Người thưa kiện cho rằng có gian lận, còn lãnh đạo của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương thì khẳng định: Chúng tôi làm đúng quy trình!
Hai chữ “quy trình” hình như đã bị lạm dụng trong thời gian qua. Khi một sự việc tiêu cực xảy ra, thay vì cá nhân đứng ra chịu trách nhiệm thì ngược lại là câu trả lời “chúng tôi đã làm đúng quy trình”.
Lũ do trời, những người quản lý thủy điện xả lũ đúng quy trình, chỉ có người dân gặp họa từ trên trời rơi xuống. Kể cả trong vụ tham ô tài sản, cố ý làm trái quy định của nhà nước tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), nhắc đến Dương Chí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines), dư luận vẫn còn lưu câu nói của những người đưa ông lên chức vụ cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: Bổ nhiệm đúng quy trình.
Vậy thì, cán bộ lãnh đạo của Bộ Công Thương tuyên bố tổ chức thi tuyển công chức đúng quy trình không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng điều quan trọng là quy trình đó được lập ra để tuyển người có năng lực hay tuyển những người đã được chọn sẵn.
Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương vừa ra quyết định kỷ luật nguyên cục trưởng, cục phó Cục QLTT và trưởng, phó phòng pháp chế do sai phạm trong việc bảo mật đề thi khiến cháu phó cục trưởng trúng tuyển. Vụ lùm xùm này chưa lắng xuống thì nay dư luận lại xôn xao trước đơn tố cáo có “người nhà” trúng tuyển vào Cục Quản lý cạnh tranh cũng thuộc bộ này.
Không chỉ các cuộc thi tuyển tại Bộ Công Thương mà cứ hỏi các cuộc thi ở bất cứ địa phương, ngành nào cũng sẽ có ngay câu trả lời “chúng tôi tổ chức thi đúng quy trình”. Tổ chức một kỳ thi cao đẳng, đại học với vài triệu thí sinh nhưng vẫn thực hiện công khai, minh bạch, không có trường hợp nào gian dối theo kiểu gửi gắm để được điểm. Vậy thì thi tuyển công chức ở một cơ quan, ngành hay địa phương với vài chục đến vài trăm người hoàn toàn có thể kiểm soát để bảo đảm tuyệt đối không có tiêu cực. Vấn đề ở chỗ là người ta chọn quy trình để tổ chức thi hay chọn quy trình để mưu cầu danh lợi mà thôi.
Bình luận (0)