Khoảng 30 người thuê đất ở buôn Jứ Ma Uôk (xã Ia Broái, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) trồng dưa hấu đã ở lại chòi rẫy để giữ phân bón khi nước lũ đổ về vào ngày 2-11. Đến sáng 3-11, một số người đã di chuyển ra ngoài. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã khẩn trương vào vận động, đưa những người đang mắc kẹt tới nơi an toàn.
Ông Rơ Ô Aluyn, Phó chủ tịch UBND xã Ia Broái, huyện Ia Pa đang ở hiện trường cho biết lực lượng chức năng vẫn đang di dời số người còn lại. “Tới trưa nay, vẫn còn 17 người đang ở lại chòi rẫy. Mục tiêu quan trọng nhất là đưa người ra khỏi vùng nguy hiểm phòng nước lũ tiếp tục dâng cao” – ông Rơ Ô Aluyn gấp gáp nói.
Người dân di tản trâu bò tới nơi an toàn
Đèo Tô Na bị sạt lở trên Quốc lộ 25
Lũ qua tràn thủy điện Đắk Srông 3A
Lực lượng chức năng chuẩn bị thuyền cứu hộ dân
Lũ về dồn dập, nhiều diện tích nương rẫy chìm trong biển nước
Trong sáng 3-11, các lực lượng chức năng thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai đang gấp rút sơ tán người dân, tài sản ra khỏi vùng bị sạt lở. Đặc biệt, có 10 hộ ở phường Sông Bờ bị ngập và hơn 10 công nhân ở một lò gạch giữa khu vực bị ngập lụt gần bờ sông Ba.
Tuyến đường Quốc lộ 25 (nối liền giữa tỉnh Gia Lai và Phú Yên) đã bị chia cắt tại đoạn qua xã Ia Sao (thị xã Ayun Pa). Đoạn này bị ngập sâu khoảng 50 cm, dài khoảng 300 m, làm giáo viên và học sinh các trường trên địa bàn xã Ia Sao không thể tới lớp. Đèo Tô Na nằm trên quốc lộ cũng bị sạt lở nghiêm trọng, gây ách tắc giao thông.
Cũng tại buôn Jứ Ma Uôk, xã Ia Broái, huyện Ia Pa, từ sáng sớm, người dân đã sơ tán trâu, bò lên những khu vực đất cao để tránh lũ. Người già và trẻ em cũng được tập kết tại trường THCS Lê Lợi (xã Ia Broái) để tránh lũ về.
7 buôn tại xã Ia Rsai, huyện Ia Pa cũng đang bị cô lập gồm: buôn Pan, Puh, Chik, Kting, Chư Tê, Sai, Ơ Kia.
Bình luận (0)