Nhiều người còn chú ý một chi tiết thú vị: chiếc áo của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết là màu vàng, nổi bật so với 20 chiếc áo màu đỏ, màu xanh lam khác, và bình luận với nhau rằng đó là chiếc “hoàng bào”, màu chỉ dành cho các vị quốc vương, chứ quần thần không được dùng màu đó! Tán vui với nhau như vậy thôi, chứ qua thông tin báo chí ai cũng biết là ban tổ chức đã gửi 4 loại màu để xin ý kiến từng vị nguyên thủ quốc gia từ trước hội nghị hàng tháng, chứ đâu dám tùy tiện. Rồi lại phải có công hàm gửi từng nước để xin số đo của các vị, còn loại tơ tằm để may áo thì đương nhiên thuộc loại thượng hạng.
Bao giờ cũng thế, mỗi quốc gia đều có một loại quốc phục, mang đặc điểm riêng của nước mình. Người Indonesia tự hào với áo batic in hình rồng và hoa lá cùng những đám mây và tài nghệ của người thợ may là phải cắt và ráp sao cho các hình đó phải đối xứng theo chiều dọc của áo. Mặc áo batic thì không cần cà vạt, không phải bỏ áo trong quần, còn quần thì chỉ cần có màu tương xứng với màu áo, chứ không cần kiểu riêng. Xin đừng ai nghĩ rằng áo batic với kiểu dáng từa tựa chiếc áo sơ mi có ba túi là rẻ. 3.000 USD, tức gần 50 triệu đồng chứ chẳng phải ít! Cô bán hàng vui vẻ giải thích rằng áo được may bằng lụa tơ tằm, còn hoa văn thì được các nghệ sĩ vẽ bằng tay - chứ không phải in bằng máy, bởi thế nó có giá bán của một tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải một chiếc áo thông thường.
Người Philippines cũng có loại áo riêng, có 2 đường thêu hoa văn ở hai bên vạt áo phía trước, cũng được bỏ ngoài quần và không cần cà vạt. Quốc phục bao giờ cũng được mặc trong những dịp trịnh trọng, nghi lễ lớn, nên có những quy định riêng biệt. (Loại áo này, và cả áo batic, hiện nay được bày bán khá nhiều ở Hà Nội và TPHCM, có thể coi như một hình thức giao lưu giữa các quốc gia láng giềng với nhau).
Năm 1996, tôi sang nhận công tác tại Ai Cập. ở đây có tập tục là cứ phải đủ 10 đại sứ mới thì tổng thống mới cho tổ chức lễ trình quốc thư. Hôm đó, 10 đại sứ được các đoàn xe của Vụ Lễ tân Phủ Tổng thống đón đến phòng khách, và ngồi đợi để lần lượt từng người (theo thứ tự ai đến sân bay quốc tế của Ai Cập trước thì trình quốc thư trước). Ông Đại sứ Malaysia được trình đầu tiên. Ông mặc một bộ complet đen cắt rất đẹp, nhưng có thêm một chiếc váy ngắn cũng màu đen quấn quanh người, dài đến ngang đầu gối. Kế đó, ông Đại sứ Myanmar mặc quân phục (vì ông có hàm thiếu tướng) đeo huân chương đầy ngực, quần có đường kẻ đỏ ở hai bên, nhưng trên đầu lại là một chiếc khăn vải trắng, thắt theo kiểu “khăn đầu rìu” ở ta. Đấy là quốc phục của bạn, trông thì lạ nhưng không ai có quyền bình luận là đẹp hay không đẹp.
Đầu năm 2000, được sự ủy quyền của hai chính phủ, Đại sứ VN và Vương quốc Lesotho tại Ai Cập ký kết Hiệp định thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức giữa 2 quốc gia. Lễ ký kết được tổ chức ở Đại sứ quán VN. Đúng giờ đã thỏa thuận, một đoàn xe của bạn dừng trước cổng đại sứ quán. Đại sứ Lesotho và phu nhân, cùng toàn thể cán bộ ngoại giao của đại sứ quán bạn (tham tán, bí thư các cấp, tùy viên) xuống xe, mọi người đều mặc những bộ complet hoặc váy áo rất “xịn”, nhưng bên ngoài, mỗi người khoác một chiếc chăn len mỏng in hoa văn khác nhau. Chăn len thực sự, choàng từ cổ xuống ngang gối (mặc dù thời tiết của Cairo khi đó không dưới 36oC). Mỗi người còn đội trên đầu một chiếc mũ đan bằng mây - kiểu như cái mũ cối của ta, nhưng vành mũ rộng hơn - có hàng chữ LESOTHO đan rất khéo trên vành. Mũ được đội ngay cả khi đã an tọa trong phòng khách và khi lễ ký kết giữa hai đại sứ được tiến hành.
Trong mấy năm công tác ở Syria, tôi rất “mê” những bộ lễ phục của phụ nữ nước này, nhưng không tài nào chụp ảnh được, nên tôi đành giữ lại những tấm ảnh... in trên thiếp chúc Tết năm mới của ban lãnh đạo của đảng bạn (Đảng Baas Syrie), những tấm ảnh đặc tả nét đẹp của khuôn mặt cũng như váy áo của phụ nữ Syria mà thôi.
Trở lại chuyện quốc phục VN, tôi tin rằng nay mai, khi ra nước ngoài công tác, trong buổi lễ trình quốc thư lên tổng thống hoặc quốc vương nước sở tại, các Đại sứ VN sẽ mặc bộ quốc phục như đã được dùng trong dịp APEC 14 vừa qua. Tại sao không?
Bình luận (0)