xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quy hoạch lại thủy lợi ở ĐBSCL

Ca Linh

Sự tác động của con người và những yếu kém của hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL đã làm hạn chế việc kiểm soát lũ và xâm nhập mặn, do đó cần quy hoạch lại toàn bộ

Ngày 20-4, tại TP Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội thảo “Giải pháp tổng hợp để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”. Quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, nạo vét toàn bộ kênh mương ở ĐBSCL là giải pháp trọng yếu được nhiều đại biểu đặt ra tại hội nghị này.

Thiệt hại sẽ còn nhiều hơn

Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi, cho biết do ảnh hưởng của tình hình hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua, toàn vùng ĐBSCL có khoảng 220.000 ha lúa bị ảnh hưởng, khoảng 1 triệu người thiếu nước ngọt sinh hoạt. “Hạn, mặn không chỉ dừng lại ở đây mà trong tương lai còn nhiều đợt El Nino” - ông Tỉnh cảnh báo. Trong khi đó, theo ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thủy văn và BĐKH, Bộ Tài nguyên và Môi trường sắp công bố kịch bản BĐKH và nước biển dâng phiên bản 2015. Theo kịch bản này, khả năng vùng ĐBSCL sẽ bị thiệt hại nhiều hơn so với tính toán trước đây.


Đập ngăn mặn ở tỉnh Bạc Liêu phát huy hiệu quả trong thời điểm xâm nhập mặn Ảnh: NGỌC TRINH

Đập ngăn mặn ở tỉnh Bạc Liêu phát huy hiệu quả trong thời điểm xâm nhập mặn Ảnh: NGỌC TRINH

Trước tình hình trên, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng thực hiện kế hoạch thích ứng với BĐKH, kể cả các tác động từ việc phát triển đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông. Nhìn nhận Chính phủ đã có chỉ đạo rất kịp thời, ông Nguyễn Nghĩa Hùng, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, cho biết vừa qua, cơ quan này cũng đã lập dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL”. Mục tiêu của dự án là tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH cho các hoạt động quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nước tại 3 vùng: thượng nguồn (An Giang, Đồng Tháp), cửa sông (Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng) và bán đảo (Bạc Liêu, Kiên Giang, Cà Mau).

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 8.600 tỉ đồng, xây dựng 20 trạm giám sát nước mặt, nâng cấp phục hồi 11 trạm giám sát nước ngầm. “Khi dự án này đi vào vận hành, tại vùng thượng nguồn sẽ tăng cường khả năng trữ lũ, không cản lũ, tận dụng mặt lợi của lũ để tạo sinh kế cho người dân; đồng thời tăng cường khôi phục rừng và bảo vệ bờ biển, khả năng chống chịu triều cường cho vùng cửa sông và bán đảo” - ông Hùng nói.

Nạo vét các trục kênh

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL, bày tỏ: “ĐBSCL được thiết kế với “3 túi nước điều hòa” gồm: Biển Hồ ở Campuchia (rộng 300.000 ha); vùng Tứ giác Long Xuyên (590.000 ha); vùng Đồng Tháp Mười (700.000 ha). Hằng năm, khi nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, đến Campuchia, nước chảy vào Biển Hồ làm hồ rộng ra từ 5-6 lần và chảy vào vùng Đồng Tháp Mười và Tứ giác Long Xuyên làm cho 2 vùng này ngập sâu từ 3-4 m. “Chính 3 túi nước này điều hòa cho ĐBSCL nhưng ngày nay, do BĐKH và sự can thiệp của con người đã làm cho chúng “biến dạng”: mùa lũ hung hãn hơn, mùa khô bị hạn và mặn tấn công” - ông Thiện nhận định.

Trong khi đó, ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đánh giá những yếu kém trong các công trình thủy lợi ở vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười đã làm hạn chế việc kiểm soát lũ và xâm nhập mặn cho toàn vùng ĐBSCL. Do đó, cần quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, tiến hành nạo vét kênh cho cả vùng ĐBSCL.

Theo ông Dũng, vừa qua, Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam và Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam đã lập gói thầu “tư vấn chuẩn bị cho kế hoạch quản lý nước và kế hoạch đầu tư cấp tỉnh” để giúp Bộ NN-PTNT có những giải pháp quy hoạch thủy lợi cho vùng ĐBSCL. Theo gói thầu này, sẽ nạo vét các trục kênh T3, T4, T5, T6 của vùng Tứ giác Hà Tiên để thoát lũ nhanh ra biển và cải tạo đất phèn. Vùng Tứ giác Long Xuyên xây cống Trà Sư, Tha La, 8 cống ven sông Hậu, nạo vét kênh Vĩnh Tế để kiểm soát lũ. Vùng Tây sông Hậu hoàn chỉnh hệ thống Ô Môn - Xà No, đầu tư dự án phân ranh mặn - ngọt cho vùng Quảng Lộ - Phụng Hiệp; hoàn thiện hệ thống đê biển ven biển Vĩnh Châu (Bạc Liêu); xây dựng hồ chứa nước U Minh, An Minh phục vụ cho cư dân vùng U Minh Hạ và U Minh Thượng…

Sông Cái bị xâm nhập mặn nghiêm trọng

Cùng ngày, Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa cho biết độ mặn trên sông Cái đo tại đập Vĩnh Phương (TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) lên đến 28.500 mg muối/lít, cao gấp 114 lần tiêu chuẩn cấp nước cho phép và gần bằng độ mặn trung bình ở nước biển (khoảng 30.000 mg muối/lít). Do bị xâm nhập mặn cao, tại các cồn bãi giữa dòng sông Cái và ven bờ sông phía dưới cầu Vĩnh Phương, nhiều diện tích hoa màu không thể canh tác.

Theo ông Vũ Đức Bình, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cấp thoát nước Khánh Hòa, mực nước trên sông Cái đã xuống thấp hơn mặt tràn 20 cm, dẫn đến bị nước biển tràn vào gây nhiễm mặn nặng. Do đập Vĩnh Phương gia cố thủ công, độ ổn định không cao nên dễ bị nước xô lệch. Điều này gây nguy cơ thẩm thấu nước mặn qua con đập, ảnh hưởng đến 2 nhà máy xử lý nước sạch Võ Cạnh và Xuân Phong có tổng công suất cấp nước khoảng 113.000 m3/ngày đêm ở ngay gần đó. “Nếu tình hình hạn, mặn kéo dài, nguy cơ thiếu nước sinh hoạt của TP Nha Trang và thị trấn Diên Khánh là rất cao. Chúng tôi đã kiến nghị Sở NN-PTNT xả các hồ chứa ở thượng nguồn sông Cái khi cấp bách để đẩy mặn, đủ nước cho 2 nhà máy hoạt động” - ông Vũ Đức Bình nói.

K.Nam

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo