Chiều 21-4, ông Lê Chí - Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam - cho biết sau vụ nhiều người dân thuê xe chở đất lấp ống cống xả thải từ KCN Bắc Chu Lai ra môi trường vào sáng 20-4 (Báo Người Lao Động đã thông tin), Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai đã làm việc với chính quyền địa phương và nêu ra một số giải pháp. Tuy nhiên, vụ việc vẫn chưa đi đến đâu, trong khi người dân địa phương cho biết sẽ không cho phép thông cống đến khi nào KCN có biện pháp khắc phục ô nhiễm.
Theo người dân thôn Thọ Khương, xã Tam Hiệp, việc KCN Bắc Chu Lai xả thải trực tiếp ra môi trường khiến dòng nước đen ngòm, cá chết trắng mới đây như giọt nước làm tràn ly khiến những bức xúc của họ không thể kìm nén, buộc phải “tự xử”. Từ khi có KCN Bắc Chu Lai, nhà máy mọc lên ồ ạt và cũng từ đó, môi trường ô nhiễm nặng nề. Các nhà máy thường xuyên xả thải chưa qua xử lý vào đêm tối hoặc lúc có mưa lớn. Nước thải theo đường cống tiêu chảy lênh láng ra đồng ruộng, vào tận khu dân cư. Người dân đi làm đồng về thường bị ngứa. Trâu bò uống nước kênh mương thường mắc bệnh. Người dân địa phương cũng không dám ăn cá vì sợ mang bệnh…
Ông Nguyễn Ngọc Truyền, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết UBND tỉnh đã chỉ đạo giải quyết việc KCN Bắc Chu Lai gây ô nhiễm. Theo ông Nguyễn Viễn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Quảng Nam, do chưa có kết quả quan trắc môi trường nên chưa tiến hành xử phạt các nhà máy gây ô nhiễm tại thôn Thọ Khương. Trong chiều 21-4, Tỉnh ủy Quảng Nam đã có buổi làm việc với KCN này để giải quyết những vướng mắc về ô nhiễm.
Ông Võ Hồng, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Nam, cho biết những năm qua, Quảng Nam đã hình thành nhiều KCN, cụm công nghiệp (CCN), thu hút nhiều dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc đầu tư nhanh và nhiều trong một thời gian ngắn đã tác động xấu đối với môi trường. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng để thu gom, xử lý chất thải ở nhiều KCN, CCN chưa được quan tâm đúng mức.
Theo ông Hồng, một số doanh nghiệp, cơ sở chủ yếu coi trọng tăng trưởng lợi nhuận, chưa thực sự quan tâm đến việc bảo vệ môi trường, thậm chí nhiều đơn vị còn tìm cách né tránh, lách luật. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại lúng túng trong việc xử lý. Việc xử lý doanh nghiệp gây ô nhiễm còn gặp nhiều khó khăn do chồng chéo chức năng, nhiệm vụ giữa ban quản lý khu kinh tế, CCN với cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.
Kết quả giám sát về tình hình thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh thực hiện gần đây rất đáng báo động. Toàn tỉnh chỉ có 5/9 KCN và 3/108 CCN được phê duyệt báo cáo tác động môi trường. Các KCN, CCN còn lại chưa lập hồ sơ đánh giá tác động môi trường theo quy định vẫn được phép hoạt động.
Kết quả giám sát cho thấy ngoài các KCN Tam Hiệp, Bắc Chu Lai, Điện Nam - Điện Ngọc tự báo cáo giám sát môi trường, hiện còn 3 KCN và 48 CCN chưa thực hiện quan trắc môi trường theo quy định. “Đây là một thực tế rất đáng báo động đối với tỉnh Quảng Nam. Nếu không có biện pháp căn cơ để thay đổi thì chỉ trong vòng 10 năm nữa, hậu quả sẽ khó lường và chính người dân sẽ lãnh đủ” - ông Hồng lo ngại.
Bình luận (0)