* Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng đề xuất của Bộ GTVT về thu phí lưu hành phương tiện xe cá nhân đối với ô tô, xe máy mang tính chất lạm thu khi trước đó cũng đã đề xuất Chính phủ thu phí đối với 2 loại phương tiện này cho Quỹ Bảo trì đường bộ ?
Đề xuất của Bộ GTVT dựa trên cơ sở kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới như Đức, Anh, Thụy Sĩ, Singapore. Nhưng mình học hỏi có chọn lọc, dựa vào điều kiện thực tế giao thông tại Việt Nam. Phí thu cho Quỹ Bảo trì đường bộ đang chờ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ chỉ đáp ứng 70%-75% kinh phí cho công tác bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống đường sá; ngân sách Nhà nước vẫn phải bảo đảm 25%-30% còn lại.
Tôi nghĩ rằng người đi xe máy, ô tô phải nộp phí để tái tạo, xây mới đường sá và bảo đảm các giải pháp giao thông hiệu quả là hợp lý. Thực tế mức thu 500.000 đồng/năm đối với xe máy đâu có lớn, tính ra mỗi tháng chỉ mất chưa đến 50.000 đồng. Còn mức thu 1 triệu đồng/năm chỉ áp dụng với xe máy có dung tích xi lanh trên 175 phân khối. Loại xe này đâu có phổ biến trong đại bộ phận nhân dân, chỉ dân chơi mới sử dụng.
* Bộ GTVT có cam kết thu các loại phí như vậy sẽ giảm được ùn tắc giao thông? Nếu không hiệu quả có hoàn lại tiền cho người dân ?
- Cuộc sống không ngừng phát triển và có lẽ chỉ khi nào trái đất ngừng quay mới hết chuyện tắc đường, hết tai nạn giao thông. Các nước tiên tiến như Mỹ, Anh khi đưa ra rất nhiều giải pháp, thu phí, thuế cao đối với ô tô cũng không bao giờ dám khẳng định bao giờ sẽ hết ùn tắc, tai nạn. Các biện pháp mà chúng tôi đang đưa ra chỉ nhằm cố gắng hạn chế tới mức thấp nhất có thể.
* Khi báo chí thông tin về đề xuất này, nhiều người dân đã đặt câu hỏi: Nếu Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng là một cán bộ Nhà nước bình thường, lương 3-4 triệu đồng/tháng và đi xe máy rẻ tiền thì ông có sẵn sàng đóng phí hay không?
- Tôi khẳng định đề xuất của Bộ GTVT đưa ra không phải để mọi người dân sợ không sử dụng phương tiện cá nhân đi lại nữa. Nhưng đã đến lúc người dân cần phải hỗ trợ, ủng hộ Nhà nước trong việc nâng cấp, sửa chữa, làm mới hệ thống đường sá. Toàn bộ số tiền thu được từ các loại phí trên sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông.
Cháy xe máy, ô tô: Quy trách nhiệm cụ thể Tại buổi họp báo, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết sau khi nắm được thông tin về các vụ cháy, nổ xe máy, ô tô trong thời gian qua, ông đã yêu cầu lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam làm báo cáo giải trình, xem xét trách nhiệm thuộc về ai. “Tuy nhiên, đúng như báo chí phản ánh, các văn bản pháp luật hiện hành còn khoảng trống về trách nhiệm khi xảy ra cháy, nổ xe máy. Nhiều cơ quan quản lý nhưng không ai đứng ra nhận trách nhiệm. Tôi đã chỉ đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam phải xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật để ngay từ năm 2012 hoàn thiện khung pháp lý quy định rõ trách nhiệm thuộc về ai để có chế tài xử lý. Tôi khẳng định trách nhiệm này sẽ phải thuộc về Bộ GTVT” - ông Thăng khẳng định. |
Bình luận (0)