Phóng viên: Cuối năm 2014, khi TP HCM thực hiện đề án đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, tệ nạn xã hội giảm rất nhiều. Hiện nay, nhiều đối tượng nghiện ma túy trốn ở địa phương khác quay lại hoạt động ở một số vùng ven khiến người dân lo sợ. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?
- Ông Trần Ngọc Du:
Sau khi TP HCM thực hiện đề án đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội, từ chỗ người nghiện tràn lan, ngang nhiên mua bán, hút chích nơi công cộng thì sau đó đã không còn những tụ điểm công khai ở trung tâm TP. Ở các tụ điểm “nóng” vùng ven như Bến xe An Sương, ngã tư Ga, ngã tư Bình Phước…, tệ nạn giảm nhưng vẫn còn.
Hiện nay, không còn tụ điểm “chết”, đối tượng thay đổi địa điểm thường xuyên để đối phó với cơ quan chức năng. Mặt khác, đối tượng lợi dụng địa bàn giáp ranh để hoạt động nên gây khó khăn cho cơ quan quản lý, khi tiến hành tập trung thì họ chạy sang tỉnh khác nên nhiều lúc “bó tay”.
Trước tình trạng này, TP HCM phải làm gì, thưa ông?
- TP HCM rất quyết liệt trong xử lý các tệ nạn xã hội. Thành ủy - UBND TP liên tục có những chỉ đạo để xử lý. Ngoài đề án đã nêu, TP đang tích cực đẩy mạnh cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng đối với người nghiện có nơi cư trú ổn định tại địa phương. Tuy nhiên, việc này còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn do nhiều nguyên nhân. Đó là phần lớn người nghiện và gia đình chưa tự giác khai báo tình trạng nghiện và đăng ký cai nghiện tại gia đình, cộng đồng nên gây trở ngại cho việc triển khai. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ làm công tác cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chưa đáp ứng yêu cầu. Có thêm nguyên nhân khách quan là các quy định chưa đồng bộ, chưa phù hợp thực tiễn.
Những văn bản đề cập công tác quản lý người nghiện ma túy có một số quy định chồng chéo. Người nghiện ma túy cùng một lúc chấp hành 2 quyết định của chính quyền địa phương (giáo dục tại phường/xã/thị trấn 3-6 tháng theo Nghị định 111 và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng 6-12 tháng theo Nghị định 94).
Do vậy, sau khi hết thời gian giáo dục tại phường xã, thị trấn, người nghiện phải chờ thêm cho hết thời gian cai nghiện tại gia đình, cộng đồng thì mới tiếp tục làm hồ sơ chuyển lên tòa án xem xét, có quyết định mới đưa đi cai nghiện bắt buộc tập trung. Đây là một quá trình dài và rất khó khăn.
Chẳng lẽ chúng ta chịu thua sao?
- Tất nhiên là không! Từ việc vận dụng linh hoạt 2 nghị định (111 và 94), UBND TP đã có chỉ đạo thống nhất với 24 quận, huyện là áp dụng mốc thời gian giáo dục và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng chỉ trong 6 tháng.
Một điểm quản lý mới nữa là trước đây, các cơ quan chủ yếu vận động gia đình và người nghiện tự nguyện đăng ký các chương trình cai nghiện, điều này hiệu quả không cao vì người nghiện và gia đình rất ít tự nguyện đăng ký tại địa phương; từ nay, khi gia đình và người nghiện không tự nguyện đăng ký thì chính quyền địa phương sẽ ban hành một quyết định bắt buộc.
Song song đó, TP nỗ lực xây dựng đội ngũ cán bộ cũng như cơ sở vật chất để đáp ứng cho việc cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; kiên trì kiến nghị các ban ngành trung ương tháo gỡ những vướng mắc từ luật.
Những người nghiện không nơi cư trú ổn định được đưa vào các cơ sở xã hội hiện nay ra sao?
- Họ bây giờ rất tốt. Người nghiện được tư vấn tâm lý, cắt cơn, giải độc, được chăm sóc sức khỏe chu đáo, ăn uống đầy đủ. Sau khi có quyết định của tòa án đi cai nghiện bắt buộc tại các trung tâm thì họ tiếp tục được chăm sóc; tham gia văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, học văn hóa và học nghề. Nói chung, họ được lo chu đáo để chuẩn bị tốt hơn trước khi hồi gia, tái hòa nhập cộng đồng.
Hiện các cơ sở xã hội đang quản lý hơn 700 người nghiện; chuyển đến các trung tâm cai nghiện bắt buộc khoảng 1.300 người nghiện. Phải nói rằng việc đưa người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội là một việc làm hết sức nhân đạo, giành giật lại sự sống cho những người trẻ tuổi, mang lại cho họ một cuộc sống tốt hơn.
Trước ngày 30-4, người nghiện phải đăng ký hình thức cai
Ngày 20-3, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Hứa Ngọc Thuận đã ban hành công văn khẩn về đẩy mạnh công tác tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng trên địa bàn TP. Theo đó, các quận, huyện, sở - ngành và đơn vị liên quan hạn chế phát sinh người nghiện mới, kéo giảm tội phạm và tệ nạn xã hội; đồng thời khắc phục khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về xử lý người nghiện ma túy, đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Các đơn vị tập trung thực hiện mục tiêu đến trước ngày 30-4, tất cả người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP chưa đăng ký hình thức cai nghiện đều phải đăng ký và tham gia chương trình cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng.
Bình luận (0)