Dù phần lớn các gói thầu thuộc dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 14 từ tỉnh Kon Tum đến tỉnh Bình Phước đã thi công hơn 10% khối lượng (Báo Người Lao Động ngày 29-4 thông tin) nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy rất khó bảo đảm chất lượng.
Lo ngại chất lượng đá
Để có khối lượng đá đủ cho công trình, hàng chục mỏ đá tại các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước được huy động nhưng một số nhà thầu cho biết nguồn vật liệu này vẫn khan hiếm và kém chất lượng, giá thành cao. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ công trình.
Tại buổi giao ban đầu tháng 4-2014, đại diện Công ty CP Đức Thành Gia Lai (thi công đoạn qua tỉnh Bình Phước) cho biết: “Chúng tôi không dám đào đường lên để xây dựng vì thực sự không có nguồn đá. Trước khi triển khai các gói thầu bằng trái phiếu Chính phủ, 16 nhà thầu đã tổ chức họp nhưng chẳng ai tìm thấy nguồn đá. Đá trải trên đường chẳng qua là do các nhà thầu chống chế, đổ xuống để lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đi thấy cho đẹp thôi”.
Nguồn đá khan hiếm dẫn đến tranh mua, tranh bán và giá tăng vô tội vạ. Trong khi nhiều nhà thầu không có để thi công thì nhà thầu khác lại trữ đá với khối lượng lớn. Bên cạnh việc khan hiếm thì chất lượng đá cũng đáng lo ngại. Đại diện Công ty CP Đức Thành Gia Lai cho biết họ từng phải đào 4 km đường nhựa vì đá kém chất lượng.
Ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, cho biết hiện nay, có 2 vi phạm lớn của các nhà thầu là không tuân thủ quy trình thi công cấp phối đá dăm và không đáp ứng quy trình công nghệ. Sau khi chấn chỉnh nhiều lần nhưng không được, cục này đã tuyên bố những khối lượng không bảo đảm quy trình công nghệ thì kiên quyết không nghiệm thu, đồng nghĩa Bộ GTVT sẽ không cấp quyền thu phí cho nhà đầu tư BOT. Với Quốc lộ 1 và Quốc lộ 14, Bộ GTVT đã ban hành hướng dẫn rất cụ thể nhưng hiện nay, cấp phối đá dăm hầu như không bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết cấu của đường sau này.
“Không có chuyện ì ạch”
Trong khi việc nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 14 với tổng chiều dài 663 km nhưng còn tới gần 500 km thi công ngổn ngang, nhiều đoạn chất lượng kém thì ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, vẫn khẳng định: “Nói ngổn ngang là không đúng và cũng chẳng có đoạn nào chất lượng thi công kém cả”!
Ông Huấn phủ nhận việc đánh giá các nhà thầu thi công ì ạch, chậm tiến độ: “Từ ngày 9-4, khi Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường vào kiểm tra và chỉ đạo, chúng tôi thấy việc thi công đã chuyển biến, dù chỉ gần đây. Chúng tôi đôn đốc kiểm tra từng gói thầu, từng phần rồi kiểm điểm tiến độ thực hiện từng tuần. Tiến độ người ta đang đạt từng ngày, từng giờ, có sự giám sát của tư vấn. Chúng tôi đang rất quyết liệt, làm sao lại gọi là ì ạch được?”.
Tuy nhiên, ông Huấn thừa nhận ban quản lý dự án đã đề nghị Bộ GTVT đưa 3 nhà thầu thi công chậm tiến độ (Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường, Công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí IMICO) vào diện cần giám sát đặc biệt. Ba nhà thầu này đã nhiều lần bị phê bình vì chậm tiến độ nhưng ông Huấn khẳng định không có sự ưu ái nào cả.
Về việc đề nghị an ninh kinh tế điều tra có nhà thầu bán thầu, ông Huấn cho biết: “Hiện chưa có thông tin cụ thể, đây mới chỉ là nghi ngờ”.
Bình luận (0)