Những ruộng đói mùa...
Nhà thơ Chế Lan Viên- đứa con yêu của quê hương Cam Lộ đã từng đau đáu về quê hương của mình: “Gió lào ơi thôi đừng thổi nữa, những ruộng đói mùa những đồng đói cỏ, những đồi sim không đủ quả nuôi người”. Tháng bảy, về Cam Lộ, những khó khăn “mang đầy” câu thơ ấy nay vẫn chồng chất, bời bời. Tôi vừa bước chân đến phòng NN&PTNT huyện, anh Hoàng Chiếm Khể, cán bộ của phòng liền than: “Chết thôi anh ơi, gần cả tháng nay không có một hạt mưa. Nắng hạn đã làm cho hàng trăm ha đậu và lạc ở các xã Cam Tuyền, Cam Thành khô queo lá...”.
Nhìn vườn cây hồ tiêu đứng héo hon phơi mình trong nắng hạn, nhiều người nông dân lo âu cho một vụ mùa trắng tay sắp đến. Bác Phan Văn Bi ở Cam Lộ liên tưởng đến mùa đại hạn năm 1944. Để rồi năm tiếp sau – Ất Dậu 1945, nạn đói hoành hành dữ dội làm cho nhiều người miền Trung tan nát cửa nhà, mà gia đình bác cũng là một nạn nhân trong năm ấy. Năm 2005 đến cũng là năm Ất Dậu. Nhiều người bán tính bán nghi với ông trời, họ cứ thắc thỏm không biết năm nay thời tiết sẽ ra sao đây?
Băng qua các xã vùng gò đồi Cam Lộ nhiều nơi ruộng đồng xơ xác, cỏ cây cũng không ra nổi chồi non cho lũ bò có gặm. Dưới nắng hạn, con Tủn nhà anh Hanh cần mẫn cạp luôn cả rễ cây cỏ khô rồi nuốt ực một cái vào bụng, nhìn mà thương cho lũ bò. Anh Hanh, chủ đàn bò, đứng dưới nắng há hốc mồm nói rằng: “ Khổ nhất là chuyện đi tìm nước cho bò uống. Nhiều lúc phải đưa chúng đi xa hàng chục km mới tìm ra một đoạn suối , nhưng nước đục ngầu, đâu có sạch sẽ gì. Con Tủn nhà tôi rất khó tính, cứ chạy quanh mãi chứ không chịu uống nước đục” .
Thời tiết miền Trung tiếp tục nắng hạn gay gắt
Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn các tỉnh Trung Trung bộ, hiện tại áp thấp phía Tây đang mở rộng về phía Đông - Nam, nên thời gian đến trời tếp tục có hạn lớn xãy ra trên diện rộng, gó Tây - Nam thổi cấp 3-4. Đặc biệt các huyện miền núi sẽ nắng gắt hơn và có gió lào khô hanh thổi mạnh, trời không có mưa, lượng ẩm bốc hơi rất nhanh, nhiệt độ trung bình từ 37 đến 38 oc. |
Hàng trăm giếng tụt mạch nước ngầm
Nhà chị Lê Thị Hoa ở xã Gio An đang đào một cái giếng lấy nước sinh hoạt cho gia đình. Sau hơn một tháng thuê thợ đào xuống độ sâu hơn 20 mét nhưng vẫn chưa thấy nước đâu. Đã thế, dưới lòng giếng có quá nhiều đá nên mỗi ngày chỉ đào được 20 cm. Tiền thuê công thợ đào đất, chẻ đá đã ngốn của chị hết 10 triệu đồng. Chị Hoa thấy trời tiếp tục hạn nặng mà lo không biết khi nào công trình của mình hoàn thành. Chị Hoa đâu giàu có gì, vì không có nước uống, đi gánh nước thì quá xa nên phải chạy đôn chạy đáo cả vay lẫn mượn được 10 triệu đồng để làm giếng. Thương chị, người hàng xóm không lấy tiền lãi, giúp sức để chị có tiền đào giếng rồi sau đó trả nợ dần cũng được.
Hàng ngày, người dân xã Gio An phải đi lấy nước sinh hoạt rất xa. Ai đi không nổi phải mua nước rồi chứa vào các thùng phuy để dùng từ từ. Không riêng gì người dân Gio An, ở miền Tây Gio Linh đang có hàng trăm giếng nước bị khô, mạch nước ngầm ở đây tụt xuống khủng khiếp. Nhà bác Thọ ở xã Gio Hòa có một cái giếng đào nước rất tốt, cung cấp đủ cho cả khu dân cư. Thế mà năm nay đại hạn, nước ra không kịp múc nên bà con phải sắp hàng chờ. Nhưng mỗi ngày cũng chỉ lấy nước được vào buổi sáng, khi đã có đến một đêm tích trữ nước ngầm từ xa rả rích chảy về. Bác Thọ cho biết nếu múc nước không khéo thì chỉ cần bỏ gàu xuống là đụng đáy giếng, nước đục ngầu ngay. Do đó khi lấy nước phải thật nhẹ tay. Lấy xong nước buổi sáng rồi, cả xóm sống trong tâm trạng thấp thỏm chờ đợi đến hôm sau mới có nước trở lại để tắm giặt...
Hạn nặng từ hai phía Tây - Đông
Nắng nóng mấy ngày qua ở Quảng Trị có lúc nhiệt độ lên đến gần 39 oc . Tại các huyện vùng cao Hướng Hóa, Đăkrông, phía Tây Quảng Trị trời khô hanh cùng với gió lào cấp 4,5, đã làm cho các cánh rừng tơi tả, thảm thực vật khô róm lại. Có cảm giác chỉ cần một mồi lửa vô tình thì trong phút chốc ngọn lửa sẽ “phủi” sạch ngay một diện tích rừng rất lớn. Mấy đồng chí kiểm lâm Quảng Trị mấy hôm nay hết sức gian khổ, họ trực 24/24 giờ trên các chòi canh để phòng chống cháy rừng. Cơm nước hàng ngày cũng phải ăn uống tại chỗ.
Người dân Gio An đi kéo nước ngọt về sinh hoạt trong những ngày nắng nóng |
Các vùng gò đồi ruộng đồng khô khốc, vườn cây bị gió Tây - Nam đánh cho tan nát cành lá. Giữa thị xã Đông Hà lúc này như mùa hè đỏ lửa, đất bụi bay từng lớp. Gió lào trườn mình qua các cửa sổ rồi vào nhà thổi bay tung tóe đồ dùng gia đình. Ở ngoài đường, chỉ cần đi một vòng là bụi đất bám đầy người, áo quần, khóe miệng và hai lỗ tai, rồi bụi làm kiên cả hàm răng. Nhiều gia đình không dám mở cửa nhà vì sợ cát bụi theo gió mang vào.
Ở các xã vùng Đông Gio Linh hàng trăm ha lúa đang chờ nguồn nước ít ỏi của sông Cánh Hòm. Nhưng năm nay hạn đã làm cho con sông khô kiệt. Những chiếc máy bơm nước đang nằm chờ để bòn từng giọt nước cuối cùng tưới cho lúa. Bà con nông dân thôn Nhĩ Thượng từ ba, bốn giờ sáng phải thức dậy ra đồng chắt chiu từng gàu nước tưới cho đồng lúa đang khát. Một cán bộ xã Gio Thành cho hay, nếu trời tiếp tục khô hạn một tuần nữa, vùng quê nghèo này sẽ có thêm hàng trăm ha lúa bị chết trắng.
15 ngày mới cho “uống” nuớc một lần
Khi tôi hỏi đến chuyện nguồn nước tưới cho hoa màu, ông Nguyễn Đăng Đại - Giám đốc Công ty Công trình thủy lợi Gio Cam Hà, nơi có nhiệm vụ cung cấp nước cho các huyện Gio Linh, Cam Lộ, thị xã Đông Hà... cũng lắc đầu quầy quậy. Ông Đại nói rằng ruộng hạn nên tưới nước vào là khô ngay lập tức, không biết mấy cho đủ, trong lúc đó lượng nước trong các hồ chứa lại còn không nhiều lắm. Các huyện này đang có trên 1.000 ha ruộng khô hạn và thiếu nước. Diện tích trên còn có thể tăng cao hơn nữa nếu trời tiếp tục nắng gắt kiểu này. Ông Đại cho biết: “Khó khăn lắm công ty mới luân phiên 15 ngày cho ruộng hạn “uống” một lần nước. Nhưng vừa bơm nước vào là nắng và gió Tây - Nam làm bốc hơi ngay, cây lúa lại héo hon chờ nước”. Rồi ông Đại gút lại: “Nếu trời tiếp tục nắng hạn kéo dài là phủi tay luôn đấy”. Tôi hiểu ra cái “phủi tay” mà ông Đại muốn nói là nước tưới sẽ khan hiếm lắm, không còn nữa và người nông dân đang phải đối mặt với một vụ mùa mà khả năng thất thu rất lớn.
Bình luận (0)