Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 14 qua Tây Nguyên và Bình Phước có ý nghĩa rất quan trọng vì đây là tuyến huyết mạch nối các tỉnh phía Nam với Tây Nguyên. Tuy nhiên, sau nhiều năm khởi công, đến nay vẫn còn dang dở, rất khó hoàn thành trong năm 2016 như kế hoạch đề ra.
Càng thi công càng... nát bét
Đoạn Kon Tum - Pleiku (Gia Lai) trong dự án có chiều dài 34,7 km, được chia thành 7 gói thầu, khởi công từ tháng 10-2011 nhưng đến nay vẫn còn ngổn ngang. Một tài xế xe tải thường xuyên đi qua đoạn đường này than thở: “Đường đầy ổ gà dễ gây lật xe; nếu trời mưa thì lầy lội, trơn trượt. Đoạn đường có hơn 30 km mà đi mất cả giờ”.
Tình trạng này cũng diễn ra tương tự khi dự án đi qua tỉnh Đắk Lắk (dài 125 km). Trong đó, đoạn qua phía Nam TP Buôn Ma Thuột dài khoảng 30 km được khởi công từ 6-7 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Anh Trần Văn Thành (ngụ phường Khánh Xuân, TP Buôn Ma Thuột) bức xúc: “Đoạn từ Trường ĐH Tây Nguyên đến ngã ba Duy Hòa chưa đầy 3 km, khởi công xây dựng lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa xong. Mùa nắng thì bụi, mưa thì nước tù đọng. Gia đình tôi bán quán cơm nên cũng từng ấy năm vắng khách vì cơm trộn bụi”.
95 km còn lại được khởi công vào tháng 9-2013. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, đến nay, khối lượng thi công không đáng kể.
Đối với Quốc lộ 14 đoạn từ ngã ba Cây Chanh (huyện Đắk R’lấp, tỉnh Đắk Nông) về đến thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) dài khoảng 75 km. Từ năm 2009, UBND tỉnh Bình Phước ký hợp đồng thi công theo hình thức BOT với 2 doanh nghiệp: Công ty CP Đức Thành Gia Lai thi công đoạn từ cầu 38 - Đồng Xoài, dài 41,3 km. Còn đoạn từ cầu 38 về Cây Chanh, dài 33,8 km do Công ty CP Đức Phú phụ trách.
Theo hợp đồng, cả 2 đoạn đường trên phải hoàn thành vào tháng 5-2013. Tuy nhiên, do chủ đầu tư kém năng lực nên hiện đường chưa xong mà còn nát bét. Vì vậy, đầu tháng 1-2014, UBND tỉnh Bình Phước đã thu hồi và bàn giao 2 dự án trên cho Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh thuộc Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Đến nay, đoạn Đồng Xoài - cầu 38 mới được thi công, trải nhựa đến gần chân cầu Pantoong (xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng). Riêng đoạn cầu 38 - Cây Chanh, sau khi bị dừng từ giữa năm 2011, hiện đã khởi động lại nhưng theo người dân sống ven đường, việc thi công rất ì ạch!
Đủ loại lý do
Theo lý giải của cơ quan chức năng, nguyên nhân chậm tiến độ của dự án là do vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng. Trong đó, khó khăn nhất là các công trình kỹ thuật như điện lực, cáp quang, viễn thông, nước sinh hoạt… do chưa có vị trí di dời và số tiền quá lớn, hơn 56 tỉ đồng.
Tuy nhiên, theo một cán bộ thanh tra Chi cục Quản lý đường bộ 5 (Cục Quản lý đường bộ 3), nguyên nhân là do năng lực của một số nhà thầu hạn chế, các gói thầu bị chia nhỏ, có đơn vị chỉ tham gia thi công một vài km đường. Tất cả các gói thầu đều rục rịch khởi công từ cuối năm 2013 nhưng phần lớn chỉ để lấy ngày rồi để đó. Lâu lâu, có đoàn từ trung ương vào kiểm tra thì họ làm hoành tráng, đoàn về thì đâu lại vào đó.
Riêng với đoạn Kon Tum - Pleiku, theo ông Nguyễn Ngọc Báu, Giám đốc điều hành dự án gói thầu số 3 đến số 7, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, nguyên nhân do nguồn vốn và có sự điều chỉnh trong thiết kế. Cụ thể, khi dự án vừa khởi công, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP, không ứng trước vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ năm 2012 cho các dự án nên “vừa mới khởi động phải dừng luôn đến tháng 10-2012 có tiền mới làm lại”.
Theo thiết kế ban đầu, đoạn đường làm mới 7 cây cầu. Khi đang triển khai thì Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu dừng lại để kiểm tra hiện trạng. Qua đó, chỉ làm mới 4 cầu, 3 cây để lại đã được kiểm định nhưng chưa có quyết định chính thức từ bộ. “Các nhà thầu phản ánh lượng xe lưu thông qua đoạn đường này quá nhiều, đặc biệt là xe có tải trọng nặng, xe chở gỗ vào ban đêm nên việc thi công gặp nhiều khó khăn” - ông Báu nói thêm.
Người dân lãnh đủ
Đường xuống cấp, thi công dàn trải, chậm chạp đã khiến tuyến đường huyết mạch nối TP HCM với các tỉnh Tây Nguyên nát như tương, ảnh hưởng rất lớn đến giao thông và đời sống người dân.
Theo ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Thái, Quốc lộ 14 nát bét từ nhiều năm nay làm tăng khoảng 30% chi phí vận chuyển cà phê của doanh nghiệp từ Đắk Lắk xuống TP HCM. Chưa kể tình trạng tai nạn, kẹt xe cũng nhiều lần làm doanh nghiệp bị trễ tiến độ giao nhận hàng với đối tác.
Ông Đinh Quang Súy - đại biểu HĐND xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước - cho biết đoạn đường từ cầu 38 về thị trấn Đức Phong (huyện Bù Đăng) cực kỳ nguy hiểm. Hiện đang là mùa khô, mỗi khi thi công do không tưới nước lên mặt đường nên bụi tung mịt mù, dày đặc đến nỗi vào ban ngày, người điều khiển các phương tiện phải bật đèn pha.
Chị Nguyễn Thị Hà - nhà ở xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng - thắc mắc tại sao đơn vị thi công không làm đường theo kiểu cuốn chiếu để xong đoạn nào, dân ở đoạn đó… bớt khổ. “Vào mùa mưa, đường lầy lội đến đáng sợ. Nhiều tài xế sợ sa vào những vũng lầy nên tranh nhau tránh các vũng nước khiến giao thông trở nên cực kỳ lộn xộn” - chị Hà nói.
Ba năm làm được 5 km
Dự án nâng cấp, cải tạo đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên và Bình Phước (Quốc lộ 14) dài 663 km, từ Đắk Giôn (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước). Đến nay, đã hoàn thành được khoảng 200 km, gồm 110 km đoạn Đắk Giôn - Tân Cảnh (Kon Tum) và một số đoạn ngắn qua Gia Lai, Đắk Lắk và Đắk Nông, Bình Phước.
Trong số 463 km còn lại, có 340 km đang được thi công với tổng số vốn hơn 10.000 tỉ đồng, gồm 12 dự án đầu tư bằng nguồn trái phiếu Chính phủ, ngân sách, dài khoảng 133 km và 5 dự án đầu tư theo hình thức BOT dài khoảng 207 km. Hơn 120 km còn lại trên tuyến đường này vẫn chưa được đầu tư nâng cấp cải tạo.
Báo cáo ngày 21-2 của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho thấy nhiều gói thầu được khởi công xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay, khối lượng thực hiện rất thấp. Cụ thể, đoạn từ Km 817 đến 887 qua tỉnh Đắk Nông dài 53 km do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai khởi công tháng 9-2010 nhưng đến nay khối lượng thực hiện khoảng 10%.
C.Nguyên
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!