Nghĩ đến là không ngủ được
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, cho biết: “Dư chấn trận động đất nổ vang như sấm rền trước mưa dông, bức tường trụ sở làm việc ở huyện cũng rung rinh theo”.
Cùng thời điểm này, nhiều người dân ở thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My cũng nghe tiếng khóc thét của nhiều học sinh trường THCS Nguyễn Du. Hốt hoảng, các em đã chạy tán loạn ra trước khu vực sân trường học.
Trận động đất mạnh cũng đã gây rung chuyển các huyện: Nam Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn và nhiều xã của huyện Bắc Trà My.
Bà Dương Thị Thuyền (60 tuổi), bán cà phê gần đập thủy điện Sông Tranh 2, lo lắng: “Chỉ trong vòng 4 ngày mà dân ở đây phải chịu đến 10 trận động đất làm mọi người mất ăn, mất ngủ. Tôi khẳng định với các anh rằng, lúc chưa có thủy điện, dân ở đây sống rất yên ổn, buôn bán, kinh doanh rất tốt. Nhưng khi có thủy điện thì ngày qua ngày nỗi lo đè nặng lên người dân chúng tôi.
Nghĩ đến là không sao ngủ được, nhỡ xảy ra chuyện gì không biết chạy đi đâu cho kịp. Dân chỉ mong muốn chính quyền cần phải có phương án sẵn sàng di dời dân nếu có xảy ra sự cố”.
Động đất liên tiếp khiến người dân sống gần khu vực thủy điện Sông Tranh 2 hoang mang, sợ hãi
Sáng nay, Viện vật lý Địa cầu cũng đã xác nhận: Vào lúc 9 giờ 26 phút tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2, huyện Bắc Trà My đã xảy ra một trận động đất với cường độ 4,2 độ richter, độ chấn tiêu 10 km.
Như vậy, từ ngày 3 đến sáng nay, khu vực này đã xảy ra đến 13 trận động đất lớn, nhỏ.
Tổng cộng từ tháng 8-2011 đến nay, các Trạm quan trắc, máy đo gia tốc đã ghi nhận đến 59 trận động đất lớn, nhỏ, trong đó có hai trận động đất với cường độ lớn, 4,2 độ richter.
Theo nhận định của các nhà khoa học, những ngày qua động đất liên tục xảy ra tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2 có thể do hai nguyên nhân: Hoạt động kiến tạo địa chất, đới đứt gãy đang hoạt động mạnh và động đất kích thích do nước lũ bắt đầu tràn về hồ chứa sau thời gian rút nước để xử lý sự cố thấm ở đập thủy điện này.
Bà Dương Thị Thuyền: Từ ngày có thủy điện, chúng tôi luôn sống trong lo sợ
Huyện sẽ tính đến phương án an dân
Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Tâm lý người dân lúc này gần như hoảng loạn hết. Chính quyền huyện chỉ biết trấn an người dân bằng cách tuyên truyền thôi chứ về khoa học không thể kết luận được. Đợt rung chấn lần này có cường độ khá mạnh, mạnh hơn tất cả các đợt rung chấn đã xảy ra trước đây.
Huyện muốn trực tiếp đi kiểm tra bên trong đường hầm nhưng hiện giờ mực nước ở đập thủy điện còn thấp, chừng nào mực nước ở đập đạt mức 160m thì lúc đó lãnh đạo huyện sẽ tổ chức đi kiểm tra. Nếu còn hiện tượng rò rỉ nước, vẫn thấm, không đảm bảo an toàn… thì chúng tôi sẽ kiến nghị không cho tích nước".
Ông Phong nói thêm: "Nghe nói sáng cùng ngày (7-9), đoàn của Bộ Khoa học Công nghệ vào kiểm tra việc xảy ra động đất, nhưng đến 15 giờ cùng ngày vẫn chưa thấy đoàn xuất hiện. Sau khi đoàn kiểm tra của Bộ Khoa học Công nghệ kiểm tra xong mà nếu không có kết quả cụ thể đến trấn an người dân, thì huyện sẽ tính đến phương án an dân là trên hết, chứ không để càng ngày dân càng lo lắng cho việc động đất này ảnh hưởng đết việc sản xuất, kinh doanh”.
Người dân huyện Bắc Trà My ở ngoài đường nhiều hơn trong nhà vì lo sợ sập nhà khi xảy ra động đất.
Còn ông Lê Trí Tập, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, lo ngại: Động đất liên tục trong thời gian qua tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 chứng tỏ nơi đây có vấn đề. Nếu Hội đồng nghiệm thu nhà nước vẫn khẳng định đập đã an toàn rồi thì nên cho người dân biết mức độ an toàn đó là bao nhiêu năm để chính quyền, người dân có sự chuẩn bị.
“Ngoài ra, tôi còn có một loạt câu hỏi đặt ra cho các cơ quan có trách nhiệm giải thích rõ bằng luận cứ khoa học để người dân an tâm hơn. Cụ thể, tại sao khi chưa có thủy điện thì không có động đất, còn bây giờ diễn ra động đất lúc có thủy điện? Các nhà khoa học nói là do động đất kích thích và sẽ giảm dần nhưng vì sao bây giờ lại ngày một nhiều và mạnh lên? Ai dám chắc động đất sẽ không mạnh lên theo thời gian và ảnh hưởng đến đập thủy điện?”, ông Tập nói.
Được biết, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã chỉ đạo cho Ban chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam làm việc với các đơn vị thủy điện trên địa bàn đề nghị nhanh chóng xây dựng các cột mốc, trạm cảnh báo lũ vùng hạ du các công trình thủy điện.
Mục đích của việc trên là nhằm cảnh báo và giảm thiểu những thiệt hại do bão lũ gây ra.
UBND tỉnh cũng yêu cầu việc xả lũ của các hồ thủy điện cần có sự phối hợp giữa đơn vị quản lý thủy điện, chính quyền địa phương một cách khoa học, dự lường được mọi tình huống xấu để có “kịch bản’ đối phó, đặc biệt là đối với thủy điện Sông Tranh 2.
Bình luận (0)