Sáng 9-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã cho ý kiến về chương trình kỳ họp thứ 11, QH khóa XIII. Chủ nhiệm Văn phòng QH, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là kỳ họp cuối cùng của QH khóa XIII, dự kiến khai mạc ngày 21-3 và bế mạc ngày 16-4. Theo dự kiến, tại kỳ họp này, QH sẽ xem xét thông qua 7 dự án luật, gồm: Luật Tiếp cận thông tin; Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện điều ước quốc tế (sửa đổi); Luật Báo chí (sửa đổi); Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (sửa đổi); Luật Dược (sửa đổi); Luật Sửa đổi, Bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế; Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu (sửa đổi).
Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho hay kỳ họp này sẽ tăng cường thời lượng phát thanh, truyền hình trực tiếp, đặc biệt là trong những phiên có báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, QH, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước, báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội. Đáng chú ý, QH dự kiến dành 12 ngày làm công tác nhân sự nhà nước (dự kiến từ ngày 4 đến 16-4).
Trước đó, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, nhiều vị lãnh đạo cấp cao của nhà nước, QH và Chính phủ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI đã không tham gia Ban Chấp hành trung ương và Bộ Chính trị khóa XII, như: Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng...
Ủy ban Thường vụ QH cho biết không trình dự án Luật Biểu tình tại kỳ họp này, đồng thời đề nghị Chính phủ tiếp tục chuẩn bị thật kỹ dự án đến khi bảo đảm sự thống nhất cao trong Chính phủ rồi mới trình tiếp.
Cho ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của QH, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị báo cáo cần khái quát được tinh thần, những thành công của nhiệm kỳ là do có sự đồng tình, ủng hộ của cử tri và nhân dân cả nước. Một trong những bài học kinh nghiệm cần nhấn mạnh là “bài học nhân dân”, tức là từ Chủ tịch QH đến các đại biểu trước hết là cử tri, là người dân, sống trong dân chứ không phải QH đứng trên dân, tạo dân chủ cho nhân dân.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đúc kết: “Có ông bộ trưởng nào lên diễn đàn mà không sợ dân? Có ông Chủ tịch QH, lãnh đạo điều hành QH nào nói theo kiểu đứng trên dân? Được nhân dân đồng tình, ủng hộ, giám sát, đóng góp ý kiến mới tạo ra sức mạnh của QH...”. “Mình là ắc quy, dân như là điện. Nạp vào mới chạy được, nếu hết điện thì không thể chạy được đâu” - Chủ tịch QH ví von và nói thêm một cách hình tượng: “Không bám sát được hơi thở cuộc sống của nhân dân thì tắt điện”.
Tiếp tục có nhiều đổi mới
Trình bày dự thảo báo cáo, Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thông tin trong nhiệm kỳ khóa XIII, QH tiếp tục có nhiều đổi mới. Cụ thể là tiến hành hoạt động tái giám sát thường xuyên hơn, như xem xét kết quả thực hiện nghị quyết của QH về chất vấn và trả lời chất vấn. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, QH đã tiến hành tái giám sát toàn khóa, trực tiếp chất vấn những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của QH về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Dù vậy, có đại biểu thiếu bản lĩnh, thiếu trung thực, có phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, thậm chí vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri và nhân dân cả nước. Cụ thể, trong nhiệm kỳ, QH đã bãi nhiệm tư cách đại biểu QH đối với bà Đặng Thị Hoàng Yến và bà Châu Thị Thu Nga.
Bình luận (0)