xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quảng Nam: mưa lũ ác liệt, vượt ngưỡng năm 1999

Bài, ảnh: Kim Sơn

(NLĐO) - Trong 2 ngày qua, mưa lớn đã liên tục dội nước xuống các vùng quê Quảng Nam. Mực nước các sông trên địa bàn tỉnh dâng cao vượt mức báo động 3, gây ngập lụt trên diện rộng. Lũ đã vượt qua ngưỡng lịch sử năm 1999, nhiều nơi cao hơn đỉnh lũ năm 1964. * Hàng ngàn phương tiện giao thông bị kẹt trên QL 1A. * Hơn 1.000 bộ đội đã được triển khai. * Miền Trung “tê liệt”. Phố hoá sông.

Lũ nhấn chìm vùng Tây

Thiệt hại nặng nhất là các huyện thị như Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An. Tại xã Đại Lãnh (Đại Lộc), nước của đợt lũ trước chưa kịp rút thì cả đêm 11 và 12-11 mưa xối xả trút nước xuống dòng sông Côn, làm cho thị tứ miền Tây này bị ngập sâu dưới 3 m nước.

Từ 14 giờ ngày 11-11, huyện Đại Lộc đã hoàn toàn bị tê liệt cả về giao thông lẫn thông tin liên lạc. Trao đổi qua điện thoại, ông Phan Đức Tính - Phó chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: 90% nhà dân ở vùng thấp trũng ven sông các xã Đại Lãnh, Đại Hồng, Đại Đồng đã bị ngập sâu trong.

Huyện Quế Sơn cũng bị nước lũ chia cắt hoàn toàn. Chỉ trong vòng nửa giờ đồng hồ, mực nước trên sông Thu Bồn đã dâng cao hơn 1 m. Không trở tay kịp, nhiều hộ ở các xã Quế Trung, Quế Ninh, Quế Phước, Quế Lâm, Quế Lộc đành phải dứt dây mủi cho trâu bò tự do… trôi. Một số gia đình có ghe thì tìm cách vớt vát được gì hay nấy. Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, người dân thôn Phú Bình, Quế Lộc cho biết: mực nước cũng như cường suất lũ lần này cao hơn mức lũ lịch sử năm 1999 và có thể còn cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm Giáp Thìn 1964. Toàn bộ gia sản như lúa gạo, trâu bò của ông cũng như nhiều bà con ở đây đều bị lũ cuốn trôi. Đến 16 giờ ngày 12-11, toàn bộ 5 xã vùng tây của huyện với trên 30 ngàn dân vẫn còn trong tình trạng bị cô lập. Trên 50% số nhà dân bị ngập đến nóc.

Trước tình hình này, huyện Quế Sơn đã huy động 3 ca nô và nhiều xuồng máy di tản dân đến các khu trường học và những nhà kiên cố, trích lương thực dự trữ, nước uống cứu trợ khẩn cấp. Đồng thời, vận động người dân tự giúp nhau trong lúc hoạn nạn. Ông Võ Thuật - Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho biết : “Hiện nay chúng tôi chỉ có thể đi kiểm tra các xã vùng đông của huyện, các xã vùng tây thì ‘bó tay’, vì hiện đường ô tô duy nhất để đến với các xã vùng tây của huyện là xã Quế Lộc, nước lũ đã ngập lút cột điện. May là trước đó, chúng tôi đã triển khai phương án 4 tại chỗ, chuẩn bị một ít lương thực nên cũng đỡ lo. Nhưng chắc chắn, ngay sau khi nước rút, dù có trong đêm cũng phải đi kiểm tra ngay”.

Lũ cuốn phăng vùng Đông

Tại Hội An, chiều ngày 12-11 lũ đã đạt đỉnh năm 1999. Thị xã đã huy động 32 tàu công suất lớn của ngư dân, 5 ca nô của lực lượng vũ trang cùng 20 xe khách của HTX vận tải thuỷ bộ - du lịch Hội An để di dời dân và cứu hộ các di tích. Nhân dân các vùng trọng điểm là Cẩm Kim, Cẩm Nam, Cẩm Châu đã được sơ tán. Đến 17 giờ cùng ngày, nước lũ trên sông Thu Bồn tiếp tục dâng cao, biến các địa phương này thành “ốc đảo”. Trước đó, đêm 11-11, tại âu thuyền Hồng Triều, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên do nước lũ thượng nguồn đổ về qúa mạnh đã làm đứt dây neo của 60 tàu thuyền neo đậu tại đây. Lực lượng bộ đội biên phòng và ngư dân đã cứ hộ an toàn cho 6 thuyền, số còn lại nhiều khả năng đã bị lũ đánh chìm.

Trên 1.000 chiến sĩ của Bộ chỉ huy quân sự và Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh đã được huy động để di dời khẩn cấp hàng ngàn hộ dân ở các vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Trên tuyến QL 1A - đoạn qua xã Quế Phú (huyện Quế Sơn) và xã Điện Thắng Nam (huyện Điện Bàn) - hàng ngàn xe các loại đã bị kẹt trong lũ. Lực lượng CSGT đã túc trực 24/24 để hướng dẫn giao thông. Trước hoàn cảnh hàng ngàn hành khách bị kẹt trên xe, CSGT tỉnh đã cấp hỗ trợ cho các xe 70 thùng mì tôm. Lực lượng quân đội cũng đã giúp dân di dời, chèn chống những nhà chưa kiên cố, đặc biệt là các ngôi nhà cổ và các công trình kiến trúc trên địa bàn.

Hàng ngàn phương tiện giao thông kẹt trên QL 1A.
Hàng ngàn phương tiện giao thông kẹt trên QL 1A.
Hàng ngàn hành khách chờ lũ rút trên QL 1A.
Hàng ngàn hành khách chờ lũ rút trên QL 1A.
Nhiều du khách nước ngoài cũng chung số phận...
Nhiều du khách nước ngoài cũng chung số phận...
Ngủ chờ lũ rút.
Ngủ chờ lũ rút.

Đang cần sự tiếp sức

Trước tình hình mưa lũ còn diễn biến phức tạp, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã có mặt tại các vùng trọng điểm trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống lũ lụt tại các địa phương. Các xã, phường kiểm tra việc dự trữ lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu như nước uống, dầu hoả... đủ dùng từ 5 đến 7 ngày ở từng gia đình.

Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết : “Tỉnh đã nỗ lực hết mình cho công tác phòng chống lụt bão, ngay trong chiều và đêm 11-11, toàn bộ các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã tỏa về các địa phương để kiểm tra và chỉ đạo biện pháp đối phó. Tuy nhiên, đây là một đợt lũ quá lớn, tỉnh đang cần sự hỗ trợ giúp đỡ của trung ương, các bộ, ngành và các địa phương. Trong ngày 11-11, đoán trước được tình hình gay cấn, tỉnh đã hợp đồng với các đơn vị quân đội của Quân khu 5, vùng 3 Hải quân sẵn sàng đưa máy bay, tàu thủy vào để ứng cứu dân vùng lũ. Tuy nhiên do thời tiết xấu, các phương tiện không thể tiếp cận được địa bàn. Có thể ngày 13-11, các phương tiện này sẽ tham gia cùng với tỉnh để tiếp cận các vùng bị lũ cô lập. Chúng tôi đã nhận được sự tiếp viện ban đầu của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi. Về phía tỉnh, địa phương cũng đã xuất trên 100 tấn gạo và 30 tấn mì ăn liền cho các địa phương”.

Khẩn cấp đưa mì tôm và nước uống đến cho người dân vùng lũ.
Khẩn cấp đưa mì tôm và nước uống đến cho người dân vùng lũ.

Quảng Trị: 10.000 nhà ngập chìm trong nước

Ban PCBL tỉnh Quảng Trị cho biết, đến cuối ngày 12-11, mực nước trên các sông Thạch Hãn, Đông Hà xấp xỉ mức báo động 3. Lượng mưa đo được ở sông Thạch Hãn là 300 mm. Mưa lũ làm 10.000 nhà dân ở các huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Đakrông ngập nặng. Có nơi như các xã vùng trũng Hải Lăng ngập sâu hơn 1m. Tại huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa mưa lớn làm ắch tắc giao thông. Đường Hồ chí Minh đi qua Quảng Trị bị sạt lở nhiều điểm, nhiều xã miền núi bị cô lập. Mưa lũ làm sập 2 nhà ở xã Hải Thọ, nhiều nhà khác xiêu vẹo do bị ngâm quá lâu ngày trong lũ. Ngay trong mưa lũ, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã có mặt tại những nơi xung yếu để chị đạo bà con tích cực chống lũ, đề phòng lũ quét trên các sông. Cố gắng không để xảy ra thiệt hại về người.

Thừa Thiên-Huế: Gần 80.000 nhà dân ngập sâu, giao thông tê liệt, 1 người chết

Đường phố ở Huế biến thành sông. Ảnh chụp ngày 12-11. Ảnh: L.A
Đường phố ở Huế biến thành sông. Ảnh chụp ngày 12-11. Ảnh: L.A

Ngày 12-11, ông Hồ Xuân Mãn, Bí thư tỉnh Thừa Thiên-Huế đã đến ngay vùng rốn lũ chỉ đạo bà con tích cực, bình tĩnh phòng chống lũ.Ông Mãn nhận định đợt lũ này ở Thừa Thiên-Huế tuy không lớn bằng đợt lũ năm 1999, nhưng là đợt lũ lớn nhất trong 4 đợt lũ vừa qua. Mưa lớn ở huyện miền núi Nam Đông và A Lưới đo được hơn 1.000 mm đã làm cho mực nước trên sông Bồ, sông Hương vượt trên báo động 3. Đến chiều 12-11, đã có 1 người chết (xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền); 1 người mất tích (xã Hương Văn, huyện Hương Trà). Cả hai nạn nhân đều được xác định là do bị lật thuyền. Trong vòng một tháng qua, toàn tỉnh Thừa Thiên-Huế có gần 80.000 ngôi nhà trên 90 phường xã ở các huyện Phong Điền, Quảng Điền, Phú Vang, Hương Thủy lần thứ 4 bị ngập sâu trong lũ, nhiều xã ngập từ 1 đến 2 m. Trong đó thành phố Huế đã có gần 50.000 hộ dân thuộc các phường Kim Long, Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Cát, Phú Hậu, Xuân Phú và các phường nội thành bị ngập nước, phố biến thành sông. Giao thông tê liệt. Đường lên huyện Nam Đông và A Lưới bị ách tắc hoàn toàn do sạt lở đất đá. QL 1A bị ngập nhiều điểm, ô tô nối đuôi nhau nằm chờ. Đường sắt Bắc - Nam bị ngập ở Văn Xá. Sáng 12-11, một trận lốc xoáy đã làm tốc mái 16 ngôi nhà thuộc thôn 1, xã Vinh Mỹ, huyện Phú Vang. Đến 18 giờ cùng ngày, gần 5.000 hộ dân ở các vùng xung yếu ven sông suối của tỉnh đã được sơ tán đến nơi an toàn. Tại các huyện bị lũ ngập sâu, tỉnh Thừa Thiên-Huế cho phép chủ động xuất lương thực cứu dân, không được để dân thiếu đói.

L.An

Quảng Ngãi: 4 người chết và mất tích, hàng chục ngàn ngôi nhà bị ngập

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh, tính đến 6 giờ ngày 12-11, toàn tỉnh đã có 4 người chết và mất tích. Liên tục trong các ngày 10, 11 và rạng sáng ngày 12, lượng mưa cao cộng với lượng mưa của các đợt mưa lũ trước đó làm cho nước các sông lên rất nhanh. Mưa lũ đã làm gần 47.000 ngôi nhà bị ngập trong nước, 10 nhà bị sập và tốc mái. Huyện Tây Trà đã bị cô lập hoàn toàn do tuyến đường Trà Bồng - Tây Trà lại bị sạt lở nhiều đoạn. Tại huyện Sơn Hà, các tuyến đường Di Lăng đi Ba Tiêu, Sơn Cao, Sơn Tây bị ngập nhiều đoạn, không qua lại được. Các huyện miền núi khác giao thông từ huyện lỵ đến các xã bị tê liệt. Các huyện đồng bằng nhiều tuyến đường đã bị ngập nghiêm trọng; có 65 xã bị chia cắt do lũ. Một số nơi thuộc các huyện: Tây Trà, Trà Bồng, Sơn Tây; Ba Tơ không liên lạc được bằng điện thoại. Đặc biệt, tại Đức Phổ bờ đê sông Trà Câu (thuộc xã Phổ Văn, Phổ Minh) đã bị sạt lở 60m…

N.Rộng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo