Khoảng 10 năm qua, chúng ta chứng kiến những nhóm làm giáo dục nhiệt huyết, ưu tư với cải cách đã thất bại, nhiều mô hình thử nghiệm lý tưởng đã vấp phải các giới hạn thực tế nghiệt ngã, đành chấp nhận hoặc thỏa hiệp để sinh tồn hoặc vỡ mộng, sụp đổ.
Thông điệp “tự chủ đại học” được đưa ra thời gian gần đây tháo gỡ phần nào khó khăn về cơ chế quản trị của các trường đại học về phương diện kinh tế nhưng cũng gây không ít sự lúng túng. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong bài phát biểu tại lễ Kỷ niệm 60 năm thành lập và khai giảng năm học 2016-2017 của Trường ĐH Công nghiệp TP HCM (ngày 11-11) nói rằng đã có sự “hiểu lệch” về thông điệp này. Cụ thể, cái sự “hiểu lệch” nằm ở chỗ cho rằng tính tự chủ dừng lại ở vấn đề tài chính, hàm nghĩa là nhà nước “xóa bao cấp” cho cơ sở giáo dục đại học. Theo Phó Thủ tướng, tự chủ phải đi đến chỗ tự quản trong đại học; bỏ cơ chế bộ chủ quản và độc lập; không lệ thuộc vào nguồn ngân sách nhà nước.
Trong bối cảnh hiện nay, về mặt kinh tế, thông điệp đó đặt ra vấn đề các trường đại học cần phải bước vào thị trường trong tư thế bình đẳng. Hẳn nhiên, đó là điều có lợi cho cả hai phía - bầu sữa ngân sách lẫn kháng thể sinh tồn của các cơ sở đại học trong nền kinh tế thị trường, hội nhập. Khi tính tự quản, tự quyết được bảo đảm, các trường đại học muốn tồn tại sẽ phải đi đến chỗ làm tốt trách nhiệm phục vụ nhu cầu người học, hoàn thiện hơn về chất lượng để giành lợi thế cạnh tranh, sự tín nhiệm của xã hội.
Tuy nhiên, vấn đề không hề đơn giản như vậy khi mọi thứ chỉ dừng ở sự cởi mở mang tính hình thức và bề mặt thị trường mà không đi cùng với một cơ chế tự quyết về phương diện triết lý, học trình, sinh hoạt học thuật, tạo ra văn hóa đại học đúng nghĩa.
Tự quản kinh tế bắt buộc phải đi cùng với văn hóa tự trị đại học để đại học không phải là nơi mua bán kiến thức thuần túy theo ý chí của người bán mà phải là không gian đặt lại các vấn đề về con người và phát triển; là nơi cung cấp các giải pháp tư duy, phương pháp kiến tạo và thay đổi thực tại theo chiều hướng văn minh, phù hợp với thời đại.
Gần đây, có hiện tượng hàng loạt phụ huynh, sinh viên tập trung phản ứng, đưa quan điểm về những lùm xùm trong quản trị ở một số trường đại học đang cho thấy đã đến lúc, người học, khách hàng nhận thức vai trò, quyền lợi của mình trước những bất ổn của môi trường giáo dục. Cơ quan chức năng cần bình tĩnh nhìn nhận vấn đề theo chiều hướng tích cực: đó là quyền được bày tỏ nguyện vọng chính đáng trước những điều liên quan trực tiếp đến tương lai, con đường học thuật của họ.
Cần nhận diện sâu sắc hơn về nguyện vọng của người dân đối với nền giáo dục để hướng đến tinh thần tự trị làm nền tảng cho giáo dục, tạo điều kiện phát triển đại học thì mới mong có được sự thay đổi đích thực.
Bình luận (0)