xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quốc hội sẽ bàn việc xây sân bay Long Thành

Bài và ảnh: THẾ DŨNG

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 50 chức danh, tăng 1 chức danh so với kỳ lấy phiếu đầu tiên vào tháng 5-2013

Ngày 17-10, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội (QH) Nguyễn Hạnh Phúc cho biết kỳ họp thứ 8, QH khóa XIII sẽ khai mạc vào ngày 20-10.

Chỉ cho ý kiến về chủ trương đầu tư, chưa ra nghị quyết

Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết tại kỳ họp này, QH cho ý kiến về chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).

Trước câu hỏi của báo chí về việc sân bay Long Thành được Ủy ban Kinh tế của QH cho rằng trình QH vào thời điểm sát kỳ họp là muộn, dẫn đến nhiều đại biểu khi  tiếp xúc cử tri không kịp báo cáo để người dân nắm rõ cũng như đặt các đại biểu vào thế khó khi quyết định thông qua chủ trương đầu tư xây sân bay Long Thành, ông Phúc cho biết việc xây dựng sân bay Long Thành được Chính phủ đề nghị QH cho ý kiến và ra nghị quyết. Vừa qua, Ủy ban Thường vụ QH cũng đã có thảo luận về dự án này và thấy rằng có đủ điều kiện để trình QH. “Kỳ họp này QH chưa ra nghị quyết gì cả mà chỉ cho ý kiến trước” - ông Phúc nói.

Trước đó, thẩm tra sơ bộ về dự án sân bay Long Thành, Ủy ban Kinh tế của QH khẳng định theo quy định, hồ sơ về dự án, công trình quan trọng quốc gia phải được gửi đến cơ quan thẩm tra chậm nhất 60 ngày. Trên thực tế, ngày 1-10, Chính phủ mới có tờ trình và hồ sơ gửi tới cơ quan thẩm tra. Một số ý kiến cho rằng chỉ có thời gian một, hai ngày nên rất khó cho các cơ quan của QH trong việc xem xét.

Thường trực Ủy ban Kinh tế của QH đề nghị Chính phủ có báo cáo tổng thể, nhất là tổng vốn đầu tư của toàn bộ dự án để xem xét, quyết định chủ trương đầu tư chung tại kỳ họp thứ 8. Sau khi QH quyết định về mặt chủ trương đầu tư, Chính phủ lập dự án đầu tư giai đoạn 1 trình QH xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5-2015).

Phiên bỏ phiếu sẽ họp kín

Tại kỳ họp, QH sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với 50 chức danh (tăng 1 chức danh so với kỳ lấy phiếu đầu tiên  vào tháng 5-2013).  Theo ông Phúc, trên thế giới duy nhất có Việt Nam lấy phiếu tín nhiệm. Thực tế cho thấy việc lấy phiếu tín nhiệm là tốt, nhiều thành viên Chính phủ qua lấy phiếu lần đầu có kết quả không được cao đã có chuyển biến, thay đổi, được cử tri ghi nhận.

Theo ông Phúc, cách lấy phiếu tín nhiệm lần này vẫn như lần trước, chỉ khác là phiên bỏ phiếu sẽ họp kín. “Rút kinh nghiệm lần trước, khi đại biểu QH ghi phiếu, phóng viên cứ quay phim, chụp ảnh làm mất tự nhiên. Vả lại, khi ghi phiếu, đại biểu cần thời gian suy nghĩ để quyết định cho đúng, chính xác, bảo đảm không bị áp lực” - ông Phúc phân trần.

Một điểm được rút kinh nghiệm là đã có quy định về độ dài và đề cương chi tiết báo cáo công tác của các chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Sau khi lấy phiếu tín nhiệm, QH sẽ tiếp tục thảo luận sửa đổi nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm để có thể biểu quyết thông qua vào phiên bế mạc.

QH cũng sẽ nghe báo cáo của Chính phủ về tình hình biển Đông, trong đó có việc Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Thông qua 18 dự án luật

Bà Phan Thị Toàn, Vụ trưởng Vụ Thông tin (Văn phòng QH), cho biết kỳ họp QH thứ 8 sẽ diễn ra từ ngày 20-10 đến 28-11 và dành khoảng 70% thời gian cho công tác xây dựng pháp luật với việc xem xét, thông qua 18 dự án luật và 3 dự thảo nghị quyết; cho ý kiến đối với 12 dự án luật. Đây là kỳ họp có số lượng dự án luật được thông qua và cho ý kiến nhiều nhất từ trước đến nay.

QH cũng thảo luận và thông qua Nghị quyết của QH phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; Nghị quyết của QH phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền của người khuyết tật.

 

Phải có cơ chế xử lý việc chậm thực hiện lời hứa

Ngày 17-10, Đoàn Đại biểu QH TP HCM đã có báo cáo kết quả tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, qua 31 cuộc tiếp xúc với tổng số khoảng 6.058 cử tri tham dự. Theo đó, cử tri TP HCM đặc biệt quan tâm về hoạt động của QH, hoan nghênh QH sẽ xem xét thông qua và cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng như Luật Tổ chức QH, Luật Tổ chức Chính phủ. Về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp và giữa các kỳ họp, cử tri muốn QH phải nâng cao chất lượng, có cơ chế xử lý trách nhiệm đối với các bộ, ngành chậm thực hiện lời hứa hoặc giải quyết không thỏa đáng. Đối với việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, cử tri kiến nghị chỉ lấy 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ cần báo cáo trước QH về công tác thực thi chiến lược kinh tế biển; tình hình biển Đông và công tác bảo vệ chủ quyền quốc gia tại kỳ họp lần này.

Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội cũng đã tổng hợp ý kiến cử tri. Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, Phó Đoàn Đại biểu QH TP Hà Nội, cho biết cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu biên soạn sách giáo khoa môn lịch sử bổ sung thông tin về chủ quyền biển đảo, trong đó có đánh giá đúng đối với công lao của những binh sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã chiến đấu và hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo năm 1974.

Cũng theo bà Hà, cử tri lo ngại trước thông tin nhiều dự án về quy hoạch, giao thông, đô thị bị đội vốn, chậm tiến độ (các dự án đường sắt đô thị đang thi công tại Hà Nội và TP HCM) hoặc chất lượng kém (như hệ thống đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội...) và đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ nguyên nhân, đồng thời xử lý nghiêm đối với cá nhân, tập thể có sai phạm.

Ph.Anh - Th.Dũng

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo