Mục được quan tâm nhiều có lẽ là việc cấm dạy thêm - học thêm ở bậc tiểu học. Phụ huynh Nguyễn Thiện viết bài khá dài nói rõ quy định này của Bộ GD-ĐT chưa ổn, bởi còn mang tính chủ quan áp đặt. Phụ huynh này đề nghị nên bỏ ý này vì Bộ GD-ĐT chỉ có giải pháp cho phần ngọn còn gốc rễ của vấn đề là bế tắc. Nhiều ý kiến cũng đồng quan điểm này.
Các ý kiến đăng tải trên 2 trang web của Bộ GD-ĐT |
Bàn về giải pháp, phụ huynh ở địa chỉ eduvui cho rằng để cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, bộ trưởng nên trình Chính phủ, bằng mọi giá: 1) Hãy cải cách chế độ tiền lương cho giáo viên tiểu học. 2) Hãy lập tức làm lại chương trình tiểu học. Chương trình tiểu học của ta vừa quá nặng (quá tải) vừa quá nhẹ (chưa đủ tải). “Để thực hiện được việc cải cách chương trình theo hướng này, tôi biết là bộ sẽ gặp nhiều khó khăn khi hàng loạt giáo viên đang làm việc bình thường bỗng nhiên thất nghiệp. Đó là một bài toán khó. Bài toán này riêng bộ không giải được, vì thế bộ trưởng nên trình ra Quốc hội. Tôi tin rằng khi cả nước tìm cách giải quyết thì ắt là làm được” - phụ huynh này kết luận.
Về việc dạy thêm - học thêm ở bậc THCS và THPT, nhiều ý kiến cho rằng không nên tổ chức trong nhà trường. Phụ huynh tên Vũ Khánh Toàn viết: “Nhà trường nên đứng ngoài việc dạy thêm vì nếu có chỉ đạo của ban giám hiệu, của giáo viên chủ nhiệm thì tính tự nguyện rất khó thực hiện”. Theo phụ huynh này, hầu hết dạy thêm trong nhà trường hiện nay ít nhiều mang tính áp đặt. Phụ huynh eduvui phân tích thêm: Nếu dạy thêm ở trường, tiền học sẽ nộp cho nhà trường, sau đó sẽ phân chia cho nhiều người. Mà ở ta, người quản lý bao giờ cũng được phần hơn. Khi giáo viên nhận phần ít hơn thì kiến thức giáo viên truyền cho học sinh cũng ít hơn. Còn học sinh học ngoài nhà trường phải đóng tiền học cao hơn học thêm ở trường, nhưng bù lại giáo viên sẽ cung cấp cho học sinh lượng kiến thức ngang bằng với số tiền mà các em bỏ ra, nghĩa là số tiền đó không bị “xà xẻo” bởi bộ máy quản lý. “Rất mong bộ trưởng suy nghĩ kỹ về điều này” - phụ huynh này viết.
Dạy thêm theo hướng tiêu cực đương nhiên là phải chống, phải khắc phục bằng biện pháp cấm. Nhưng làm cách gì để cấm? Biện pháp có thể chấp nhận được là cấm giáo viên dạy thêm cho chính học sinh của mình. Dĩ nhiên là rất khó kiểm soát. Nếu Bộ GD- ĐT quản lý được kỷ luật lao động ở nhà trường, nghĩa là phải dạy hết kiến thức trên lớp thì có thể khắc phục được phần nào mà thôi.
Một giáo viên nêu ý kiến rằng nội dung của điều 5 về dạy thêm ngoài nhà trường là thừa thãi, giẫm chân lên các điều luật khác vì hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường đã bị chi phối bởi các luật lệ.
Bình luận (0)