xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Quyết chặn oan sai

Thế Dũng

Để hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình, mớm cung, nhiều thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng ngoài việc có những quy định chặt chẽ hơn, cần phân biệt rõ tạm giữ và tạm giam

Chiều 27-2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tạm giữ, tạm giam.

Bảo đảm quyền con người

Đại diện cơ quan thẩm tra dự luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết Thường trực Ủy ban Tư pháp ủng hộ sự cần thiết ban hành luật này, bảo đảm công tác tạm giam, tạm giữ phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, quyền công dân chỉ bị hạn chế bởi luật; khắc phục những hạn chế, bất cập trong thực tiễn, nhất là tình trạng chết, bức cung, nhục hình, vi phạm quyền con người xảy ra ở nhà tạm giữ, trại tạm giam.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đặt vấn đề: “Luật có quy định nào để hạn chế tình trạng bức cung, nhục hình, mớm cung?”. Cùng quan tâm vấn đề này, TS Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp (Ủy ban TVQH), cho biết năm 2014, khi đến Việt Nam, đoàn nhân quyền thế giới có làm việc với viện và băn khoăn về việc có phạm nhân nằm trên sàn lạnh, bị cùm chân. “Vậy, dự luật có quy định bảo đảm quyền đối với người bị tạm giữ, tạm giam hay không?” - ông Thảo băn khoăn.

 

5 bị can nguyên là cán bộ Công an TP Tuy Hòa, Công an tỉnh Phú Yên bị truy tố tội “Dùng nhục hình” làm 1 người chết 
 Ảnh: Hồng Ánh
5 bị can nguyên là cán bộ Công an TP Tuy Hòa, Công an tỉnh Phú Yên bị truy tố tội “Dùng nhục hình” làm 1 người chết Ảnh: Hồng Ánh

 

Theo Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, việc bức cung, nhục hình phần lớn xảy ra trong giai đoạn điều tra, chứ không phải trong quá trình giam giữ. “Pháp luật hiện hành quy định cụ thể quyền của người bị tạm giam, tạm giữ, cũng như các hành vi bị nghiêm cấm. Song, đúng là vẫn còn một số trường hợp bức cung, nhục hình. Đây còn là ý thức chấp hành pháp luật nên cần thường xuyên giáo dục, giám sát, ngăn chặn” - ông Vương phân tích.

Ông Vương cho biết thêm, hiện buồng giam giữ quy định là 2 m2/người. “Trong quy định, có chăn màn, bệ nằm, người bị giam giữ được ăn uống đầy đủ, không có chuyện phạm nhân nằm sàn bê tông. Còn án nghiêm trọng, tử hình thì trong buồng tạm giam có vị trí bị cùm 1 chân. Hay hình thức kỷ luật đối với đối tượng vi phạm trong trại giam là phải cùm chân” - ông Vương giải thích.

Chưa hài lòng, ông Phan Trung Lý đặt vấn đề: “Bức cung, nhục hình, mớm cung qua báo cáo giám sát của QH đều xảy ra tại giai đoạn tạm giữ, tạm giam. Phải có biện pháp mạnh, quy định cụ thể để hạn chế tình trạng này, như phải có luật sư, chứ hô hào khẩu hiệu chung chung thì không được”.

Ông Lý phân tích tiếp: “Đọc dự luật có 6 quyền tự do con người bị hạn chế đã đúng hay chưa, vì còn những quyền tự do khác như ngôn luận, báo chí, biểu tình...? Hiến pháp quy định người bị buộc tội được coi là chưa có tội trước khi bản án của tòa án có hiệu lực. Làm như vậy là tước đi quyền tự do của họ?”.

Phải phù hợp với công ước quốc tế

Ông Nguyễn Doãn Khánh, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương, đề nghị phải phân biệt giữa chế độ tạm giữ và tạm giam vì dự luật quy định gần như “đánh đồng” làm một. “Theo Hiến pháp, họ chỉ bị hạn chế một phần chứ không phải mất tất cả. Tuy nhiên, trong luật này thấy có rất nhiều quyền con người bị hạn chế khi bị tạm giữ, tạm giam” - ông Khánh chỉ rõ.

Bày tỏ băn khoăn dự luật quy định người bị tạm giữ, tạm giam bị cùm 1 chân do vi phạm kỷ luật, ông Lý nói: “Cần xem lại bởi họ được coi là chưa có tội mà đã bị cùm chân. Đây là hình phạt rất nặng, cần cân nhắc”.

Cho rằng dự luật không ổn, có nhiều chi tiết vi phạm Hiến pháp, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước phân tích người có hành vi vi phạm hành chính cũng có thể bị tạm giữ. Còn người phạm tội, vi phạm pháp luật mới đưa vào nhà tạm giam nên nhà tạm giam và tạm giữ là khác nhau. Trong số này, có người chưa mất quyền công dân nên phải phân biệt với đối tượng đã đang thụ án.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng băn khoăn: “Việt Nam vừa tham gia Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người. Nay luật mà cho cùm chân thì có vi phạm công ước quốc tế?”

 

Trao quyền điều tra cho công an xã dễ làm oan người vô tội

Cùng ngày, Ủy ban TVQH đã nghe và cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết dự luật đề nghị bổ sung quy định công an xã, phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an là cơ quan khác của lực lượng cảnh sát trong Công an Nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cụ thể, công an phường, thị trấn, đồn công an, trạm công an có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, tiến hành kiểm tra, xác minh sơ bộ và chuyển ngay tố giác, tin báo về tội phạm xác định có dấu hiệu tội phạm kèm theo các đồ vật, tài liệu có liên quan cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Thẩm tra dự luật, Thường trực Ủy ban Tư pháp cho biết nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã đang được thực hiện theo Pháp lệnh công an xã (tiếp nhận, phân loại xử lý theo thẩm quyền các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn; kiểm tra người, đồ vật, giấy tờ tùy thân; lập hồ sơ ban đầu, lấy lời khai người bị hại...) và không được coi là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện thẳng thắn: “Trên thực tế, công an xã là lực lượng bán chuyên trách, trình độ của công an cấp xã ở nhiều địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa được đào tạo cơ bản về chuyên môn, nghiệp vụ điều tra. Việc giao thêm một số hoạt động điều tra ban đầu cho công an xã sẽ vượt khả năng của họ, dễ dẫn đến sai lệch trong điều tra vụ án hình sự, gây khó khăn cho cơ quan điều tra chuyên trách hoặc bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội”.

Ông Nguyễn Doãn Khánh và Phó chánh án TAND Tối cao Nguyễn Văn Thuân đề nghị không bổ sung thẩm quyền điều tra của lực lượng trên.

Giải trình, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết nếu được giao thì các cơ quan nêu trên cũng chỉ được giao một số công việc nhất định hoặc vụ án ít nghiêm trọng.   

 T.Dũng

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo