Phóng viên: Vừa qua có thông tin về quy hoạch, sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Cụ thể như thế nào, thưa ông?
- Ông Nguyễn Bắc Son: Điều 17 của Luật Báo chí hiện hành quy định chức năng quản lý nhà nước về báo chí là phải xác định quy hoạch, kế hoạch, chiến lược quy hoạch báo chí. Đây là việc bình thường và là nhiệm vụ cần thiết, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Nhưng quy hoạch báo chí là nhiệm vụ rất phức tạp, nhạy cảm, nhất là trong tình hình hiện nay. Chính vì vậy, quy hoạch này nhận được sự chỉ đạo rất chặt chẽ của Đảng, nhà nước.
Bộ Chính trị đã 3 lần cho ý kiến về vấn đề này và cũng khẳng định đây là vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm. Tuy nhiên, Bộ Chính trị cũng đã định hướng quy hoạch là để báo chí ngày càng phát triển hơn, chất lượng tốt hơn, không để tư nhân núp bóng. Quy hoạch không cần nhiều nhưng cần chất lượng. Nội dung quy hoạch như thế nào Chính phủ sẽ phê duyệt, phổ biến quán triệt, thông tin rộng rãi đến mọi người dân, trước hết là đến cơ quan báo chí.
Làm thế nào để việc quy hoạch tạo điều kiện cho báo chí phát triển tốt hơn như định hướng, thưa ông?
- Trong quy hoạch phải tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động báo chí, đặc biệt kinh tế báo, làm cho báo chí ngày càng phát triển, mạnh lên, chất lượng hơn. Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 đặt ra như vậy còn nội hàm thế nào Chính phủ sẽ ban hành. Hiện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã trình dự thảo quy hoạch, chờ Chính phủ phê duyệt.
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa thực hiện quy hoạch báo chí, ông đánh giá sự tiên phong này đem lại kết quả như thế nào?
- Quy hoạch báo chí của Bộ GTVT vừa qua là dựa trên thực tiễn, xu hướng phát triển hoạt động báo chí của ngành, phù hợp với pháp luật. Điều 12 Luật Báo chí hiện hành nói rõ cơ quan chủ quản báo chí có quyền điều chỉnh quyết định cơ quan báo chí đó. Việc Bộ GTVT xét thấy 7 tờ báo, 7 cơ quan báo chí là quá nhiều thì tổ chức lại để chất lượng báo chí tốt hơn. Việc này là cần thiết, phù hợp.
Hay như Bộ TT-TT, mặc dù chưa ban hành quy hoạch nhưng vừa qua, xét thấy có sự bất hợp lý khi để Đài Truyền hình kỹ thuật số (VTC) trực thuộc một doanh nghiệp của mình quản lý nên đã sắp xếp lại. Cụ thể, Bộ TT-TT đã chủ động đưa VTC ra khỏi Tổng Công ty VTC. Nói thêm là hiện nay, Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) là “tiếng nói có hình”, được giao nhiệm vụ thực hiện kênh truyền hình Quốc hội. Thế thì việc gì chúng ta có một đài rồi thì lại thành lập thêm 1 đài nữa. Trong VOV lại có thêm một đài truyền hình thì có nên không? Kênh truyền hình Quốc hội là yêu cầu nhiệm vụ cần thiết nên kênh này sẽ do VTC đảm nhiệm thì nhà nước khỏi phải đầu tư cơ sở vật chất.
Cũng theo cách đó, dù không có quy hoạch báo chí nhưng báo VNMedia của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tới đây cũng sẽ sắp xếp lại, chuyển thành trang thông tin.
Theo thông tin ban đầu, quy hoạch báo chí có thể ban hành trong quý II/2015 nhưng đến nay Thủ tướng Chính phủ vẫn chưa phê duyệt, vậy các cơ quan chủ quản vẫn tiến hành theo định hướng của Bộ Chính trị, thưa ông?
- Bộ Chính trị không phê duyệt quy hoạch mà chỉ cho ý kiến định hướng tư tưởng, còn phê duyệt là Thủ tướng Chính phủ. Bao giờ Thủ tướng phê duyệt thì triển khai thôi. Hiện nay đã trình rồi và Thủ tướng sẽ cân đối, quyết định.
Trao quyền chủ động cho cơ quan chủ quản
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh dù chưa có quy hoạch, các bộ ngành vẫn có thể chủ động sắp xếp lại cơ quan báo chí trực thuộc. Chẳng hạn như hiện nay, cơ quan báo chí nào vi phạm thì phải đình chỉ, có báo phải thu hồi ấn phẩm phụ, đấy là việc bình thường. Tuy nhiên, nếu có quy hoạch, sẽ giúp chúng ta làm một cách đồng loạt hơn, làm sao cho báo chí ngày càng chất lượng hơn.
Bình luận (0)