xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quanh việc "Truy cứu trách nhiệm Bộ Xây Dựng": Có dấu hiệu lợi ích nhóm

THẾ KHA

Hôm nay (25-2), Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức phiên giải trình để Bộ Xây dựng báo cáo về việc ban hành Thông tư 16/2010 hướng dẫn cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư trái quy định pháp luật mà Báo Người Lao Động đã phản ánh

Trả lời phóng viên Báo Người Lao Động ngày 24-2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam vẫn khẳng định việc bộ ban hành Thông tư 16/2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định 71/2010, trong đó có nêu 2 cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư (theo kích thước thông thủy và từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ) là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật và nhiệm vụ mà Chính phủ giao.

Lẳng lặng hủy bỏ Thông tư 16

Tuy nhiên, ông Nam lại cho biết cuối tuần trước, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư 03/2014 thay thế Thông tư 16/2010. Thông tư  03, sẽ có hiệu lực sau 15 ngày ban hành, đã hủy bỏ cách tính diện tích sàn chung cư từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ được nêu trong Thông tư 16 từng gây nhiều thiệt thòi, bức xúc cho người dân sống ở chung cư.

Nhiều người dân sinh sống tại chung cư cao cấp Keangnam (Hà Nội) cho biết sẽ có mặt trong phiên giải trình của Bộ Xây dựng ngày 25-2 Ảnh: Đỗ Du
Nhiều người dân sinh sống tại chung cư cao cấp Keangnam (Hà Nội) cho biết sẽ có mặt trong phiên giải trình của Bộ Xây dựng ngày 25-2 Ảnh: Đỗ Du

“Thông tư 16 là đúng pháp luật, không có gì sai cả. Việc Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 03 thay thế, trong đó chỉ còn hướng dẫn một cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư theo phương pháp kích thước thông thủy chỉ là để phù hợp với thực tế hiện nay mà thôi” - ông Nam giải thích.

Trả lời câu hỏi về việc Bộ Xây dựng căn cứ vào đâu để đưa ra thêm cách tính diện tích căn hộ chung cư từ tim tường bao, tường ngăn chia căn hộ, ông Nam cho biết: “Căn cứ vào nhiệm vụ được giao của Luật Nhà ở và Nghị định 71 cũng như căn cứ vào thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế nên bộ hướng dẫn 2 cách tính như trong Thông tư 16. Việc này cũng nhằm tôn trọng sự thỏa thuận dân sự giữa chủ đầu tư và người tiêu dùng. Người dân và doanh nghiệp được lựa chọn 1 trong 2 cách để thỏa thuận mua bán với nhau”.

Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia thuộc Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho thấy Bộ Xây dựng đã lạm quyền, ban hành quy định vượt trách nhiệm được giao. Xét về thẩm quyền ban hành văn bản thì Luật Nhà ở chỉ giao cho Chính phủ quy định hướng dẫn thi hành (điều 153). Với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở ở trung ương, Bộ Xây dựng chỉ được giao ban hành quy chế quản lý nhà chung cư, hướng dẫn và kiểm tra việc quản lý, sử dụng nhà chung cư trong cả nước (điều 72); không có thẩm quyền ban hành văn bản quy định chi tiết và cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư.

Theo Nghị định 71 thì Chính phủ cũng chỉ giao cho Bộ Xây dựng quy định và ban hành mẫu hợp đồng mua bán nhà ở; không có nội dung nào giao bộ quy định cách tính diện tích sàn căn hộ chung cư.

“Nói một cách ngắn gọn là Bộ Xây dựng đã tự ban hành thêm một cách tính diện tích sàn chung cư mà Quốc hội và Chính phủ không quy định” - TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, nhận xét.

“Đã mua rồi, còn kêu ca gì”!

TS Lê Hồng Sơn cho biết vừa tiếp nhận thông tin Bộ Xây dựng đã hủy bỏ Thông tư 16 để thay thế bằng Thông tư 03. Ông Sơn khẳng định việc hủy bỏ Thông tư 16 không có nghĩa là Bộ Xây dựng có thể thoái thác trách nhiệm quản lý của mình trong suốt thời gian qua và không liên quan gì đến những thiệt hại mà người dân phải gánh chịu khi mua phải những căn hộ thiếu diện tích.

“Dù Thông tư 16 hướng dẫn 2 cách tính diện tích căn hộ nhưng chủ đầu tư nào cũng chỉ áp dụng cách tính từ tim tường bởi mang lại lợi nhuận lớn cho họ. Những hộ nằm ở tầng thấp như 2, 3, 4, 5 thì thiếu nhiều diện tích lắm vì vướng nhiều hộp kỹ thuật, cột nhà... Rất nhiều hộ thiếu cả chục mét vuông” - ông Sơn nói. Ông cho biết tại phiên giải trình hôm nay sẽ truy vấn tại sao luật của Quốc hội và nghị định của Chính phủ không quy định nhưng Bộ Xây dựng lại ban hành quy định về cách tính diện tích từ tim tường.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng cho rằng việc “sáng tác” thêm một cách tính diện tích căn hộ gây thiệt thòi cho người mua là có dấu hiệu của lợi ích nhóm trong ban hành chính sách. Vì thế, phiên giải trình của Ủy ban Pháp luật cần làm rõ trách nhiệm của Bộ Xây dựng trong việc này.

Trong khi đó, Thứ trưởng  Nguyễn Trần Nam cho rằng việc các chủ đầu tư trả lời những hộ mua phải căn hộ thiếu diện tích rằng “đã làm đúng quy định của pháp luật, theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng” là hoàn toàn chính xác!

“Chúng tôi đã xem xét các hợp đồng rồi. Cuối hợp đồng mua bán bao giờ cũng có dòng chữ “tôi ký dưới đây sau khi đã nghiên cứu kỹ các điều khoản và tự nguyện chấp hành”. Doanh nghiệp họ làm chặt chẽ và đúng luật lắm. Anh lựa chọn mua rồi thì còn kêu ca thiệt hại gì nữa!” - ông Nam nói. Theo ông, nếu luật quy định về cách tính diện tích từ tim tường căn hộ thì sẽ không có những bàn cãi thế này!

Ông Nam cho biết nếu người dân thấy bức xúc vì mua phải căn hộ thiếu nhiều diện tích, gây thiệt thòi thì có thể khởi kiện chủ đầu tư ra tòa án. Bộ Xây dựng không liên can gì tới tranh chấp này bởi đã thực hiện đúng nhiệm vụ được giao.

Báo chí không được dự

Về phiên giải trình dự kiến diễn ra chiều nay, đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết sẽ chỉ có đại diện Bộ Xây dựng và các cơ quan chức năng tham dự. “Cuộc họp không mời báo chí” - vị này cho biết mà không giải thích rõ lý do.

Sau phiên giải trình này, Ủy ban Pháp luật sẽ báo cáo kết quả giám sát việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật với Thông tư 16 của Bộ Xây dựng trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo Bộ Xây dựng thực hiện theo quy định.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo