởi ở các nước như Mỹ, Pháp, Singapore..., quảng cáo có thể trùm lên cả chiếc xe nhìn rất hấp dẫn và lạ mắt. “Nếu Sở Văn hóa - Thể thao lo ngại thì cứ xem thử mô hình của các nước, kinh nghiệm cho thấy họ vẫn hoạt động bình thường và không có vấn đề gì về mặt chính trị” - TS Phạm Sanh nói.

Khởi động chậm, mất tiền tỉ

Việc UBND TP khởi động lại đề án lần này được xem là chậm trễ vì quá cẩn trọng bởi luật pháp Việt Nam không cấm quảng cáo bên ngoài thân xe buýt. Đây là đề án phải mất 7 năm mới nên hình bởi từ năm 2007, Sở GTVT đã bắt tay xây dựng với nguồn thu dự kiến 100 tỉ đồng/năm. Tháng 6-2009, UBND TP có quy định “cấm quảng cáo các mặt bên ngoài phương tiện giao thông, phương tiện vận tải” cộng thêm một số quy định của Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho rằng quảng cáo trên phương tiện giao thông là trái pháp luật nên mãi đến năm 2013 khi Luật Quảng cáo có hiệu lực cho phép phương tiện giao thông được quảng cáo thì TP HCM mới khởi động lại đề án trên.

Thế nhưng, quảng cáo trên xe buýt thật ra không mới mẻ gì bởi hơn chục năm trước, TP đã triển khai việc này trên những chiếc xe khách loại 54 chỗ và mang lại hiệu quả nhất định.

Nói về mô hình quảng cáo triển khai từ năm 1992, ông Nguyễn Văn Triệu - Chủ nhiệm HTX 19-5, đơn vị có tham gia - cho biết xe buýt lúc đó không phụ thuộc vào trợ giá nhà nước nên mọi hoạt động quảng cáo do chủ xe quyết định và thu lợi nhuận. Qua nhiều năm cho thấy hiệu quả rất tốt, không nảy sinh vấn đề gì đáng lo ngại về an toàn giao thông hay thuần phong mỹ tục; hầu hết các xe có quảng cáo đều được tân trang, tu bổ rất đẹp, sạch sẽ... Đến năm 2002, dự án 1.318 xe buýt ra đời thì mới chấm dứt quảng cáo trên xe buýt.

Theo ông Nguyễn Ngọc Giao, Phó trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT, người trực tiếp xây dựng đề án thí điểm này, việc quảng cáo cũng không lạ lẫm gì với Sở GTVT bởi hơn 500 nhà chờ xe buýt đã hợp đồng cho thuê quảng cáo hơn 10 năm nay và hiệu quả rất cao.

“Thời cơ đã qua mất rồi bởi tình trạng kinh tế đang trì trệ. Nếu triển khai từ năm 2007 thì mỗi năm trợ giá cho xe buýt giảm 100 tỉ đồng - một con số không nhỏ” - ông Lê Trung Tính, nguyên Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ Sở GTVT, nhận định. Ông Tính cho biết ở hầu hết các nước, người ta đều sử dụng hình thức quảng cáo này nhằm tận thu cho ngân sách của ngành vận tải công cộng. Ví dụ, ở TP Lyon thuộc vùng Rone Alpes - Pháp, tổ chức Syltral đã thu từ nguồn quảng cáo khoảng 6% (trong khi doanh thu từ vé chỉ đạt 21%) nên đã góp phần rất lớn trong việc không tăng giá vé xe buýt.

Nên bỏ tư duy bao cấp, ôm đồm

Ông Nguyễn Quý Cáp cho rằng đến giờ này, TP HCM mới triển khai thí điểm quảng cáo thì chưa chắc doanh thu hằng năm đạt 170 tỉ đồng như dự kiến. Hiện nay, khách hàng có rất nhiều kênh quảng cáo nên loại hình quảng cáo trên xe buýt nếu giá quá cao (từ 60 triệu đồng/xe/năm) thì sẽ không thu hút nhà đầu tư. “Theo tôi, quảng cáo được trên 1.000/3.000 xe buýt của TP là đạt yêu cầu lắm rồi” - ông Cáp chia sẻ.

Ngoài thời cơ đã qua, hiện hầu hết các phương tiện đều cũ kỹ, xuống cấp, sắp hết đời trong vài năm tới cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng thu hút quảng cáo. Theo ông Phùng Đăng Hải, hầu hết nhà đầu tư chỉ chọn phương tiện mới, sạch đẹp để tôn vinh hình ảnh sản phẩm của công ty họ, phương tiện cũ kỹ thì chẳng ai dám quảng cáo nên con số 170 tỉ đồng/năm là không khả thi. Vừa qua, một tín hiệu vui là cả trăm xã viên của Liên hiệp HTX đăng ký mua xe chạy bằng khí ga mới của Samco nhưng một số chính sách bất nhất của TP và Sở GTVT (Báo Người Lao Động đã có bài phản ánh) khiến xã viên nhụt chí và thoái lui.

Về doanh thu quảng cáo các doanh nghiệp, HTX xe buýt thống nhất giao về ngân sách TP, vậy liệu có khuyến khích xã viên chăm chút xe của họ? Ông Phùng Đăng Hải cho rằng nếu được chia doanh thu từ quảng cáo thì tính ra số tiền xã viên hưởng chỉ vài triệu đồng/năm - không đáng là bao. Do đó, xã viên ủng hộ chủ trương quảng cáo và sẵn sàng hợp tác nhưng UBND TP và Sở GTVT nên tính toán lại mức trợ giá hiện nay bởi chi phí định mức cho xe buýt áp dụng từ năm 2008 đã quá lạc hậu. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quảng cáo, xã viên không chịu ràng buộc trách nhiệm nào với đơn vị quảng cáo, trong trường hợp xảy ra sự cố, đơn vị quảng cáo phải hợp tác giải tỏa nhanh để xe hoạt động.

Việc quảng cáo trên xe buýt không chỉ một vài năm mà cần tư duy dài hơi, theo TS Phạm Sanh, ở nhiều nước, chính quyền không phải can thiệp quá sâu và cũng không phải mất nhiều thời gian bàn bạc, tính toán chi tiết về nội dung, hình thức quảng cáo... mà khoán cho nhà đầu tư trúng thầu tuyến xe buýt đó. “Ví dụ, nhà nước mở thầu tuyến xe buýt trong gói thầu bao gồm luôn cả việc quảng cáo cho phép nhà đầu tư tận dụng để bù đắp, kiếm thêm chi phí làm sao để phương tiện hoạt động tốt nhất. TP HCM nên tham khảo cách làm này, nên bỏ tư duy bao cấp, ôm đồm” - TS Phạm Sanh đề xuất.

 

Không ảnh hưởng mỹ quan đô thị

Ông Đàm Trọng Cường, nguyên Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Dương, cho biết từ năm 2007, tỉnh này đã cho quảng cáo trên xe buýt. “Lúc đó, TP HCM không cho quảng cáo trên xe buýt vì sợ ảnh hưởng không tốt đến mỹ quan đô thị. Còn ở Bình Dương, khi chúng tôi đề xuất phương án thì không gặp phản đối gì nên cho triển khai luôn. Thực tế, việc quảng cáo trên xe buýt ở Bình Dương không thấy ảnh hưởng gì xấu đến mỹ quan đô thị” - ông Cường nói.

Ông Cường cho biết Bình Dương không trợ giá xe buýt. Để bù đắp phần nào chi phí cho doanh nghiệp xe buýt, tỉnh cho họ tự tìm đối tác, thu tiền quảng cáo. Đối tác muốn quảng cáo mặt hàng gì, diện tích chiếm bao nhiêu phần trăm thân xe buýt đều phải qua Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch xét duyệt.

Tại Khánh Hòa, từ nhiều năm nay, xe buýt đều được phép quảng cáo ở thân xe. Đây là quyền của doanh nghiệp, nội dung quảng cáo phải được cơ quan chức năng cấp phép theo quy định. Toàn bộ kinh phí thu được từ việc quảng cáo đều do đơn vị kinh doanh vận tải tự quyết định.

N.Phú - K.Nam

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo